14:30 11/10/2023

Tham vấn dự án xây dựng đường ven biển Trà Vinh 9.000 tỷ đồng

Xuân Thái

Dự án tuyến đường ven biển Trà Vinh có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 9.100 tỷ đồng, đang được Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đưa ra lấy ý kiến đóng góp và sẽ hoàn thiện đề xuất dự án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2023...

Dự án tuyến đường bộ ven biển Miền Tây là dự án trọng điểm quốc gia nhưng không được bố trí vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025.
Dự án tuyến đường bộ ven biển Miền Tây là dự án trọng điểm quốc gia nhưng không được bố trí vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025.

Tuyến đường hành lang ven biển qua địa phận tỉnh Trà Vinh có tổng chiều dài  60,7 km gồm các hạng mục xây dựng khoảng 56 km đường ô tô cấp III đồng bằng và 33 cầu bê tông cốt thép, xây dựng cầu cửa Cung Hầu và đường dẫn kết nối với cầu Cổ Chiên 2…

Dự án có tổng vốn xây dựng dự kiến là 9.100 tỷ đồng; trong đó, vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trên 6.700 tỷ đồng, vốn ngân sách đối ứng của địa phương khoảng 2.400 tỷ đồng.

Chương trình tư vấn KSP là đơn vị tư vấn thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án xây dựng tuyến đường hành lang ven biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ tri thức do Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) và ADB tài trợ, nhằm giúp 3 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh hoàn thiện các báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án xây dựng tuyến đường hành lang ven biển, phù hợp với yêu cầu của KEXIM và ADB.

Mới đây, tại buổi làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh với nhóm tư vấn của Chương trình KSP, các bên thống nhất nhiều nội dung như phạm vi công việc, tiến độ thực hiện dự án, kế hoạch khởi động dự án và ký biên bản ghi nhớ… Nhóm công tác Chương trình tư vấn KSP đã nhấn mạnh KEXIM, ADB và Chính phủ Hàn Quốc luôn coi trọng khâu đánh giá ĐTM trong các dự án giao thông.

Nhóm tư vấn Chương trình KSP cũng cho biết sắp tới sẽ tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong quá trình đánh giá ĐTM các dự án đường bộ tại Hàn Quốc cũng như hỗ trợ, tư vấn tỉnh Trà Vinh thực hiện báo cáo ĐTM đáp ứng theo yêu cầu của KEXIM và ADB.

Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đánh giá dự án xây dựng tuyến hành lang ven biển có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương và khu vực. Người đứng đầu chính quyền tỉnh Trà Vinh xác nhận tỉnh Trà Vinh thống nhất với nội dung công việc do Chương trình tư vấn KSP đề xuất, đồng thời sẽ phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Dự án có điểm đầu từ đường dẫn đầu cầu cửa Cung Hầu (xã Long Hòa, huyện Châu Thành), nối tiếp với tuyến đường hành lang ven biển thuộc địa phận tỉnh Bến Tre, và được chia làm 2 đoạn: Điểm cuối đoạn thứ nhất giao với quốc lộ 53B (thuộc xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải) và điểm cuối đoạn thứ hai giao với đường dẫn vào cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 54 (xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần).

Dự án đường hành lang ven biển đi qua địa phận TP.HCM và 7 tỉnh ĐBSCL; trong đó đoạn qua tỉnh Trà Vinh có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 9.100 tỷ đồng.
Dự án đường hành lang ven biển đi qua địa phận TP.HCM và 7 tỉnh ĐBSCL; trong đó đoạn qua tỉnh Trà Vinh có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 9.100 tỷ đồng.

Dự án đường ven biển miền Tây Nam Bộ có tổng chiều dài 740 km, từ TP.HCM đến Hà Tiên, đi qua địa bàn TP.HCM và 7 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 về Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là dự án hạ tầng giao thông quan trọng, kết nối hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cũng như thúc đẩy tiềm năng du lịch biển của cả vùng rộng lớn.

Trong một văn bản mới đây gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Tiền Giang về việc sớm triển khai thực hiện dự án đường ven biển miền Tây đoạn qua địa bàn tỉnh Tiền Giang, Bộ Giao thông vận tải cho biết do địa hình cực kỳ phức tạp, đi qua hầu hết các cửa sông lớn giáp Biển Đông nên dự án có mức đầu tư lớn.

Hiện nay, dự án đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó khó khăn lớn nhất là nguồn vốn cho dự án. Bởi vì mặc dù là dự án trọng điểm quốc gia nhưng không được “rót vốn” ngân sách trung ương trong giai đoạn 2021 – 2025.

Trước đó, vào tháng 9/2022, lãnh đạo các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về hướng tuyến, quy mô dự án và xúc tiến việc khởi động dự án đường ven biển miền Tây Nam Bộ chạy dọc bờ biển của ba địa phương này. Theo đó, dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 28.500 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn đầu tư: Giai đoạn 1 từ 2021 – 2025, giai đoạn 2 sau năm 2025. Tại cuộc họp này, Ban chỉ đạo Dự án tuyến đường bộ ven biển kết nối ba tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh đã thống nhất xác định, dự án sử dụng vốn vay mà không sử dụng vốn ngân sách trung ương.