14:48 14/11/2008

Thay đổi kế hoạch 700 tỷ USD: Canh bạc lớn của Paulson

Lê Minh

Đột ngột thay đổi kế hoạch giải ngân 700 tỷ USD, có vẻ ông Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ đang chơi một canh bạc lớn

“Tôi sẽ không hối tiếc khi đưa ra quyết định này, quyết định thay đổi là dựa trên điều kiện thực tế” -  Ảnh: Reuters.
“Tôi sẽ không hối tiếc khi đưa ra quyết định này, quyết định thay đổi là dựa trên điều kiện thực tế” - Ảnh: Reuters.
Đột ngột thay đổi kế hoạch giải ngân 700 tỷ USD, có vẻ ông Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ đang chơi một canh bạc lớn.

Ngỡ ngàng

Ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Henry Paulson đã đưa ra quyết định thay đổi kế hoạch giải ngân gói 700 tỷ USD để giải cứu hệ thống tài chính Mỹ mà Quốc hội đã thông qua hồi đầu tháng 10/2008.

Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ sẽ duy trì khoản 250 tỷ USD để mua cổ phiếu của các ngân hàng Mỹ, tiếp tục bơm tiền vào hệ thống tài chính để hỗ trợ khối này, đồng thời sẽ hỗ trợ thị trường tín dụng tiêu dùng, bơm vốn cho các khoản vay mua ôtô và cho sinh viên vay.

Điều này làm giới đầu tư ngỡ ngàng. Nhiều chuyên gia cho rằng Bộ Tài chính đã bội tín khi “bỏ mặc” các khoản nợ xấu liên quan đến các chứng khoán được đảm bảo bởi danh mục cho vay thế chấp bất động sản (MBS) và nghĩa vụ nợ có đảm bảo (CDO).

Ngày 12/11, thị trường chứng khoán Mỹ đã ngay lập tức sụt giảm hơn 4%, và nhiều bình luận đã được đưa ra hoặc chỉ trích ông Paulson, hoặc hoài nghi về sự thành công của kế hoạch này.

Đối với ông Paulson, khi trả lời câu hỏi, “ông có thấy hối tiếc khi đưa ra quyết định thay đổi này không?”, vị Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ nói: “Tôi sẽ không hối tiếc khi đưa ra quyết định này, quyết định thay đổi là dựa trên điều kiện thực tế”.

Hai nguyên nhân thay đổi

Nguyên nhân thứ nhất: Do không thể khai thông hoạt động mua bán MBS/CDO

Một số ý kiến trong giới phân tích nhận định, sự thay đổi kế hoạch giải ngân 700 tỷ USD của ông Paulson không phải không có lý do, khi mà các định chế tài chính Mỹ đang nắm các chứng khoán được đảm bảo bởi danh mục cho vay thế chấp bất động sản như MBS, CDO, nhưng không chịu bán ra khối nợ xấu này.

Vì khi thị trường bất động sản đi xuống, các MBS/CDO được định mức tín nhiệm rất thấp nên khi đánh giá lại giá trị các tài sản đó, bảng cân đối kế toán của các tập đoàn “dính” MBS/CDO bị thâm thủng nặng, do giá trị của các loại tài sản này đã xuống quá thấp, thậm chí không thể định giá nổi vì trên thị trường giao dịch, khối tài sản này gần như đóng băng.

Khi các tài sản bị đóng băng, trên thị trường liên ngân hàng cũng tê liệt vì không ai tin ai nên không cho nhau vay tiền, để giải quyết vấn đề này, Cục Dự trữ Liên bang (FED) buộc phải tăng mạnh các khoản cho vay hàng trăm tỷ USD với thời hạn 28 ngày và 84 ngày cho các định chế tài chính.

Tuy nhiên về lâu dài, các khoản vay này cũng đáo hạn, nên để giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng này thì cần phải làm cho thị trường mua bán MBS/CDO có tính thanh khoản. Khi đó, các định chế tài chính sẽ có thể thu về tiền mặt dù chấp nhận lỗ nặng từ mảng đầu tư này.

Ban đầu, Bộ trưởng Paulson định dùng khoản tiền trong số 700 tỷ để khơi thông tính thanh khoản của hoạt động mua bán MBS/CDO. Kế hoạch mua của ông là mua cao hơn giá thị trường, ví dụ giá 1 MBS là 10 USD (giảm 90% giá trị) trên mệnh giá 100 USD, ông có thể mua với giá 30 USD, qua đó đẩy giá các MBS/CDO lên.

Như vậy người bán từ mức lỗ 90 USD nay nếu bán với giá 30 USD sẽ có thể gỡ được thêm 20 USD (20%), và khi tất cả các tổ chức nắm giữ MBS/CDO đánh giá lại giá trị thị trường thì bản cân đối kế toán sẽ tốt hơn cho mảng đầu tư này, đồng thời tính thanh khoản trên thị trường sẽ tốt lên.

Nhưng kế hoạch mua lại các khoản nợ xấu của Paulson lại không thể thực thi nổi khi có ít tổ chức bán các khoản nợ xấu này. Bởi khi các MBS/CDO xuống còn 10 USD (giảm 90%), thì tất cả cùng lỗ nặng, nên khi có kế hoạch 700 tỷ được công bố, họ cho rằng thị trường này đã đến đáy do được một khoản tiền trong số 700 tỷ USD làm điểm hỗ trợ vững chắc.

