Tháng 12 tới, PHR sẽ chi gần 610 tỷ đồng trả cổ tức
Công ty sẽ trả cổ tức còn lại năm 2020 với tỷ lệ 20%/cổ phiếu và tạm ứng cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 25% bằng tiền...
CTCP Cao su Phước Hòa (mã PHR - HOSE) vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc chi trả cổ tức còn lại năm 2020 và tạm ứng cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt.
Theo đó, công ty sẽ trả cổ tức còn lại năm 2020 với tỷ lệ 20%/cổ phiếu (1 cổ phiếu sẽ được nhận 2.000 đồng). Thời gian thanh toán trước ngày 15/12/2021.
Đồng thời, công ty sẽ tạm ứng cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 25% bằng tiền (1 cổ phiếu sẽ được nhận 2.500 đồng). Thời gian thực hiện trước ngày 20/12/2021.
Như vậy, tổng mức chia cổ tức dự kiến là 45% và với 135,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, PHR sẽ phải chi khoảng gần 610 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu.
Trước đó, ông Hoàng Kim Nhựt - Chủ tịch HĐQT Công ty đã đăng ký bán 40.000 cổ phiếu PHR theo phương thức khớp lệnh, dự kiến từ ngày 15/11 đến ngày 12/12/2021. Nếu thành công, ông Nhựt sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ từ 117.866 cổ phiếu PHR, chiếm 0,087%, còn 77.866 cổ phiếu, chiếm 0,057%, nhằm đầu tư tài chính.
Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã điều chỉnh khuyến nghị cho cổ phiếu PHR từ mua còn khả quan dù đã tăng giá mục tiêu thêm 24% lên 83.600 đồng/CP và giá cổ phiếu của PHR đã tăng 46% trong 3 tháng qua.
Theo VCSC, giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu đến từ tác động tích cực từ việc cập nhật giá mục tiêu của chúng tôi đến cuối năm 2022, việc chúng tôi đưa vào mô hình định giá đối với cổ phần của PHR tại các công ty đầu tư KCN niêm yết thông qua công ty liên kết là CTCP KCN Nam Tân Uyên (mã NTC-UPCoM).
Bên cạnh đó, VCSC vẫn giữ nguyên dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021 nhưng giảm 1,4% dự báo năm 2022, chủ yếu do giả định việc mở bán đất tại KCN Tân Lập I sẽ bị kéo dài. Tương ứng với giả định việc mở bán đất tại KCN Tân Lập I bị kéo dài, chúng tôi nâng dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2023-2025 thêm 1,9%.
Ngoài ra, VCSC dự báo doanh thu đạt 2 nghìn tỷ đồng (+20% YoY) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 382 tỷ đồng (-65% YoY) trong năm 2021, chủ yếu do chúng tôi giả định PHR sẽ không ghi nhận thu nhập bồi thường từ chuyển đổi đất trong năm 2021 so với 862 tỷ đồng thu nhập từ chuyển đổi đất sang KCN Nam Tân Uyên 2 Mở rộng vào năm 2020.
Còn đối với năm 2022, VCSC dự báo doanh thu đạt 1,9 nghìn tỷ đồng (-1,4% YoY) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 1 nghìn tỷ đồng (+164% YoY). Chúng tôi kỳ vọng doanh thu thấp do giá cao su tự nhiên hạ nhiệt; trong khi đó, lợi nhuận chủ yếu được thúc đẩy bởi dự báo thu nhập bồi thường đạt 898 tỷ đồng, đến từ việc chuyển đổi đất cao su sang KCN VSIP III trong năm.
Đồng thời, VCSC nhận thấy PHR là công ty hưởng lợi chính từ nhu cầu đất KCN đang tăng nhanh ở tỉnh Bình Dương nhờ có quỹ đất cao su kết nối tốt với mạng lưới đường giao thông hiện tại. Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng sự chuyển hướng chiến lược của PHR sang mảng KCN sẽ khai thác giá trị đất lớn đáng kể của công ty.
VCSC cho biết rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi là việc trì hoãn trong việc phê duyệt KCN trong tương lai và tỷ lệ hấp thụ đất KCN thấp hơn kỳ vọng; giá cao su tự nhiên tiếp tục giảm.