11:01 24/02/2016

Terrarium – Thú chơi của những “nông dân sành điệu”

PV

 

Terrarium – Thú chơi của những “nông dân sành điệu” - Ảnh 1

Những khu vườn thủy tinh mini trong nhà đã xuất hiện từ lâu nhưng vài năm trở lại đây càng trở nên phổ biến trong những căn hộ nhỏ. Ngoài tính thẩm mỹ, Terrariums khá rẻ và phù hợp với bất cứ không gian nào. Không cần chăm sóc quá nhiều, một bình Terrariums có thể sống sót trong nhiều năm, thậm chí vài chục năm. Vườn tiểu cảnh sành điệu Nghệ thuật trồng cây cảnh mini hay Terrarium, chia thành hai loại chính là trồng cây trong bình kín và trồng cây trong bình hở. Đối với loại bình hở, các bạn tưới tắm và chăm sóc như cây cảnh bình thường. Với những bình có rêu thì nên phun sương hàng ngày giữ ẩm, còn những loại ưa khô như sen đá thì 1 tuần chỉ nên tưới từ 1 - 2 lần.  Còn bình kín thì dễ chăm sóc hơn nhiều, chỉ 4 – 5 tháng bạn mới cần mở nắp lọ ra và phun sương một lần. Những hơi nước sẽ đọng lại trong thành bình và sẽ giữ cho cây luôn tốt tươi.

Terrarium – Thú chơi của những “nông dân sành điệu” - Ảnh 2

Vì cây được trồng trong bình nhỏ nên điều quan trọng nhất trong việc chăm sóc cây trong bình là phải giữ cho cây luôn đủ ánh sáng. Đẹp nhất, bạn nên đặt hoặc treo chậu cây ở bệ cửa sổ, ban công, nơi tràn ngập ánh sáng mặt trời. Bên cạnh đó, thỉnh thoảng bạn  nên đưa bình cây ra ngoài trời để cây có thể hấp thụ thêm ánh sáng và các chất dinh dưỡng từ tự nhiên. 

Terrarium – Thú chơi của những “nông dân sành điệu” - Ảnh 3

Thật khó để tìm thấy bất kỳ tác phẩm Terrarium nào giống hệt nhau, vì mỗi tác phẩm đều được sắp đặt theo ngẫu hứng của người thực hiện. Ngay cả người làm chuyên nghiệp cũng không thể lặp lại chính xác từng milimet một mẫu Terrarium mình từng làm ra. Bạn hoàn toàn có thể tận dụng những bể cá cảnh đã cũ, một quả cầu thủy tinh lớn, một bình phản ứng trong phòng thí nghiệm, thậm chí là bóng đèn,… để có thể tạo ra những mẫu độc đáo riêng của mình. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, từ nửa năm trở lại đây nhiều cửa hàng bán cây cảnh bắt đầu chú ý đến dòng sản phẩm Terrarium. Dọc theo khu bán cây cảnh trên đường Thành Thái (quận 10, TP.HCM), nhiều cửa hàng treo bảng bán “cây không khí” - loại cây chủ lực để làm terrarium, có thể sống không cần nước và đất. Loại cây này cho vào bình thủy tinh rải cát, đá nhiều màu dưới đáy, trông rất lung linh, bắt mắt. Dù chưa đạt đến mức độ chuyên nghiệp của terrarium thực thụ, nhưng giá cả loại này rất mềm, chỉ từ 100.000 - 300.000 đồng/bình, thu hút đông đảo khách hàng là giới trẻ.

Terrarium – Thú chơi của những “nông dân sành điệu” - Ảnh 4

Tại Aqua Garden (4 Nguyễn Hữu Cầu, Q.1, TP.HCM), những vườn cây trong bình thủy tinh được bày kín cả 12m2 diện tích cửa hàng với nhiều kiểu dáng bình, từ bình tròn, bình xoắn ốc đến bình giọt nước, bình bóng đèn và đủ loại tiểu cảnh. Mức giá ở đây dao động từ 150.000 đồng đến cả triệu đồng, thậm chí cao hơn nếu khách có nhu cầu đặc biệt.  “Tiệm phát triển nhóm hàng Terrarium đã lâu. Chỉ thời gian gần đây, nhiều người bắt đầu chú ý và đặt mua liên tục trên mạng, tôi làm cả ngày có khi vẫn không kịp để giao hàng. Loại hình này được chuộng vì cây dễ sống, không cần chăm sóc, cắt tỉa nhiều, không tốn quá nhiều diện tích trong văn phòng” - chủ cửa hàng giải thích.

Terrarium – Thú chơi của những “nông dân sành điệu” - Ảnh 5

Gắp cây vào bình  Đặt trên bàn một bình thủy tinh kích cỡ tương đương bình cá mini, chị Đinh Thị Thu Thủy (51 tuổi, Hà Nội) tỉ mẩn xúc từng muỗng sỏi trắng cho vào đáy bình, sau đó rải tiếp lớp sỏi nâu và một lớp cát trắng trên bề mặt, cố tình tạo độ dốc lượn lên xuống như cát trên bãi biển. Sau đó, như một người đầu bếp, chị dùng đũa tre gắp một cây không khí cao khoảng 6cm cho vào bình, kèm theo vài mẩu lũa (gỗ cây khô) và những túm rêu nhỏ giả làm cây bụi, cuối cùng là điểm xuyết một con ốc nhỏ nằm trên cát… “Làm vườn kiểu này không cực ở chỗ lấm lem bùn đất, nhưng người làm phải kiên nhẫn, tỉ mỉ, làm sao để mỗi lần xoay bình và cả nhìn từ trên xuống là thấy một cảnh quan hoàn toàn khác, giống như ngắm một khu vườn qua kính vạn hoa vậy” - chị Thủy cho biết.

Terrarium – Thú chơi của những “nông dân sành điệu” - Ảnh 6

Bên cạnh việc mua cây rồi tự tạo một khu vườn theo kiểu ưng ý để décor không gian sống, bàn làm việc…, không ít người muốn học làm Terrarium như một cách thư giãn, giải tỏa căng thẳng. Các lớp học tự tạo Terrarium thu hút rất đông học viên mọi lứa tuổi, đa số là nữ giới làm việc văn phòng. Sau phần hướng dẫn của giáo viên về các nguyên tắc cơ bản như thứ tự sắp xếp nguyên vật liệu, cây cối, học viên bắt đầu tự sáng tạo tác phẩm của mình trong tiếng nhạc du dương. Người chọn cách đính cây không khí lên khối gỗ để tạo cảm giác như một cây cổ thụ có nhiều tán nhỏ; người cho vào bình rất ít cây nhưng nhiều cát, sỏi để làm tiểu cảnh sa mạc; người khác lại lụi cụi nhặt sỏi để chọn riêng màu... Thỉnh thoảng các học viên lại chăm chú ngắm tác phẩm của nhau và trầm trồ xuýt xoa vì chỉ với bấy nhiêu nguyên vật liệu mà chẳng bình cây nào giống nhau cả.

Terrarium – Thú chơi của những “nông dân sành điệu” - Ảnh 7

Sở hữu một “bầu khí quyển” mini Muốn tạo được một khu vườn tí hon, người chơi phải có sự cần mẫn và khéo léo như người nông dân thực thụ. Khi tiểu cảnh hoàn thành thì người chơi chỉ mới đi được nửa đường. Bởi việc chăm sóc cho cả khu vườn tí hon lúc nào cũng tươi tốt còn phụ thuộc vào sự tỉ mỉ, chăm chỉ của người trồng. Ví dụ cứ để cây mãi trong phòng máy lạnh thì chắc chắn cây sẽ chết, hay chăm tưới nước quá cây sẽ bị úng. Bật mí về bí quyết chăm sóc tiểu cảnh, các chuyên gia terrarium nói: “Trong phòng máy lạnh thì ta nên tưới nước ít và kéo dài khoảng cách các lần tưới hơn khi đặt ngoài trời vì phòng máy lạnh hơi nước thoát chậm hơn. Về ánh sáng, nếu có nắng chiếu vào thì tốt không thì ta chỉ cần nguồn sáng mạnh bên cửa sổ. Cách ngày mình cho “em nó” ra đó “tắm nắng” khoảng bốn đến năm tiếng để cây khỏe là được”.

Terrarium – Thú chơi của những “nông dân sành điệu” - Ảnh 8

Môi trường phòng máy lạnh khá khô ráo và thiếu ánh nắng mặt trời. Một số loại cây sẽ cần ánh nắng mặt trời, một số thì không. Với các loại cây cần ánh nắng và sự khô thoáng nhiều như sen đá, bạn cần tranh thủ phơi nắng cho cây và không cần tưới quá nhiều nước, tưới nước chỉ khoảng 1 lần/tuần. Với các sản phẩm Terrarium đậy kín nắp, thì 4 - 5 tháng mới cần mở nắp và tưới nước một lần. Mặc dù kỳ công nhưng khu vườn tí hon vẫn khiến nhiều người “động lòng” muốn sở hữu. Bởi cây xanh là nguồn giải tỏa tốt nhất mọi mệt mỏi. Ngoài yếu tố đó, tiểu cảnh còn chinh phục mọi người vì tính thẩm mỹ cao. Giữa lòng thành phố đông đúc, một “bầu khí quyển” mini trong chiếc bình thuỷ tinh trong veo sẽ khiến cho không gian không còn bó hẹp, ngột ngạt. Có thể nói, Terrarium là mô hình đang rất được ưa chuộng bới đó là lựa chọn tuyệt vời để tô điểm cho những góc nhỏ xinh trong không gian sống của bạn. Chẳng hạn như trên bàn cafe phòng khách, khu vực ăn uống, bậc thềm cửa sổ hay phòng làm việc của các cô nàng công sở. Chắc chắn khu vực ấy sẽ trở nên mềm mại, duyên dáng và sống động hơn rất nhiều đúng không nào?

Terrarium – Thú chơi của những “nông dân sành điệu” - Ảnh 9

Tự tạo một Terrarium của riêng bạn Chuẩn bị: - Chậu hoặc hũ thủy tinh: có thể là những chiếc ly, tách, bình thủy tinh cũ mà bạn không dùng đến nữa hoặc bạn có thể mua tại một số cửa hàng cây cảnh. - Đất: đất giàu dinh dưỡng. Theo chia sẻ của chuyên gia thì đất tribat là phù hợp nhất vì giữ ẩm tốt. Bạn có thể tìm mua tại các cửa hàng cây cảnh. - Than hoạt tính giúp chống lại các loài vi khuẩn và nấm gây hại cho cây. - Rêu và cây cảnh nhỏ (những bình này thường được đặt trong phòng vì vậy bạn nên những loại cây nhỏ, có sức sống tốt như hoa đá, xương rồng, lưỡi mèo…) - Các đồ trang trí: có thể là những viên sỏi nhỏ trong vườn nhà hoặc những viên đá đa màu sắc , vỏ ốc, v.v. mà bạn có thể tìm được hoặc mua tại các cửa hàng - Các dụng cụ: kéo, kìm, kẹp, thìa muỗng nhỏ. Thực hiện: Bước 1: Rải 1 lớp sỏi hoặc đá mạt nhỏ mỏng xuống đáy chậu. Bạn nên rửa sạch sỏi  trước khi sử dụng để bình nhìn có vẻ đẹp hơn. Lớp sỏi này rất quan trọng giúp chống úng cho cây. Vì hầu như là những cây cảnh nhỏ, cũng như ưa khô nên tuyệt đối không được để ngập nước. Bước 2:  Rắc một lớp than hoạt tính lên trên để giúp giữ độ ẩm cho đất cũng như phòng chống sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc. Lớp than này chỉ cần có độ dày vừa phải và rắc đều trên bề mặt sỏi. Bước 3: Cho đất vào chậu. Đảm bảo cho đất có độ xốp và phần đất không cao quá một nửa chiều cao của lọ thủy tinh. Tốt nhất là xếp đất cao đến khoảng 1/3 chiều cao của lọ. Để khi trồng cây toàn bộ phần cây sẽ nằm phía trong lọ. Bước 4:  Phủ một lớp rêu mỏng  lên bề mặt đất để tăng khả năng giữ ẩm và làm cho bề mặt đất có vẻ “tự nhiên” hơn.  Bước 5:  Trồng cây vào lọ. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ khéo léo.  Đối với những lọ có kích thước lớn hoặc nông thì khá đơn giản. Còn với những lọ dài và nhỏ, bạn có thể sử dụng một chiếc đũa hoặc que dài để giúp cho việc trồng cây dễ dàng hơn. Bước 6: Phịt nước xung quanh thành bình để làm ẩm cũng như rửa sạch bình. Khi tưới nước cho những cây trồng trong lọ thủy tinh này bạn nên sử dụng bình tưới để nước có thể tiếp xúc đều với các bộ phận của cây và không đọng lại quá nhiều ở bên dưới bình khiến cây bị ủng rễ. Bước 7: Nên thường xuyên lau phần thủy tinh bên ngoài để giữ cho bình luôn sạch bóng. Bạn có thể đậy nắp làm thành bình kín và chỉ cần tưới nước lại 4 - 5 tháng một lần.

Décor không gian với Terrarium

- Ánh sáng: Cây trồng trong bình thủy tinh cần ánh sáng nhưng không phải là ánh sáng trực tiếp bởi bình thủy tinh có khả năng khuếch đại ánh sáng. Nên đặt cây cảnh trồng trong chậu thủy tinh ở nơi có ánh sáng gián tiếp chiếu vào như đặt ở trên bàn nhưng ở hướng mà mặt trời không chiếu trực tiếp.

- Nhiệt độ: Bình cây thủy tinh nên được để ttong phòng có nhiệt độ và độ ẩm ổn định, tránh tăng giảm nhiệt độ đột ngột vì cây không thích ứng kịp với sự thay đổi của môi trường.

- Vị trí: Tránh đặt bình cây thủy tinh trên những đồ nội thất dễ hư hỏng hoặc nơi có trẻ em hay chơi đùa bởi rất dễ rơi vỡ. Đối với cây cảnh trồng trong chuông treo thủy tinh thì cột dây thật chắc chắn ở những thanh xà ngang hoặc đinh đính cố định vào tường để đảm bảo sự chắc chắn.

Ninh Vũ Nhu