20:50 02/11/2021

Tháng 10, HOSE có 45 doanh nghiệp tỷ USD

Hà Anh

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10/2021, chỉ số VNIndex thiết lập đỉnh lịch sử mới với 1444,27 điểm, cao nhất trong 21 năm qua, tăng 7,62% so với tháng trước, tăng 30,84% so với đầu năm...

Giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 9,08% so với tháng trước, đạt khoảng 89% GDP năm 2020 (GDP theo giá hiện hành).
Giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 9,08% so với tháng trước, đạt khoảng 89% GDP năm 2020 (GDP theo giá hiện hành).

Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) vừa công bố thông tin thị trường chứng khoán tháng 10/2021 với kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10/2021, chỉ số VNIndex thiết lập đỉnh lịch sử mới với 1444,27 điểm, cao nhất trong 21 năm qua, tăng 7,62% so với tháng trước, tăng 30,84% so với đầu năm;

VNAllshare đạt 1477,13 điểm, tăng 7,11% so với tháng trước và tăng 43,08% so với đầu năm; VN30 đạt 1532,35 điểm, tăng 5,41% so với tháng trước và tăng 43,11% so với đầu năm.

Các chỉ số ngành ghi nhận sự tăng trưởng cao trong tháng này, trong đó nổi bật: ngành hàng dịch vụ tiện ích (VNUTI) tăng 16,20%, ngành công nghiệp (VNIND) tăng 15,35% và ngành bất động sản (VNREAL) tăng 12,09% so với tháng trước.

Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 10 quay lại đà tăng với giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt khoảng 22.139 tỷ đồng và 729,2 triệu cổ phiếu, tăng 5,94% về giá trị và tăng 2,68% về khối lượng so với tháng trước.

Top 5 cổ phiếu giao dịch trong tháng 10/2021.
Top 5 cổ phiếu giao dịch trong tháng 10/2021.

Trong tháng, tổng giá trị và khối lượng giao dịch cổ phiếu lần lượt đạt khoảng 464.925 tỷ đồng và 15,31 tỷ cổ phiếu, tăng lần lượt 11,24% về giá trị và tăng 7,81% về khối lượng so với tháng 09.

Giao dịch chứng quyền có bảo đảm (CW): Trong tháng 10, tổng khối lượng giao dịch CW đạt hơn 514,5 triệu CW với giá trị giao dịch đạt trên 1.038 tỷ đồng. Thanh khoản giao dịch của CW tăng với giá trị giao dịch và khối lượng giao dịch bình quân lần lượt đạt hơn 49 tỷ đồng và 24,5 triệu CW, tương ứng tăng 14,46% về giá trị và 28,38% về khối lượng bình quân so với tháng trước. Kể từ ngày đầu tiên chính thức giao dịch, đã có 456 mã CW trên 27 cổ phiếu cơ sở của 10 tổ chức phát hành được niêm yết và giao dịch.

Giao dịch cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài: Tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng đạt trên 68.019 tỷ đồng, chiếm 7,32% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng với giá trị trên 5.751 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 50.431 tỷ đồng.

Quy mô thị trường trên HOSE: Tính đến hết ngày 29/10/2021, có 532 mã chứng khoán niêm yết trong đó gồm: 402 mã cổ phiếu, 03 mã chứng chỉ quỹ đóng, 08 mã chứng chỉ quỹ ETF, 98 mã chứng quyền có bảo đảm và 21 mã trái phiếu. Tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết đạt trên 115,46 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 9,08% so với tháng trước, đạt khoảng 89% GDP năm 2020 (GDP theo giá hiện hành).

Về hoạt động niêm yết và đấu giá: trong tháng 10, trên HOSE có 1 mã cổ phiếu SHB thực hiện chuyển giao dịch từ HNX sang HOSE và 44 mã chứng khoán niêm yết mới, gồm: 1 mã chứng chỉ quỹ đóng FUCTVGF3, 1 mã chứng chỉ quỹ ETF FUEIP100 và 42 mã CW.

Về kế hoạch đấu giá tháng 11/2021: Công ty Cổ phần Minh Hưng Quảng Trị đấu giá 500.000 cổ phần theo Giấy phép UBCKNN. Ngày đầu giá dự kiến là 12/11 tới.

Về kế hoạch niêm yết tháng 11/2021: dự kiến ngày 4/11, CTCP Chứng khoán Tiên Phong (ORS) đăng ký niêm yết 200.000.000 cổ phần với giá tham chiếu 28.300 đồng/cổ phần; Ngày 10/11, CTCP Sản xuất và Thương
mại Nam Hoa (mã NHT) đăng ký niêm yết 15.411.541 cổ phần với giá tham chiếu 36.750 đồng/cp.

Các doanh nghiệp có vốn hóa thị trường trên tỷ USD: Đến hết tháng 10, trên HOSE đã có 45 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, tăng 15% số lượng công ty so với tháng trước, trong đó có 5 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD, bao gồm: Tập đoàn Vingroup (VIC), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB), Công ty cổ phần Vinhomes (VHM), Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Tổng Công ty Cổ phần Khí Việt Nam (GAS).

Các công ty tiếp theo gồm: là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (VNM); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (TCB); Công ty Cổ phần Tập đoàn MaSan (MSN); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPB); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID); Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NVL); Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (CTG); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội (MBB); Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SAB); Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB); Công ty Cổ phần FPT (FPT); Công ty cổ phần Hàng không VietJet (VJC);

Công ty Cổ phần Vincom Retail (VRE); Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX); Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB); Tổng CTCP Hàng không Việt Nam (HVN); Tổng CTCP Đầu tư và phát triển Công nghiệp (BCM); Ngân hàng Thương mại Đông Nam Á (SSB); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn -Hà Nội (SHB); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPB); Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDB); Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB); Tập đoàn Bảo Việt (BVH); Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR); Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI); Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB);

Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB); Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH); Tổng CTCP Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW); Tổng CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (EIB); Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC); Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG); Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPB); Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VND); Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ); Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE).