15:09 27/01/2025

Thành phố Thủy Nguyên bên bờ Bắc sông Cấm

Đỗ Hoàng

Nhờ có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, được Hải Phòng tập trung nguồn lực đầu tư cho hàng loạt dự án phát triển hạ tầng giao thông đô thị, từ đầu năm 2025, huyện Thủy Nguyên đã chính thức trở thành thành phố trực thuộc TP.Hải Phòng với vai trò là đô thị văn minh hiện đại, hướng tới thành phố quốc tế, sinh thái thông minh, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan, môi trường...

Cầu Hoàng Văn Thụ nối đô thị trung tâm Hải Phòng với khu đô thị mới Bắc sông Cấm thuộc thành phố Thuỷ Nguyên
Cầu Hoàng Văn Thụ nối đô thị trung tâm Hải Phòng với khu đô thị mới Bắc sông Cấm thuộc thành phố Thuỷ Nguyên

Nằm ở phía Bắc TP. Hải Phòng, huyện Thủy Nguyên có diện tích tự nhiên hơn 26.000 ha, là cửa ngõ kết nối giữa Hải Phòng với các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh. Thủy Nguyên có dãy núi đá vôi Tràng Kênh chạy dọc theo sông Đá Bạc từ xã Lại Xuân đến thị trấn Minh Đức được ví như “Hạ Long trên cạn”.

VÙNG ĐẤT GIÀU TIỀM NĂNG

Với nguồn khoáng sản đá vôi trữ lượng khoảng 380 triệu m3, nghề khai thác đá đã hình thành từ nhiều năm trước, đưa Thủy Nguyên trở thành vùng sản xuất vôi, đất đèn, xi măng. Từ năm 1997, Nhà máy xi măng Chinfon được đầu tư đi vào hoạt động tại khu vực thị trấn Minh Đức. Nhà máy xi măng Hải Phòng cũng được di dời về khu vực này, đến năm 2005 đã đi vào hoạt động. Đến nay, tại Thủy Nguyên có 4 nhà máy xi măng hoạt động, ngoài ra còn là vùng cung cấp nguyên liệu đá vôi cho xi măng Phúc Sơn (trụ sở tại thị xã Kinh Môn, Hải Dương).

Tại Thủy Nguyên, có nhiều làng nghề nổi tiếng như làng đúc Mỹ Đồng, làng cau Cao Nhân. Đặc biệt, do được bao quanh bởi các con sông Cấm, Bạch Đằng và Kinh Thầy, nghề biển của Thủy Nguyên từng rất phát triển. Những năm 2000, tại Thủy Nguyên, làng biển Lập Lễ với Liên tập đoàn đánh cá Nam Triệu tập hợp hàng trăm tàu đánh cá vươn khơi đã rất vang danh. Làng tàu biển An Lư với đội tàu vận tải biển chạy Bắc – Nam và các tuyến Đông Nam Á nổi tiếng khắp cả nước. Tuy nhiên, sau đó, làng tàu biển An Lư đã trở thành dĩ vãng.

Cầu Hoàng Văn Thụ nối đô thị trung tâm Hải Phòng với khu đô thị mới Bắc sông Cấm thuộc thành phố Thuỷ Nguyên.
Cầu Hoàng Văn Thụ nối đô thị trung tâm Hải Phòng với khu đô thị mới Bắc sông Cấm thuộc thành phố Thuỷ Nguyên.

Trong phát triển công nghiệp, năm 2008, Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải đã được thành lập, trong đó, các xã Thủy Triều, An Lư, Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ, Tam Hưng, toàn bộ đảo Vũ Yên và một phần các xã Trung Hà, Ngũ Lão, Tân Dương, Thủy Sơn, Dương Quan của Thủy Nguyên nằm trong khu kinh tế. Năm 2009, Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng (xã Tam Hưng) được đầu tư đi vào sản xuất. Cùng thời kỳ này, các dự án sân golf Sông Giá (xã Lưu Kiếm), khu công nghiệp Nam Cầu Kiền quy mô 263ha, khu đô thị và công nghiệp VSIP quy mô hơn 1.600ha cũng được đầu tư thu hút nhà đầu tư thứ phát.

Trước đó, huyện Thủy Nguyên từng là trung tâm công nghiệp đóng tàu quy mô lớn với các nhà máy đóng tàu Nam Triệu, Bến Kiền (xã Tam Hưng), nhưng khi con tàu Vinashin chìm, các nhà máy này cũng rơi vào tình trạng thoi thóp.

Tuy phát triển sản xuất công nghiệp nhưng do hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị chưa được đầu tư nên Thủy Nguyên vẫn chỉ là khu vực nông thôn với 7 xã thuộc diện miền núi. Một số dự án bất động sản được đầu tư nhưng cũng phát triển ì ạch.

Cả huyện Thủy Nguyên chỉ có 2 cây cầu nối vào trung tâm thành phố là cầu Kiền và cầu Bính. Toàn huyện chỉ có 2 tuyến đường trục chính là tuyến đường tỉnh 359 chạy dọc từ cầu Bính về đến khu vực bến phà Rừng và tuyến quốc lộ 10 từ cầu Kiền đến cầu Đá Bạc thông sang Uông Bí (Quảng Ninh).

TẬP TRUNG NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ HẠ TẦNG

Sau Đại hội Đảng bộ TP.Hải Phòng lần thứ 15 (nhiệm kỳ 2015-2020), nhờ từng bước nâng cao nguồn thu nội địa, Hải Phòng đã tập trung đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng giao thông đô thị, tạo bệ phóng cho huyện Thủy Nguyên cất cánh. Đầu năm 2017, Hải Phòng đã khởi công xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ, cây cầu thứ ba bắc qua sông Cấm nối nội thành Hải Phòng với huyện Thủy Nguyên. Tiếp đó, dự án hạ tầng khu đô thị mới Bắc sông Cấm quy mô 326ha cũng được Hải Phòng đầu tư xây dựng tại Thủy Nguyên.

Khu di tích Bạch Đằng Giang ghi chứng tích 3 lần đánh quân xâm lược của cha ông tại khu vực cửa Bạch Đằng cũng được đầu tư xây dựng quy mô. Các bãi cọc Bạch Đằng được tìm thấy khu vực Cao Quỳ (xã Liên Khê), Đầm Thượng (xã Lại Xuân) cũng được bảo tồn trở thành các di tích lịch sử. Các tuyến đường nối từ di tích Bạch Đằng Giang ra quốc lộ 10, nối vào bãi cọc Cao Quỳ được đầu tư mới và nâng cấp mở rộng thành tuyến đường quy mô thu hút du khách.

Hạ tầng giao thông được đầu tư mới và nâng cấp mở rộng với hàng loạt dự án lớn từng bước tạo cơ hội bứt phá cho huyện Thủy Nguyên. Tuyến đường tỉnh 359 nối từ cầu Bính đến bến Rừng cũng được đầu tư mở rộng. Đường Máng Nước được xây dựng mới nối từ khu vực cầu Bính giao với đường 359 tại khu vực Núi Đèo thông thẳng ra quốc lộ 10, tạo ra một quỹ đất lớn cho phát triển đô thị với hàng loạt dự án đấu giá đất hai bên. Ở phía Tây của huyện Thủy Nguyên nơi tiếp giáp tỉnh Hải Dương qua sông Kinh thầy, Hải Phòng cũng đầu tư xây dựng cầu Dinh nối liền với thị xã Kinh Môn.

Dự án Trung tâm Chính trị - Hành chính và Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố Hải Phòng được đầu tư xây dựng tại khu đô thị mới Bắc sông Cấm.
Dự án Trung tâm Chính trị - Hành chính và Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố Hải Phòng được đầu tư xây dựng tại khu đô thị mới Bắc sông Cấm.

Dự án đảo Hoàng gia Vũ Yên (giai đoạn 1) được Tập đoàn Vingroup đầu tư xây dựng biến hòn đảo sình lầy nơi cửa sông Cấm trở thành sân golf Vũ Yên hoành tráng, mở ra một thời kỳ phát triển thịnh vượng cho Thủy Nguyên. Các khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, VSIP tiếp tục được đầu tư mở rộng quy mô theo hướng xanh, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã có bước tự chuyển mình sang khu công nghiệp sinh thái để hấp dẫn nhà đầu tư.

Giai đoạn 2015-2020, Thủy Nguyên luôn đạt tốc độ tăng trưởng mức 15,6%/năm, tỷ trọng giá trị sản xuất các ngành chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản. Giai đoạn này, tổng đầu tư toàn xã hội trên địa bàn huyện Thủy Nguyên đạt tới hơn 63.000 tỷ đồng (tăng bình quân 7,6%/năm), trong đó, thu hút vốn các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 1,2 tỷ USD. Các nguồn lực đầu tư này đã dần hình thành các khu vực đô thị, tạo tiền đề cho Thủy Nguyên được định hướng trở thành thành phố trực thuộc TP.Hải Phòng.

Đầu năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP.Hải Phòng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định đến năm 2025, Hải Phòng hoàn thành việc di chuyển trung tâm hành chính sang phía Bắc sông Cấm. Điều này đã mở đường cho việc huyện Thủy Nguyên, vốn có 7 xã miền núi chuyển mình trở thành khu vực đô thị mới của Hải Phòng.

HOẠCH ĐỊNH TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ

Đại hội Đảng bộ TP.Hải Phòng lần thứ 16 (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định, cùng với việc tập trung đầu tư hạ tầng kinh tế- xã hội, Hải Phòng sẽ triển khai các thủ tục pháp lý chuyển đổi huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc thành phố, huyện An Dương trở thành đơn vị hành chính cấp quận trước năm 2025.

Tại Thủy Nguyên, từ năm 2020 đến nay, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đô thị tiếp tục được triển khai. Tuyến quốc lộ 10 qua huyện Thủy Nguyên, tuyến đường tỉnh 359 (giai đoạn 2) được đầu tư mỗi dự án hơn 1.200 tỷ đồng để nâng cấp mở rộng. Dự án cầu Bến Rừng nối Thủy Nguyên với thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) gần 2.000 tỷ đồng đã được hoàn thành đưa vào sử dụng.

Dự án cầu Lại Xuân và nâng cấp mở rộng đường tỉnh 352 với tổng mức đầu tư 1.350 tỷ đồng cũng đang gấp rút về đích. Cầu Máy Chai nối đảo Vũ Yên với đường Ngô Quyền qua sông Cấm được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách cũng đang thi công. Mới đây, Hải Phòng tiếp tục khởi công dự án cầu Nguyễn Trãi (nối Thủy Nguyên với quận Ngô Quyền) và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận hơn 6.200 tỷ đồng đầu tư công.

Tại khu đô thị mới Bắc sông Cấm, các dự án trọng điểm như dự án Trung tâm Chính trị - Hành chính hơn 2.800 tỷ đồng, dự án Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn hơn 2.500 tỷ đồng, cùng hệ thống quảng trường được đầu tư xây dựng đến nay đã bước vào giai đoạn hoàn thành để có thể khánh thành đưa vào hoạt động trước dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng Hải Phòng (13/5/2025). Dự án đảo Hoàng Gia Vũ Yên với tổng mức đầu tư hơn 44.000 tỷ đồng quy mô sử dụng đất hơn 870ha nằm trọn trên đảo Vũ Yên cũng được Tập đoàn Vingoup cấp tập triển khai. Dọc dải bờ Bắc sông Cấm và đảo Vũ Yên vốn là khu vực sình lầy đến nay đã hình thành nên những khu đô thị hoành tráng hiện đại.

Từ vùng đất sình lầy nơi cửa sông, đảo Vũ Yên đang được đầu tư xây dựng trở thành đảo Hoàng Gia
Từ vùng đất sình lầy nơi cửa sông, đảo Vũ Yên đang được đầu tư xây dựng trở thành đảo Hoàng Gia

Cùng với các dự án trọng điểm này, một loạt dự án đô thị tại khu đô thị công nghiệp VSIP, các dự án khu đô thị mới Green River (xã Hoa Động), khu đô thị mới Hoàng Huy NewCity (xã Tân Dương và Dương Quan) cũng được triển khai đầu tư và đang hình thành tạo diện mạo đô thị mới cho Thủy Nguyên. Tại toàn bộ các xã của huyện Thủy Nguyên đều đã được triển khai đầu tư xây dựng thành các xã nông thôn mới kiểu mẫu, biến các tuyến đường nông thôn trở thành các tuyến phố.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân TP.Thủy Nguyên, tổng đầu tư toàn xã hội trên địa bàn Thủy Nguyên từ năm 2020 đến nay đạt khoảng 167.000 tỷ đồng. Riêng năm 2024, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn là hơn 45.000 tỷ đồng. Tổng giá trị sản xuất các ngành trên địa bàn là gần 56.000 tỷ đồng (tăng 16,85% so với năm 2023), trong đó, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng là 60,5% (tăng 18,3%), dịch vụ là 34% (tăng 17,9%), nông – lâm – thủy sản 5,5% (giảm 1,5%). Thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt hơn 9.000 tỷ đồng (bằng hơn 320% dự toán), trong đó, thu từ các dự án của thành phố 5.758 tỷ đồng (nếu loại trừ số thu từ các dự án thành phố thì số thu ngân sách còn hơn 3.331 tỷ đồng).

PHẤN ĐẤU CHO MỤC TIÊU ĐÔ THỊ LOẠI II

Theo Ủy ban Nhân dân TP.Thủy Nguyên, ngày 13/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên (Hải Phòng) đến năm 2045 với mục tiêu nâng tầm vị thế đô thị Thủy Nguyên trở thành trung tâm kinh tế đa ngành của Hải Phòng và của vùng Đồng bằng sông Hồng; phát triển đô thị Thủy Nguyên trở thành thành phố thuộc TP.Hải Phòng là đô thị văn minh hiện đại, hướng tới thành phố quốc tế, sinh thái thông minh, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan, môi trường.

Về tính chất đô thị, Thủy Nguyên là đô thị loại III vào năm 2025, hướng tới đô thị loại II trước năm 2035 với mô hình thành phố thuộc TP.Hải Phòng. Là trung tâm mới, gắn với hành chính, chính trị mới của TP.Hải Phòng, trung tâm phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch, văn hóa thể dục thể thao, y tế, giáo dục phía Bắc của TP.Hải Phòng gắn với Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải; đồng thời, là trung tâm nghề cá lớn Hải Phòng gắn với ngư trường vịnh Bắc Bộ.

 

Năm 2025, mục tiêu đề ra cho TP.Thủy Nguyễn là tổng giá trị sản xuất các ngành đạt 65.351 tỷ đồng (tăng 16,8% so với thực hiện năm 2024), đầu tư toàn xã hội 65.000 tỷ đồng. TP.Thủy Nguyên sẽ triển khai thực hiện đồ án quy hoạch chung đô thị, chương trình phát triển đô thị mới, đưa Thủy Nguyên thành trung tâm hành chính của Hải Phòng.

Theo Nghị quyết số 1232/NQ-UBTVQH của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp đơn vị hành chính TP.Hải Phòng, từ 1/1/2025, Thủy Nguyên trở thành thành phố trực thuộc TP.Hải Phòng với diện tích tự nhiên 2.691ha (nhập 727ha của quận Hải An vào), quy mô dân số là 397.570 người với 17 phường và 4 xã. Như vậy, sau nhiều năm nỗ lực, Thủy Nguyên từ khu vực nông thôn với 7 xã miền núi đã vươn mình trở thành khu vực đô thị từ đầu năm mới 2025.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.Thủy Nguyên cho biết, theo kế hoạch giai đoạn 2020-2025, tổng đầu tư toàn xã hội cho Thủy Nguyên là 210.000 tỷ đồng. Năm 2025, mục tiêu đề ra cho TP.Thủy Nguyễn là tổng giá trị sản xuất các ngành đạt 65.351 tỷ đồng (tăng 16,8% so với thực hiện năm 2024), đầu tư toàn xã hội 65.000 tỷ đồng.

Theo ông Hoàng, năm 2025, TP.Thủy Nguyên sẽ triển khai thực hiện đồ án quy hoạch chung đô thị, chương trình phát triển đô thị mới, đưa Thủy Nguyên thành trung tâm hành chính của Hải Phòng, là đô thị Hải Phòng mở rộng với các trung tâm cấp vùng, kết nối đô thị trung tâm và các đô thị lân cận như Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều (Quảng Ninh) với định hướng phát triển đô thị xanh bền vững.

“Để thực hiện được các mục tiêu cho phát triển đô thị, TP.Thủy Nguyên lựa chọn chủ đề cho năm 2025 là Đẩy mạnh phát triển đô thị, bảo vệ môi trường và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số”, ông Hoàng cho biết...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 4+5-2025 phát hành ngày 27/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1194

Thành phố Thủy Nguyên bên bờ Bắc sông Cấm - Ảnh 1