Khi Bộ Tài chính chào mua với giá cao hơn 10 USD, không ai bán ra và nhìn nhau và hy vọng các định chế tài chính khác cũng sẽ mua vào, đẩy giá MBS/CDO lên cao hơn 30 USD. Khi đó họ mới bán ra để sao cho mình là người lỗ ít nhất.

Và khi ai cũng nghĩ như vậy thì không ai bán ra và hậu quả là kế hoạch của ông Paulson nhằm khơi thông tính thanh khoản các khoản nợ xấu đi vào ngõ cụt.

Nguyên nhân thứ hai: Do kỳ vọng bất động sản sẽ “ấm” lại

Trong ngày 12/11, Chính phủ Mỹ đã đưa ra một "đại kế hoạch" để giúp những người vay tiền mua nhà tránh khỏi bị tịch biên tài sản. Kế hoạch này khiến thị trường bất động sản sẽ có thể “ấm” trở lại.

Và các nghĩa vụ nợ có đảm bảo và các chứng khoán được đảm bảo bởi danh mục cho vay thế chấp bất động sản sẽ được định mức tín nhiệm cao hơn, qua đó nâng giá trị của nó lên.

Khi đó giới đầu cơ sẽ tăng mạnh mua vào các MBS/CDO làm thị trường này tự phục hồi mà không cần số tiền trong số 700 tỷ USD như kế hoạch làm điểm hỗ trợ nữa. Hơn nữa, nếu lượng MBS/CDO cung với số lượng lớn thì cả gói 700 tỷ đó cũng không hứng nổi khoảng gần 10.000 tỷ USD giá trị MBS/CDO mà các định chế tài chính đang nắm giữ.

Chiến thắng kép, hay thất bại được báo trước?

Giới phân tích đang thận trọng dõi theo kế hoạch của Paulson, nhưng rõ ràng vị cựu CEO của Goldman Sachs cũng có lý của mình khi đưa ra quyết định đó.

Tuyên bố của ông sẽ làm cho các định chế tài chính bừng tỉnh, vì điểm hỗ trợ của họ không còn. Họ buộc phải vận động để thoát khỏi “cục nợ” đó. Nếu như vậy, có thể sẽ có thêm một số tổ chức phá sản do nắm quá nhiều MBS/CDO mà không cân đối từ các nguồn khác để bù vào.

Có thể giá MBS/CDO còn xuống thấp hơn, nhưng khi đó sẽ có thể hấp dẫn giới đầu cơ mạo hiểm gom vào, đặc biệt là có hai điểm hỗ trợ gồm thị trường bất động sản có thể ấm hơn và hai là giá MBS/CDO đã xuống mức hấp dẫn. Nhưng quan trọng hơn cả là làm sao để thị trường này có tính thanh khoản.

Việc bơm tiền cho hệ thống tín dụng phục vụ tiêu dùng qua hệ thống thẻ cũng có lý của Paulson vì nó đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động tiêu dùng của dân Mỹ. Việc nở rộ hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng đã giúp nhiều người Mỹ vay tiền tiêu dùng, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế.

Khi người dân vay khá nhiều tiền để tiêu dùng, nhưng do kinh tế đi xuống - thu nhập giảm, nhiều người vay tiền khó có khả năng trả được nợ... các tổ chức tín dụng cũng đang nâng mức chuẩn cho vay và định mức cho vay tiêu dùng. Do vậy, chính sách giãn nợ và hỗ trợ thị trường này cũng rất cần thiết, thậm chí là vấn đề cấp bách.

Nếu không bơm tiền vào thị trường này thì dễ dẫn tới hoạt động tiêu dùng suy giảm và qua đó làm giảm tăng trưởng nền kinh tế (tiêu dùng chiếm 2/3 giá trị GDP của Mỹ).

Tiếp theo, muốn cứu ngành công nghiệp ôtô thì không chỉ có cho các nhà sản xuất ôtô vay lãi suất thấp để họ “tự bơi” trong khốn khó vì 25 tỷ đã được giải ngân và ngành công nghiệp này cũng đang cầu viện thêm ít nhất 25 tỷ USD nữa.

Mấu chốt là nhu cầu mua xe đã giảm ngay tại Mỹ, riêng trong tháng 10/2008, General Motors giảm 45% lượng bán, Ford giảm 30,2% và Chrysler giảm 34,9%, so với cùng kỳ năm ngoái. Chính vì vậy, việc bơm tiền để kích thích tiêu dùng ôtô sẽ là một biện pháp quan trọng và toàn diện hơn để giải cứu ngành công nghiệp này.

Việc thay đổi kế hoạch giải ngân 700 tỷ USD để giải cứu hệ thống tài chính Mỹ đang là đề tài tranh cãi ngay trong giới phân tích. Và đang làm xáo trộn tâm lý, cũng như gia tăng hoài nghi của nhà đầu tư về tính khả thi của kế hoạch mới.

Nhưng cũng rất có thể, việc thay đổi này sẽ khiến cho các chứng khoán được đảm bảo bởi danh mục cho vay thế chấp bất động sản được mua bán bình thường, giúp nâng giá trị của MBS/CDO được tăng lên và qua đó tránh cho các định chế tài chính đang nắm số tài sản này bị lỗ nặng. Nếu thị trường này ổn định thì có thể niềm tin sẽ trở lại. Ngoài ra, một phần tiền trong 700 tỷ USD sẽ kích thích tiêu dùng, giúp ngành ôtô bớt khốn khó.

Nói cách khác, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ hoặc sẽ vang danh, hoặc có thể sẽ là người bị “đổ tội” nhiều nhất khi phe Dân chủ chính thức lên nắm quyền.