Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ ODA
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị nhóm 6 ngân hàng phát triển cùng phối hợp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA trong thời gian tới....
Chiều 30/9, Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuộc họp giữa Chính phủ với nhóm 6 ngân hàng phát triển về các khuyến nghị đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp.
Cùng dự có đại diện một số bộ, ngành Trung ương và đại diện nhóm 6 ngân hàng phát triển: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).
THỦ TỤC CÒN PHỨC TẠP
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được giao, bao gồm việc tập trung đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công nguồn vốn nước ngoài năm 2021 và phần kế hoạch vốn năm 2020 được kéo dài, chuyển nguồn.
Từ cuối năm 2020 và đặc biệt từ đầu tháng 5 đến nay, dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại ở nhiều địa phương, làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân nguồn vốn nước ngoài.
Tổng giá trị vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết trong 9 tháng năm 2021 đạt trên 293 triệu USD, bằng 52,86% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tỉ lệ giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài ước đạt 18,33%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, tỉ lệ giải ngân chậm, đặc biệt từ đầu năm đến nay là do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều địa phương, khiến công tác cấp giấy phép lao động cho các chuyên gia dự án ODA, việc thu xếp thủ tục nhập cảnh kéo dài; nhân công bố trí trên công trường thi công của các nhà thầu bị hạn chế do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; chủ đầu tư các dự án ODA gặp khó khăn trong việc nhập khẩu các thiết bị, hàng hóa phục vụ cho các dự án ODA…
Về nguyên nhân chủ quan, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một số dự án đã được bố trí vốn, hoàn thành thủ tục đầu tư, nhưng chậm triển khai giải phóng mặt bằng, chưa hoàn tất thiết kế cơ sở, trong khi một số dự án gặp khó khăn, vướng mắc do thủ tục giải ngân do nhà tài trợ yêu cầu khác phức tạp.
Bên cạnh đó, ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong nước về đầu tư, các dự án sử dụng ODA còn phải hoàn thiện thêm hồ sơ, thủ tục đầu tư, rút vốn, giải ngân… tiến hành thương lượng, trao đổi, xin ý kiến không phản đối của nhà tài trợ, do đó mất nhiều thời gian, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai và giải ngân các dự án.
Về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 56, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến điều chỉnh chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo hướng phân cấp, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đối với trường hợp điều chỉnh thời gian thực hiện dự án không làm thay đổi những nội dung còn lại của quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đối với khoản hỗ trợ ngân sách, chỉ quy định hình thức vay hỗ trợ ngân sách chung theo cơ chế hòa đồng cho ngân sách Trung ương. Còn với khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu, chỉ quy định khoản vay hỗ trợ ngân sách có mục tiêu thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
HÀI HÒA HÓA THỦ TỤC HAI BÊN
Nêu ý kiến tại cuộc họp, đại diện các ngân hàng đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, triển khai dự án và giải ngân nguồn vốn ODA. Một số đại diện các ngân hàng cũng đề xuất sửa đổi một số nội dung trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 56, như thủ tục điều chỉnh dự án, phương thức hỗ trợ ngân sách, cho doanh nghiệp vay lại vốn ODA…
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam đề nghị trong thời gian tới, Việt Nam cần chuẩn bị một số dự án lớn, có tính chất liên vùng, có tác động lan tỏa, thay vì các dự án nhỏ lẻ, manh mún… để tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay của các đối tác tài trợ.
Bà Carolyn Turk nêu ví dụ, các quốc gia khác khi xử lý những thách thức về tài nguyên nước sẽ có một chương trình quốc gia về vấn đề này. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đã có một dự án xử lý nước ở Bình Dương và một số địa phương khác. Những dự án này riêng lẻ, độc lập với nhau và không tạo ra được kết quả liên vùng.
Những dự án nhỏ chỉ xử lý được những vấn đề nhỏ nhưng với dự án lớn hơn sẽ có hiệu quả kinh tế tốt hơn. Đại diện WB bày tỏ mong muốn hợp tác với Chính phủ Việt Nam ở một dự án lớn cùng với tác động lớn hơn.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan, trong thẩm quyền xử lý các vướng mắc trong các dự án cụ thể 6 ngân hàng nêu trong cuộc họp hôm nay.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến của nhóm 6 ngân hàng và các cơ quan liên quan đến chỉnh sửa dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 56 để sớm trình Chính phủ.
Để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, mới đây Chính phủ đã tổ chức cuộc họp với tất cả các bộ, ngành, địa phương nhằm chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, thống nhất quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất số vốn đầu tư công còn lại của năm 2021 là gần 250.000 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu đó, ngoài việc Chính phủ đã nỗ lực khắc phục những khó khăn vướng mắc về thể chế, Phó Thủ tướng đề nghị 6 ngân hàng phát triển rà soát lại các quy trình, thủ tục của mình để hai bên cùng phối hợp tháo gỡ vướng khắc, cùng đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn quan trọng này trong thời gian tới.
Về định hướng đoạn 2021-2025, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng mong muốn 6 nhóm ngân hàng phát triển cùng hợp tác với Chính phủ Việt Nam để đưa ra những những dự án phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới.