Thanh long chế biến khó tiêu thụ, vẫn chủ yếu xuất khẩu trái tươi
Mặc dù chế biến được coi là giải pháp cần thiết để giải tỏa sức ép tiêu thụ trái thanh long tươi, nhưng hiện nay, các sản phẩm chế biến từ trái thanh long rất khó tiêu thụ, khiến 97% sản lượng thanh long thu hoạch tại Bình Thuận chỉ xuất khẩu dưới dạng trái tươi…
Năm 2017, trái thanh long lần đầu tiên lên “ngôi vương” trong nhóm trái cây xuất khẩu của Việt Nam khi đạt kim ngạch 1,157 tỷ USD và liên tục duy trì vị thế “trái cây tỉ đô” đến năm 2021. Thế nhưng hiện nay, trong khi xuất khẩu sầu riêng bứt phá, thì xuất khẩu thanh long lại “tuột dốc”, từ kim ngạch xuất khẩu 1,042 tỷ USD năm 2021 đã giảm xuống chỉ còn 642 triệu USD năm 2022. Trong 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thanh long chỉ đạt 574 triệu USD.
GIAN NAN ĐẦU TƯ VÀO CHẾ BIẾN
Trong những năm gần đây, xuất khẩu trái thanh long sang Trung Quốc thường không ổn định. Mỗi khi phía bạn hạn chế thông quan, thường xảy ra tình trạng hàng nghìn xe hàng thanh long bị dồn ứ tại các cửa khẩu, khiến thanh long tại các vườn trồng bị rớt giá hàng loạt.
Trước thực trạng này, Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa ra khuyến cáo: tăng cường đầu tư vào chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ thanh long là giải pháp cần thiết để giải tỏa sức ép tiêu thụ trái tươi cũng như hướng tới phát triển lâu dài, bền vững cây thanh long.
"Trong tổng sản lượng thanh long thu hoạch của hợp tác xã Hòa Lệ đạt 2.878 tấn/năm, hiện chỉ có 220 tấn quả tươi được đưa vào chế biến. Nguyên nhân do tiêu thụ sản phẩm chế biến vẫn rất khó".
Ông Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ.
Tại tỉnh Bình Thuận, để ứng phó với vấn đề đầu ra trái tươi gặp khó, nhiều ý tưởng chế biến sâu trái thanh long đã được các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng. Theo ông Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ, hiện trên vùng sản xuất và liên kết của hợp tác xã Hòa Lệ có 10 ha thanh long đạt chứng nhận GlobalGAP và 70,6 ha đạt chứng nhận VietGAP.
Năm 2020, sản phẩm thanh long sạch Hòa Lệ đã được chứng nhận sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đạt tiêu chuẩn 4 sao. Thời gian qua, hợp tác xã đã chú trọng đến việc đầu tư chế biến sản phẩm từ thanh long. Dẫu vậy, khi chỉ vào chiếc máy chế biến sản phẩm thanh long sấy khô đầu tư 2,2 tỷ đồng đang nằm “đắp chiếu”, ông Hiệp than thở: Sản phẩm thanh long sấy khô rất khó tiêu thụ!
Mặc dù ngừng sản xuất thanh long sấy khô, nhưng đến nay hợp tác xã Hòa Lệ đã phát triển được 10 sản phẩm chế biến từ thanh long như rượu vang, rượu đế, kem, mứt, nước cốt... Đặc biệt, năm 2021, hợp tác xã có thêm hai sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao là: kem thanh long và rượu đế thanh long. Bên cạnh tạo ra sản phẩm ngon, lạ, chất lượng, hợp tác xã đẩy mạnh cải tiến mẫu mã, bao bì nhằm tạo sự kích thích, thu hút người tiêu dùng.
KHỔ VÌ "TƯ DUY GIẢI CỨU"
Đến các vườn trồng thanh long ở Bình Thuận, khi hỏi về chế biến trái thanh long, phần lớn nông dân đều tỏ thái độ chưa mấy tin tưởng. Theo nông dân ở đây, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chế biến trái thanh long, chủ yếu sản xuất thanh long sấy khô.
Nhiều doanh nghiệp đến đặt vấn đề ký hợp đồng liên kết thu mua trái thanh long của nông dân với giá chỉ 5.000-7.000 đồng/kg, khiến nông dân đều không muốn bán cho doanh nghiệp chế biến.
Lý giải nguyên nhân mua thanh long nguyên liệu với giá thấp, một chủ doanh nghiệp cho biết: “Phải mất 12 kg thanh long tươi mới sản xuất được một kg thanh long sấy khô. Nếu mua thanh long tươi với giá 20.000 đồng/kg, thì riêng chi phí nguyên liệu cho 1 kg thanh long sấy khô đã lên tới 250.000 đồng, đó là chưa kể các chi phí khác. Sản phẩm sau khi chế biến chỉ có thể bán được với giá trên dưới 100 nghìn đồng/kg. Vì vậy, doanh nghiệp chỉ dám thu mua những trái thanh long loại thải để chế biến”.
TS. Trần Văn Thể, chuyên gia của Dự án “Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện NDC Việt Nam”, nhận định rằng phát triển chế biến trái thanh long, cần phải quản trị theo chuỗi để đảm bảo có nguồn nguyên liệu tốt nhất đưa vào chế biến. Thế nhưng thực tế hiện nay, với tư duy “chế biến để giải cứu” đã khiến không ít doanh nghiệp mua trái thanh long loại thải mà nông dân không bán được. Do mua với giá rẻ hàng không đảm bảo chất lượng, dẫn đến người tiêu dùng không tin tưởng vào sản phẩm thanh long chế biến.
“Hiện trạng này đang gây khó cho nông dân và các hợp tác xã làm ăn nghiêm chỉnh. Nhiều hợp tác xã sản xuất thanh long ở Bình Thuận như Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ; Hợp tác xã dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Minh; Công ty TNHH nước ép Phúc Hà… muốn đầu tư bài bản vào chuỗi giá trị thanh long, từ sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đến chế biến thanh long tạo ra sản phẩm chất lượng cao cũng đang rất gian nan”, TS. Thể chia sẻ.
TRÁI TƯƠI GLOBAL GAP BAY SANG EU
Đến Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến tại xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, ông Trần Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc HTX Thuận Tiến, cho biết hợp tác xã có 11 hộ xã viên trồng thanh long với tổng diện tích 24 ha. Hợp tác xã mời chuyên gia GlobalGAP từ châu Âu sang hướng dẫn kỹ thuật và thẩm định quy trình kỹ thuật canh tác. Từ khi được cấp chứng nhận GlobalGAP, toàn bộ trái thanh long thu hoạch trong hợp tác xã được một doanh nghiệp thu mua với giá ổn định 23.000-25.000 đồng/kg trong suốt 5 năm qua, để xuất khẩu trái tươi thị trường EU.
Theo ông Trung, chi phí làm chứng nhận Global GAP 10 ha khoảng 200 triệu đồng/năm, tính ra 1 ha khoảng 20 triệu đồng. Cứ mỗi ha thu hoạch 25 tấn quả tươi/năm bán được 500 triệu đồng. Thực ra chi phí làm Global GAP chỉ mất 1000 đồng/kg trái thanh long tươi. Nhờ có chứng nhận này, thanh long được tiêu thụ với giá ổn định, chứ không như trước đây phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc “sáng nắng chiều mưa”.
Từ năm 2022, Hợp tác xã Thuận Tiến đã tham gia dự án “Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện NDC Việt Nam”. Hợp tác xã đang chuyển đổi hệ thống tưới tiết kiệm dưới gốc thanh long và thay đổi hệ thống chiếu sáng theo hướng tiết kiệm điện. Cứ mỗi ha trồng thanh long, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm 80 triệu đồng, được dự án hỗ trợ 50%, tức là 40 triệu đồng/ha.
“Với việc thay đổi đèn chiếu sáng cho cây thanh long từ loại đèn tốn điện sang bóng đèn Led tiết kiệm điện, giá 38.000 đồng/bóng điện, được dự án hỗ trợ 19.000 đồng/bóng điện. Nếu như không thắp đèn, thì sản lượng chỉ cho 5 tấn/ha/năm. Nhờ thắp đèn mới đạt sản lượng 25 tấn/ha/năm”, ông Trung chia sẻ...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 48-2023 phát hành ngày 27-11-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam