Tết mỗi người mỗi khác…
Ngày đầu tiên của tháng Chạp, tiết trời rét hanh chuyển sang ẩm nồm từ lúc nào không biết. Cứ mỗi lần mưa phùn, tôi lại cảm thấy Tết bước tới gần mình thêm một chút nữa, kể cả khi chưa thấy bóng dáng hoa đào, chậu quất, mà cây hồng trà nhà bên cũng mới chỉ ấp ủ những đốm nụ son.
Mỗi năm trôi đi, cảm giác về thời gian của tôi lại mờ nhạt hơn một chút, năm 2018 đã chớm tới khi tôi còn chưa kịp quen việc viết ra cụm chữ số 2017. Tết cũng thế, chẳng biết đã rón rén chờ sẵn ở một góc nào, chỉ khi thấy đường bỗng dưng đông đúc không kể ngày đêm, và từng xe bưởi Diễn chở đi tấp nập, tôi mới ngẩn ngơ nhận ra, một năm nữa đã lại trôi qua nhanh đến không ngờ. Bây giờ lịch xé đã ít người dùng, hình ảnh thời gian trôi cũng vì thế mà chẳng còn rõ rệt nữa.
Tôi đi qua phố Bông Nhuộm một buổi tối muộn. Đường vắng, cây bàng góc ngã ba đã rụng hết lá từ lâu, trơ ra cành cây đen khô khốc đặc trưng của Hà Nội mùa đông, nhà nào vẫn còn treo lấm tấm dây kim tuyến hồng từ đợt Giáng sinh. Tất cả khung cảnh ấy nhuộm dưới ánh đèn vàng tối với cô bán hoa sớm đạp xe qua, tiếng lạch cạch rơi khẽ vào đêm, giống như một niềm vui ấp ủ, vun vén suốt cả năm chỉ chờ nở bung đón Tết. Tết thực ra giản dị và bình thường, đối với mỗi người một khác. Chị đầu bếp tôi quen đã sắm Tết từ đầu tháng Mười Một ta, bao nhiêu bánh kẹo mứt Tết chị thuộc giá làu làu, quần áo cho lũ trẻ mua từ sớm, quà cáp hai bên nội ngoại cũng xong xuôi, cây đào cây quất đều đã đặt, gần Tết có người chở đến tận nhà. Chị hào hứng sắm sửa từ khi giá còn chưa lên, năm nào cũng thế. Tết ở nhà tôi lại khác, mẹ tôi đã hết tất bật từ lâu, mấy năm gần đây ăn Tết đều giản tiện và ít bày vẽ. Bánh chưng mứt Tết chắc chắn chẳng thể nào thiếu được, nhưng thêm vào đó tôi làm mấy món lạ miệng, để "chống ngán" hẳn là lẽ đương nhiên, nhưng còn lý do khác quan trọng hơn, đó là để Tết mỗi năm đều có một điều mới mẻ để ngóng chờ.
Sườn bò đã rút sẵn xương ướp đủ đầy với các loại gia vị nồng ấm, om thật lâu trong lửa nhỏ để miếng sườn mềm mà săn lại, óng ánh màu cánh gián và phưng phức thơm vào tận thớ thịt bên trong. Các món ngày Tết thường bị nguội, nào hành muối, thịt đông, giò chả, lúc ấy chỉ thèm một món thịt hầm thật nhừ thật nóng, rưới lên cơm trắng mà xuýt xoa. Mứt dừa mứt quất cũng đã rực rỡ trên mâm, có phiền gì không nếu hết bữa lại bưng ra một đĩa bánh khoai lang hấp chín vẫn còn nóng hổi, mịn màng bột gạo, bùi béo nhân vừng, lại tím rực lên như một loài hoa nào lạ lắm. Cứ tất bật, cứ lo toan sắm sửa, cứ chen chúc cùng đoàn người tấp nập dưới kia, nhưng đừng quên nhé làm cho mình những điều đặc biệt, để Tết năm nào cũng có thứ để nhớ về. DẺ SƯỜN BÒ HẦM NGŨ VỊNguyên liệu: Cho 4 người ăn Thịt dẻ sườn bò: 1kg Nấm hương: 10 cái Gừng: 1 củ nhỏ Quế: 1 thanh nhỏ bằng ngón tay Hoa hồi: 2 cái Tiêu đen nguyên hạt: 1 thìa canh Ớt cay: 3 quả Dầu hào: 3 thìa canh Nước mắm: 3 thìa canh Xì dầu: 5 thìa canh Muối: 1 thìa cà phê Dầu ăn Cách làm: Sườn bò thái miếng dài hai đốt ngón tay. Hoa hồi, quế, tiêu đen rang thơm. Gừng nướng chín nguyên củ, đập dập. Ớt cắt bỏ cuống, để nguyên quả. Nấm hương ngâm nở. Để chảo nóng già, cho một chút dầu ăn vào chảo, cho thịt bò đã thái vào áp cho sém đều các mặt, lưu ý không đảo nhiều tránh thịt bị ra nước không sém được. Khi thịt đã sém, cho cả thịt và nước mỡ vào nồi đáy dày, cho tất cả các nguyên liệu còn lại vào nồi (trừ nấm hương) cùng với nước xâm xấp mặt thịt. Cho dầu hào, nước mắm, xì dầu vào, đảo đều. Đun thịt ở lửa vừa đến khi sôi lăn tăn. Hớt hết bọt rồi đậy kín vung, hạ lửa nhỏ và hầm trong 1 tiếng. Gắp riêng thịt ra bát, đổ toàn bộ phần nước hầm qua rây để lọc bỏ các gia vị. Trút lại thịt và nước vào nồi, nêm nếm vừa ăn với muối. Cho nấm hương vào nồi thịt, hầm nhỏ lửa thêm 1 tiếng nữa. Khi thịt đã chín thật mềm, xắn được bằng đũa, nước sệt lại và óng ánh màu nâu tức là món ăn đạt yêu cầu. Thịt bò hầm ăn nóng với cơm trắng.
BÁNH KHOAI LANG HẤP Nguyên liệu: Cho 12 cái bánh 200g khoai lang tím 200g khoai lang vàng 100g bột nếp 100g bột tẻ 150g đường Vừng trắng, vừng đen Cách làm: Khoai lang gọt vỏ, luộc chín riêng từng loại, giữ lại nước luộc khoai. Bột nếp, bột tẻ trộn đều, chia làm 2 phần bằng nhau. Nghiền nhuyễn mỗi loại khoai với 75g đường tới khi đạt hỗn hợp thật mịn. Trộn mỗi phần khoai với một phần bột, thêm nước luộc khoai và nhào đều tay cho tới khi đạt hỗn hợp mịn và khá ráo tay. Chia mỗi màu bột thành 6 viên, vê thật tròn, ấn thành miếng dẹt dày 1cm. Dùng dao nhọn cắt thành 5 cánh hoa, lấy đầu ngón tay vê tròn mép cánh hoa. Bắc nồi hấp lên bếp, phết một lớp mỏng dầu ăn lên xửng hấp. Bỏ bánh khoai lang vào hấp trong 15 phút. Để bánh nguội bớt rồi dỡ ra khỏi xửng, rắc vừng đã rang thơm lên mặt bánh. Bánh có thể ăn ấm hoặc ăn nguội. Nếu để bánh nguội, lưu ý bọc kín để tránh bị khô mặt bánh.