07:35 11/11/2022

Tháo gỡ khó khăn trong giảng dạy văn hóa ở trường nghề, trường nghệ thuật

Đỗ Như

Chiều 9/11, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã diễn ra cuộc họp của các bộ, ngành về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giảng dạy văn hóa ở các trường nghệ thuật, trường nghề.

Theo Thông tư 15, học sinh được cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông để theo học trình độ cao hơn. Ảnh minh họa.
Theo Thông tư 15, học sinh được cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông để theo học trình độ cao hơn. Ảnh minh họa.

Theo đó, trong thời gian qua, vấn đề này đã được các bộ, ngành họp bàn, nhưng chưa có sự thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn tới việc tuyển sinh, thi, cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh các trường nghệ thuật, trường nghề thời gian qua khó khăn. 

Ngay từ năm 2021, các bộ, ngành liên quan đã phải xử lý một số trường hợp cụ thể về tuyển sinh, thi chuyển cấp, cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh trường nghệ thuật, trường nghề.

TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO HỌC SINH, SINH VIÊN

Tại cuộc họp, Đại diện Bộ Tư pháp cho biết đã họp, rà soát kỹ và có văn bản khẳng định đủ cơ sở pháp lý để thực hiện giảng dạy văn hoá trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Trên cơ sở đó, lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương có văn bản hướng dẫn tháo gỡ để các địa phương triển khai, tạo điều kiện cho học sinh, học viên các trường nghệ thuật, trường nghề học tập thuận lợi, có cơ hội học tập suốt đời.

Đồng quan điểm, đại diện Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội chia sẻ quan điểm "những gì có lợi cho học viên, học sinh trường nghệ thuật, trường nghề thì phải làm, còn những vướng mắc về thể chế cần được các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ, thậm chí có thể đề xuất thí điểm".

Tại cuộc họp, các ý kiến nêu rõ, trong thời gian qua các bộ, ngành đã tập trung rà soát lại toàn bộ văn bản, tới đây báo cáo cấp có thẩm quyền để sửa đổi căn bản việc giảng dạy, học văn hóa trong trường nghệ thuật, trường nghề. 

Trước mắt, đại diện lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Tư pháp, Ủy Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội đã bàn, rà soát và thống nhất: Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ ý kiến của các bộ, ngành, văn bản của Bộ Tư pháp để trước ngày 20/11/2022 có văn bản hướng dẫn cụ thể về tuyển sinh học văn hóa cho học sinh, học viên trường nghệ thuật, trường nghề.

Các bộ, ngành sẽ thống nhất các biện pháp hỗ trợ việc giảng dạy văn hóa trong trường nghệ thuật, trường nghề; đồng thời tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục được tham gia vào quá trình này, có hướng dẫn bảo đảm chất lượng.

TRƯỜNG NGHỀ PHẢI HỌC 3 MÔN HỌC BẮT BUỘC VÀ 1 MÔN HỌC LỰA CHỌN

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BGDĐT ngày 8/11/2022 quy định về việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thông tư quy định, mỗi ngành, nghề đào tạo phải học các môn học bắt buộc (gồm 3 môn học là Toán, Ngữ văn, Lịch sử), và ít nhất 1 môn học lựa chọn (gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý). Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định lựa chọn các môn học bảm đảo phù hợp với ngành, nghề đào tạo.

Thời lượng giảng dạy các môn học như sau: Toán, Ngữ văn là 252 tiết/môn học. Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử là 168 tiết/môn học.

Việc giảng dạy các môn học được tổ chức theo lớp học đối với từng môn học, mỗi lớp học có không quá 45 người học. Mỗi môn học được giảng dạy trong 3 kỳ. Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định việc phân chia các kỳ và xây dựng kế hoạch giảng dạy bảo đảm thực hiện đầy đủ khối lượng kiến thức, yêu cầu cần đạt và thời lượng giảng dạy của môn học.

Thông tư cũng quy định hoạt động giảng dạy thông qua một số hình thức chủ yếu là học lý thuyết, làm bài tập, thực hành, thí nghiệm, dự án học tập, trải nghiệm, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, hoạt động phục vụ cộng đồng.

Về hình thức đánh giá, kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10. Việc đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua: hỏi – đáp, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập.

Học sinh có điểm thi kết thúc môn học của tất cả các môn học theo ngành, nghề đào tạo đạt từ 5 điểm trở lên được cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo ngành, nghề đó.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch giảng dạy và quản lý việc giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, thi kết thúc môn học và cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Thông tư này. Tổ chức Hội đồng thi kết thúc môn học (thi chính thức và thi lại) bảo đảm việc ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi theo quy định. Hàng năm, thực hiện chế độ báo cáo theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo về tình hình triển khai, tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thổng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/12/2022. Mục tiêu nhằm giúp học sinh phát triển tốt nhất năng lực nghề nghiệp và những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động phù hợp với ngành, nghề đao tạo.

Theo Điều 3 Thông tư, học sinh được cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông để theo học trình độ cao hơn của giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.