08:48 02/10/2008

Thượng viện Mỹ “gật đầu” với kế hoạch giải cứu

Mai Phương

Thượng viện Mỹ vừa thông qua kế hoạch trị giá 700 tỷ USD giải cứu ngành tài chính nước này

Thượng viện Mỹ bắt đầu thảo luận về kế hoạch vào buổi chiều ngày 1/10, sau đó hoạt động bỏ phiếu bắt đầu vào lúc 7h30 tối theo giờ Washington, tức sáng nay theo giờ Việt Nam - Ảnh Reuters.
Thượng viện Mỹ bắt đầu thảo luận về kế hoạch vào buổi chiều ngày 1/10, sau đó hoạt động bỏ phiếu bắt đầu vào lúc 7h30 tối theo giờ Washington, tức sáng nay theo giờ Việt Nam - