19:48 14/07/2016

Thận trọng với dịch bệnh bạch hầu bùng phát

PV

Thận trọng với dịch bệnh bạch hầu bùng phát - Ảnh 1

Cần chủ động phòng bệnh
Trước đây bệnh bạch hầu lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước nhưng từ khi vacxin phòng bệnh được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vacxin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định, hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. 2 năm qua đã ghi nhận nhiều ổ dịch bạch hầu tại Bình Phước, Quảng Nam, Gia Lai gây tử vong về người.

Thận trọng với dịch bệnh bạch hầu bùng phát - Ảnh 2

Theo thống kê của tỉnh Bình Phước, căn bệnh này xuất hiện từ cuối tháng 6 vừa qua.Tính đến ngày 12/7, số ca mắc phải chùm bệnh bạch hầu là 31 người (xã Thuận Lợi có 30 ca, xã Thuận Phú có 1 người). Ngoài 3 nạn nhân đã tử vong, 6 ca đã xuất viện thì vẫn còn 22 ca đang điều trị tại Trạm Y tế xã Thuận Lợi, Bệnh viện Nhiệt Đới, Chợ Rẫy (TP.HCM)… Hiện tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh bạch hầu lây lan. Sở Y tế tỉnh này khuyến cáo người dân nếu thấy có những biểu hiện sốt, viêm amidan phải đến bệnh viện kiểm tra để kịp thời điều trị. Trước dịch bệnh nguy hiểm, Công điện khẩn ngày 13/7/2016 của Cục Y tế dự phòng gửi Sở Y tế Bình Phước về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh bạch hầu, khuyến cáo người dân cần thực hiện kết hợp 5 nhóm giải pháp, cụ thể là: (1) Đưa trẻ đi tiêm chủng vacxin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch ( tiêm đủ 3 mũi vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván). Chương trình Tiêm chủng mở rộng bao gồm: Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng; Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng; Mũi thứ 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi; (2) Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; ( 3) Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; ( 4) Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời; ( 5) Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Thận trọng với dịch bệnh bạch hầu bùng phát - Ảnh 3

Bệnh rất dễ lây nhiễm
Viện Pasteur TP.HCM cho biết, bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc, bệnh lây theo đường hô hấp do trực khuẩn bạch hầu gây ra (Corynebacterium diphtheria). Vi khuẩn bạch hầu xâm nhập cơ thể qua niêm mạc đường hô hấp (gây bệnh bạch hầu họng, thanh quản); màng tiếp hợp mắt (gây bệnh bạch hầu mắt); thính giác (bạch hầu tai); da tổn thương (bạch hầu da)… Bất cứ người nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị lây nhiễm. Người có khả năng miễn dịch thấp dễ bị bệnh hơn. Thông thường trẻ em từ một đến 10 tuổi dễ mắc bệnh nhiều nhất do không còn kháng thể từ mẹ truyền sang.  Về thể bệnh bạch hầu họng (thường gặp): Bệnh cảnh lâm sàng là việm họng giả mạc và nhiễm độc toàn thân. Trực khuẩn bạch hầu sống rất lâu trong giả mạc và trong họng của những bệnh nhân đang ở thời kỳ lại sức (ở chỗ viêm, tới 6 tháng sau cấy vi khuẩn vẫn còn mọc). Người ta cũng thấy nó sống rất lâu (tới vài tháng) trên các đồ chơi của trẻ em bị bệnh bạch hầu, trên áo choàng của nhân viên y tế, trong các buồng bệnh điều trị bạch hầu. Tuy nhiên, trực khuẩn gây bệnh rất nhạy cảm với các yếu tố lý hóa, dưới ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp trực khuẩn bị chết sau vài giờ, ở nhiệt độ 58 độ C sống được 10 phút, còn trong phenol 1% hoặc cồn chỉ có thể sống được 1 phút. 

Thận trọng với dịch bệnh bạch hầu bùng phát - Ảnh 4
Dịch bạch hầu bùng phát không theo mùa rõ rệt, chỉ cần có nguồn bệnh sẽ lây nhiễm. Khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi, vi khuẩn phát tán ra xung quanh theo đường không khí và lây bệnh cho người lành. Ngoài ra tiếp xúc qua da khi bị trầy xước cũng dẫn đến lây lan vi khuẩn bạch hầu.
Nguồn lây chủ yếu là người bệnh (thể điển hình hoặc thể ẩn). Người bệnh bài tiết vi khuẩn từ cuối thời kỳ ủ bệnh đến lúc khỏi về lâm sàng. Khi nói chuyện vi khuẩn theo nước bọt lây trực tiếp từ người này sang người khác, hoặc lây qua đồ dùng bị dính vi khuẩn bạch hầu. Người vừa khỏi bệnh còn mang vi khuẩn từ 2 tuần đến vài năm. Độc tố của vi khuẩn bạch hầu có thể tác động lên các cơ quan chính của cơ thể gây viêm tim, viêm thận, liệt tay, chân, mắt lé, thay đổi giọng nói do bị ngọng thanh quản.

Thận trọng với dịch bệnh bạch hầu bùng phát - Ảnh 5

 

Triệu chứng bệnh bạch hầu chủ yếu là viêm họng, có lớp màng giả màu trắng do các tế bào bị viêm bám vào trong vòm họng. Nếu không điều trị, màng này lan rộng lấp đầy đường hô hấp khiến bệnh nhân ngạt thở. Không giống như các vi khuẩn thông thường khác, vi khuẩn bạch cầu gây viêm họng, nóng, sốt và nguy hiểm nhất là độc tố của vi khuẩn có thể theo máu tác động lên các cơ quan chính của cơ thể làm viêm tim, viêm thận. Thậm chí vi khuẩn tác dụng lên hệ thần kinh làm liệt tay, liệt chân, mắt lé, giọng nói của người bệnh có thể thay đổi do bị ngọng thanh quản.

 

Theo các bác sĩ bệnh nhân khi bị viêm họng và các triệu chứng trên nên đi khám sớm tránh biến chứng. Biện pháp điều trị giúp ngăn ngừa các triệu chứng độc tố của vi khuẩn là tiêm thuốc  kháng độc tố bạch hầu (Serum Anti Diphtheriae- SAD) để trung hòa độc tố của vi khuẩn, ngăn ngừa độc tố tác động lên tim, thận và các hệ thần kinh khác. Sau đó người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng kháng sinh như Penicilin, Ampicilin, Erythromycin, Rifampycin, Clindamycin, Cephalosporin…

 

 

PV