“Thấp thỏm” với cổ phiếu ngân hàng
Loạt cổ phiếu bất động sản bị bán tháo hôm nay đang khiến tâm lý lo sợ lan tỏa ra nhóm cổ phiếu tài chính, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng. Những lùm xùm về một “đại gia” bất động sản đang lôi kéo nhà đầu tư vào cuộc truy tìm ngân hàng nào có khả năng “dính” rủi ro?
Loạt cổ phiếu bất động sản bị bán tháo hôm nay đang khiến tâm lý lo sợ lan tỏa ra nhóm cổ phiếu tài chính, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng. Những lùm xùm về một “đại gia” bất động sản đang lôi kéo nhà đầu tư vào cuộc truy tìm ngân hàng nào có khả năng “dính” rủi ro?
Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt lao dốc hôm nay đã ảnh hưởng khá nghiêm trọng tới các chỉ số. VN-Index đóng cửa giảm 1,02% tươn đương 15,32 điểm so với tham chiếu.
Toàn bộ 27 mã ngân hàng giao dịch trên các sàn chỉ duy nhất NVB tăng 3,1% và SGB tăng 0,55%, còn lại đều giảm. 22 mã giảm trên 1%, trong đó rơi sâu nhất là KLB giảm 5,61%, STB giảm 5,35%, BID giảm 4,26%, SHB giảm 2,73%, LPB giảm 2,02%.
Rất may là nhóm trụ lớn nhất không giảm quá mạnh: VCB giảm 0,12%, CTG giảm 1,24%, TCB giảm 0,1%.
Với các thông tin lộn xộn trái chiều liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, nhà đầu tư đang đào bới báo cáo tài chính để tìm hiểu các khoản vay từ các ngân hàng liên quan. Nhóm cổ phiếu ngân hàng hầu hết vẫn đang trong nhịp điều chỉnh và nhà đầu tư lại có thêm lý do để lo ngại. Khá nhiều mã nhóm này đã giảm liên tục 3-4 phiên như CTG, MBB, LPB, TCB, ACB..
VN30-Index kết phiên hôm nay giảm 0,95% và chỉ còn 3 mã tăng/24 mã giảm. MWG tăng 3,67%, FPT tăng 2,51%, SAB tăng 0,06%. Ngân hàng là các mã giảm chủ đạo trong rổ này, đồng thời VNM, GVR, VRE là các mã khác giảm trên 2% có ảnh hưởng khá lớn tới chỉ số.
Loạt cổ phiếu bất động sản nhỏ, có tính đầu cơ cao giảm sàn cả loạt. Tác động một phần từ biến động của nhóm cổ phiếu FLC. “Họ” cổ phiếu FLC tiếp tục “tắt” thanh khoản kéo theo hàng chục mã khác giảm sâu. Chỉ số đại diện nhóm cổ phiếu bất động sản là VNREAL giảm 1,62%, chỉ số đại diện nhóm tài chính ngân hàng FINLEAD giảm 1,95%.
Thanh khoản ở nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm nay gia tăng mạnh 69% trên sàn HoSE. Nhóm ngân hàng chiếm khoảng 12,3% tổng giá trị khớp sàn này, mức cao nhất 7 phiên. STB giao dịch đột biến 1.192,6 tỷ đồng nhưng giá rơi 5,35% cho thấy áp lực xả cực mạnh. Đây là phiên giảm sốc nhất 30 phiên và cũng là phiên thanh khoản cao nhất kể từ đầu tháng 3.
Độ rộng sàn HoSE đóng cửa với 142 mã tăng/315 mã giảm. Số cổ phiếu giảm sàn tăng lên 16 mã, số giảm trên 2% từ 104 lên 110, số giảm trên 1% là 50. Như vậy so với phiên sáng mặt bằng giá cổ phiếu có yếu đi một chút, dù không rõ ràng. Khả năng phân hóa giá đã thu hẹp lại, nhưng vẫn không ít cổ phiếu rất mạnh, như PC1 kịch trần với 324 tỷ đồng thanh khoản; ASM trần, với 342,6 tỷ đồng; IDI trần, với 197,7 tỷ đồng. Nhóm HNG, CSV, HAX, OGC, DGC, DGW tăng trên 4% với thanh khoản cả trăm tỷ đồng.
Với nguy cơ giảm giá ở các cổ phiếu vốn hóa lớn, VN-Index đang gặp khó khăn quanh mốc 1.500 điểm. Tuy nhiên khả năng duy trì phân hóa vẫn tạo cơ hội nhất định. Mặt khác, thanh khoản có biểu hiện tăng mạnh hôm nay cũng cho thấy có một lượng cổ phiếu lớn được sang tay. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết đạt gần 35.088 tỷ đồng, tăng 34% so với phiên trước. Đây cũng là mức giao dịch lớn nhất 14 phiên.
Với mức thanh khoản rất cao kết hợp với cổ phiếu giảm giá diện rộng, biên độ khá lớn, thị trường thể hiện áp lực bán gia tăng đáng kể. STB và DIG là ví dụ rõ nhất, giao dịch cả ngàn tỷ đồng và giá giảm 5-6%. Dù vậy hai mã này không đại diện cho tất cả. Dòng tiền có thể thoát mạnh khỏi cổ phiếu bất động sản hay ngân hàng, nhưng vẫn sẽ tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu khác.