00:23 04/10/2008

Hạ viện Mỹ phê chuẩn kế hoạch 700 tỷ USD cứu ngành tài chính

Kiều Oanh

Kết quả bỏ phiếu của Hạ viện Mỹ nằm trong dự đoán của giới quan sát, đồng thời cũng khiến cả thế giới "thở phào"

Chứng khoán Mỹ khởi sắc trước quyết định của Hạ viện Mỹ - Ảnh: AP.
Chứng khoán Mỹ khởi sắc trước quyết định của Hạ viện Mỹ - Ảnh: AP.
Trong một thời khắc lịch sử, Hạ viện Mỹ vừa thông qua kế hoạch 700 tỷ USD nhằm giải cứu ngành tài chính nước này thoát khỏi khủng hoảng.

Với 263 phiếu thuận và 171 phiếu chống, kết quả bỏ phiếu được đưa ra lúc hơn 0h ngày 4/10 theo giờ Việt Nam nằm trong dự đoán của giới quan sát, đồng thời cũng khiến cả thế giới "thở phào", vì cách đây ít ngày, Hạ viện Mỹ đã gây một cú sốc lớn khi nói "không" với bản "đại kế hoạch" này.

Phát biểu trước Hạ viện Mỹ trong cuộc họp vừa kết thúc, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nhấn mạnh sự cấp thiết phải thông qua kế hoạch này, cho rằng Hạ viện Mỹ phải hành động, không phải vì riêng Phố Wall, mà là vì tương lai của nước Mỹ, vì chính những người anh em và bạn bè của họ.

Lý do Hạ viện thay đổi quan điểm


Vào buổi sáng ngày 3/10 tại Mỹ, trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, lãnh đạo đảng Dân chủ trong Hạ viện cho biết họ tin tưởng kế hoạch này sẽ được thông qua. Giới quan sát cũng hết sức lạc quan với niềm tin rằng Hạ viện sẽ thông qua bản kế hoạch.

Trước khi Hạ viện Mỹ nhóm họp, Tổng thống Mỹ George Bush đã thúc giục các nhà làm luật thông qua kế hoạch này. Khoảng 2 giờ sau khi Hạ viện Mỹ thông qua bản kế hoạch, ông Bush đã ký phê chuẩn, đưa bản kế hoạch trở thành một đạo luật.

“Những bước tiến này cho thấy hành động mang tính quyết định nhằm giải quyết tình trạng thắt chặt tín dụng đang đe dọa nền kinh tế của chúng ta”, ông Bush nói trong bài phát biểu tại Nhà Trắng.

Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Toy Blunt cho biết, có khả năng hai lý do dưới đây đã khiến các hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống kế hoạch trong cuộc bỏ phiếu lần trước thay đổi quan điểm trong lần bỏ phiếu này.

Thứ nhất, ngày càng có nhiều các cuộc điện thoại của cử tri gọi tới các văn phòng của đảng Cộng hòa bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch. Không ít cử tri Mỹ đã hoảng sợ khi chứng kiến thị trường chứng khoán Phố Wall chao đảo, khiến hơn 1.000 tỷ USD giá trị của các cổ phiếu biến mất trong giây lát sau khi Hạ viện Mỹ từ chối thông qua bản kế hoạch hôm 1/10.

Thứ hai, các điểm mới mà Thượng viện đã bổ sung vào kế hoạch là hợp với nguyện vọng của các hạ nghị sỹ Cộng hòa bỏ phiếu chống lần trước, bao gồm mở rộng các chương trình ưu đãi thuế, làm rõ quy tắc kế toán điều chỉnh theo thị trường, và tăng trần bảo hiểm tiền gửi của Tập đoàn Bảo hiểm Liên bang Mỹ (FDIC) từ mức 100.000 USD lên mức 250.000 USD.

Một ngày trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện lần này, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết, nếu Hạ viện tiếp tục bổ sung thêm các điều khoản mới vào dự thảo luật này, Thượng viện sẽ phải họp lại một lần nữa để bỏ phiếu thông qua đạo luật. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra, bất chấp nỗ lực của một số hạ nghị sỹ phe Cộng hòa đề xuất chỉ sử dụng 250 tỷ USD cho kế hoạch.

Các điểm chính của kế hoạch

Kế hoạch giải cứu này gồm các điểm chính sau:

- Chống khủng hoảng: Bộ Tài chính được sử dụng khoản tiền 700 tỷ USD theo từng giai đoạn để mua nợ xấu của các tổ chức tài chính. Trong đó, 250 tỷ USD sẽ được cấp ngay lập tức trong đợt đầu.

- Tăng trần bảo hiểm tiền gửi: Mức tiền bảo hiểm tối đa của FDIC đối với các tài khoản tiết kiệm của người dân trong các ngân hàng tạm thời tăng từ mức 100.000 USD lên mức 250.000 USD. FDIC cũng tạm thời có quyền vay tiền không hạn chế từ Bộ Tài chính để bù đắp cho khoản tiền bảo hiểm tăng thêm này.

Điều khoản này nhằm mục đích tăng cường niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng và như thế sẽ không ồ ạt đi rút tiền.

- Bảo vệ người nộp thuế: Nếu Chính phủ Mỹ thua lỗ vì trả giá quá cao cho các khoản nợ xấu, đạo luật yêu cầu Tổng thống phải đề xuất một kế hoạch thu hồi vốn trong trường hợp kế hoạch này thua lỗ trong vòng 5 năm kể từ ngày có hiệu lực. Bộ Tài chính được phép có cổ phần sở hữu trong các doanh nghiệp tham dự chương trình.

- Cắt giảm thuế:

+ Mở rộng chương trình ưu đãi thuế năng lượng tái sinh đối với các cá nhân và doanh nghiệp, bao gồm việc chiết khấu thuế đối với việc mua các tấm pin nhiên liệu mặt trời. Chương trình cắt giảm thuế này có trị giá 17 tỷ USD.

+ Tiếp tục gia hạn thêm một số chương trình cắt giảm thuế đã hết hạn, trong đó có các loại tín dụng thuế nghiên cứu và phát triển dành cho các doanh nghiệp và tín dụng thuế cho cá nhân. Chương trình kéo dài 2 năm này trị giá 42 tỷ USD.

+ Kế hoạch cũng bao  gồm việc thêm 1 năm nữa người Mỹ không phải nộp thuế tối thiểu lựa chọn (AMT), loại thuế mà 24 triệu hộ gia đình ở Mỹ sẽ phải nộp tổng số tiền thuế thu nhập 62 tỷ USD vì sự giàu có của họ.

- Các quy định kế toán mới: Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) có thẩm quyền đình chỉ các tiêu chuẩn kế toán điều chỉnh theo thị trường - các quy định đòi hỏi các công ty định giá tài sản của họ tại mức giá thị trường hiện tại, thay vì giá trị dự kiến.

Các tập đoàn ở Phố Wall đã phàn nàn nhiều rằng quy định này là phi thực tế vì buộc họ phải định giá hàng tỷ USD nợ xấu bất động sản ở mức giá bèo bọt, khiến thị trường mất niềm tin nghiêm trọng vào ngành tài chính, làm cho khủng hoảng thêm trầm trọng.

- Chương trình bảo hiểm: Bộ Tài chính sẽ thành lập một chương trình bảo hiểm dành cho các tài sản xấu của các doanh nghiệp với mức phí do các doanh nghiệp trả dựa trên mức độ rủi ro của tài sản.

- Hạn chế lương thưởng cho các lãnh đạo doanh nghiệp: Lương thưởng cho các doanh nghiệp bán tài sản hoặc mua bảo hiểm của Chính phủ Mỹ theo chương trình này sẽ bị hạn chế.

- Thành lập hai ủy ban giám sát:  Ủy ban thứ nhất có tên Ủy ban Ổn định Tài chính sẽ bao gồm Chủ tịch FED, Chủ tịch Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán (SEC), Giám đốc Cơ quan Tài chính Địa ốc Liên bang, Bộ trưởng Bộ Nhà đất và Phát triển đô thị, Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Ủy ban thứ hai là một ủy ban của Quốc hội bao gồm 5 thành viên do lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện chỉ định trong số các thành viên của hai đảng. Ủy ban Ổn định tài chính phải báo cáo lên ủy ban này.

- Chi phí: Theo tính toán của Liên ủy ban về thuế, các điều khoản về thuế trên có thể khiến thu nhập từ thuế của Chính phủ Mỹ giảm 110 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Hãng tin CNBC thì cho rằng, chi phí cho các điều khoản mới về thuế trong kế hoạch sẽ là 150 tỷ USD.

Kế hoạch can thiệp lịch sử

Kế hoạch nói trên là hành động can thiệp mạnh nhất của Chính phủ Mỹ vào nền kinh tế nước này từ Đại khủng hoảng 1929 tới nay. Kế hoạch được đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng tài chính ở Mỹ khiến hàng loạt tập đoàn lớn trong ngành tài chính không chỉ ở Mỹ mà còn ở châu Âu phá sản, bị quốc hữu hóa hoặc thâu tóm.

Sự thắt chặt tín dụng do các ngân hàng mất niềm tin trong việc cho vay đã khiến kinh tế toàn cầu nói chung, và các nền kinh tế đầu tàu của thế giới nói riêng giảm tốc mạnh mẽ, thậm chí có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Trong lúc Hạ viện Mỹ đang nhóm họp, Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu cho thấy, nước Mỹ mất 159.000 việc làm trong tháng 9, mức sụt giảm mạnh nhất từ tháng 3/2003 trở lại đây. Tháng 9 là tháng thứ 2 liên tiếp, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ ở mức 6,1%, cao nhất từ tháng 9/2003 tới nay.

Kế hoạch này là ý tưởng của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED đưa ra ngày 19/9. Sau đó, bản kế hoạch nhận được sự thỏa thuận giữa Chính phủ Mỹ và Quốc hội vào ngày  27/9.

Tuy nhiên, nó đã bị bác bỏ trong cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện ngày 29/9, nhưng rồi lại được Thượng viện Mỹ thông qua ở cuộc bỏ phiếu ngày 1/10, trước khi được thông qua trong cuộc bỏ phiếu lần cuối này tại Hạ viện.

Kế hoạch này nhận được nhiều sự ủng hộ và cả không ít những lời chỉ trích. Những người ủng hộ kế hoạch cho rằng kế hoạch này là tối quan trọng trong những nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm “phản công” lại cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng hiện nay.

Những người phản đối thì cho rằng, kế hoạch này chỉ làm lợi cho Phố Wall, nơi đã đưa ra những quyết định sai lầm dẫn tới cuộc khủng hoảng này, tạo gánh nặng cho người nộp thuế và không thể giải quyết được những vấn đề kinh tế thực sự mà nước Mỹ đang phải đối mặt.

(Theo CNN, CNBC, Bloomberg)