Lạc quan nhất Vn-Index hướng tới đỉnh 1.440 điểm, ngân hàng vẫn là điểm sáng lợi nhuận
Trong kịch bản lạc quan nhất, kỳ vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát, và VN-Index có thể hướng đển đỉnh cao mới trong năm nay ở mức 1440 điểm...
Chứng khoán Mirae Asset vừa có báo cáo triển vọng thị trường tháng 9/2021 trong đó cập nhật điều chỉnh dự phóng biến động Vn-Index trong 4 tháng cuối năm trong khoảng từ 1200 đến 1440 điểm.
DỊCH ĐƯỢC KIỂM SOÁT, VN-INDEX HƯỚNG TỚI ĐỈNH CAO MỚI 1.400 ĐIỂM
Cụ thể, theo Mirae Asset, do dịch bệnh kéo dài hơn 4 tháng, với mức độ thực hiện các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt hơn từ trong quý 3, kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 3 sẽ bị tác động nặng nề, và phục hồi trong quý 4 với giả định Chính phủ sẽ nới lỏng các biện pháp giãn cách từ tháng 10. Trên cơ sở đó, dự báo EPS nửa cuối năm sẽ tăng gần 12% so với cùng kỳ.
Với giả định lạc quan này, Mirae Asset giữ nguyên kỳ vọng tăng trưởng EPS năm nay khoảng 33%. Tuy nhiên lại hạ kỳ vọng cho kịch bản xấu, với mức tăng trưởng EPS 2021 kỳ vọng khoảng 26% nếu thời gian kiểm soát dịch bệnh kéo dài sang quý 4.
Theo dữ liệu thống kê của Bloomberg về mức kỳ vọng tăng trưởng EPS năm 2021/2022/2023 lần lượt là 38%/21%/18%. Điều đó cho thấy sự lạc quan của thị trường mặc dù dịch bệnh chưa được kiểm soát.
Tương ứng với kỳ vọng mức tăng trưởng EPS năm 2021, Mirae Asset điều chỉnh dự phóng biến động Vn-Index trong 4 tháng cuối năm trong khoảng từ 1200 đến 1440 điểm. Thị trường đã phản ánh phần nào tác động tiêu cực của đợt bùng phát dịch lần thứ tư này kể từ tháng 7. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh và thành phố lớn, đây là biến số lớn đối với nền kinh tế, và được kỳ vọng sẽ tiếp tục phản ánh qua biến động của thị trường trong tháng 9.
Trong kịch bản tiêu cực nhất, Vn-Index được kỳ vọng sẽ tìm thấy ngưỡng hỗ trợ quanh mốc 1200 điểm. Trong kịch bản lạc quan nhất, kỳ vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát, và Vn-Index có thể hướng đển đỉnh cao mới trong năm nay ở mức 1440 điểm.
Cũng theo Mirae Asset, không có các lo ngại về mức định giá P/E ở thời điểm hiện tại xét về cả so sánh lịch sử và so sánh tương đối với các thị trường khác.
Xét theo phương pháp thống kê lịch sử, kết thúc tháng 8, Vn-Index giao dịch ở mức P/E 16 lần, cao hơn gần 10% so với mức trung bình 10 năm và thấp hơn mức trung bình 10 năm cộng 1 độ lệch chuẩn 8%. Xem xét vùng đỉnh định giá trước đó được thiết lập vào tháng 4/2018 là tại mức P/E 22 lần, mức định giá hiện tại thấp hơn 27%.
Đối với các thị trường khác: Mỹ, Ấn Độ đang có mức P/E tiệm cận mức trung bình 10 năm cộng 2 độ lệch chuẩn. P/E của các thị trường Singapore, Philippines, Thái Lan trong vùng trung bình 10 năm cộng 2 độ lệch chuẩn. Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan đang giao dịch quanh vùng P/E trung bình 10 năm. Nhật, Hồng Kông, Malaysia giao dịch dưới mức P/E trung bình 10 năm.
Theo phương pháp định giá tương đối, tính từ đầu năm, Việt Nam là một trong các thị trường có tỷ suất sinh lời tốt nhất trên thế giới, với Vn-Index tăng gần 21% kể từ đầu năm. Với kỳ vọng mở cửa và phục hồi hậu Covid-19, nhiều thị trường khác cũng có mức tăng trưởng 2 con số như Mỹ (+20,6%), Ấn Độ (+20,5%), Đài Loan (+19%), Thái Lan (+13%), Hàn Quốc (+11%). Tuy nhiên, nhiều thị trường có suất sinh lời kém như Singapore (+7%), Indonesia (+3%), Trung Quốc (+2%), Philippines (-4%), Hong Kong (-5%).
Thị trường Việt Nam được định vị ở vùng định giá hợp lý với mức tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) vượt trội (16,3%). Ngoài ra, mức EPS cũng được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong năm 2021, dù triển vọng nửa cuối năm kém lạc quan hơn trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.
NGÂN HÀNG VẪN LÀ ĐIỂM SÁNG LỢI NHUẬN
Đánh giá triển vọng các nhóm ngành, theo Mirae Asset, Ngân hàng vẫn là điểm sáng về lợi nhuận trong năm nay. Chất lượng tài sản được kỳ vọng vẫn chưa chuyển biến xấu khi các ngân hàng vẫn được phép tái cơ cấu nợ cho nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về việc sửa đổi bổ sung thông tư 01/2020 và 03/2021, nhằm hướng dẫn việc ghi nhận cũng như trích lập nợ xấu liên quan đến dịch bệnh.
Ngành Chứng khoán có nhiều thuận lợi trong bối cảnh số lượng tài khoản mở mới liên tục tăng cao và thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao.
Nhóm Thép/Tôn Mạ: 2021 vẫn là một năm tăng trưởng tích cực đối với các công ty trong ngành. Bên cạnh đó, nhu cầu hồi phục hậu Covid-19 sẽ tạo lực đỡ cho ngành trong giai đoạn 2022 trở đi.
Bất động sản khu công nghiệp: Tình hình dịch bệnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp, làm giảm lợi nhuận 2021 của nhóm bất động sản khu công nghiệp so với kỳ vọng, tuy nhiên phần chưa cho thuê được trong năm nay dự kiến sẽ tạo ra lợi nhuận tăng mạnh trong năm 2022.
Bất động sản dân cư: Kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh sửa đổi luật đất đai và đẩy nhanh quá trình phê duyệt pháp lý. Tuy nhiên, phía cầu có thể bị ảnh hưởng do dịch kéo dài.
Thực phẩm, đồ uống: Thực phẩm đóng gói thiết yếu là nhóm hàng hưởng lợi trong bối cảnh giãn cách xã hội. Ngoài ra, nhóm thủy điện là loại hình hưởng lợi nhất nhờ thủy văn thuận lợi và chi phí thấp của nguồn điện. Công nghệ thông tin cũng hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi số trong nước; mảng xuất khẩu phần mềm tăng trưởng tốt.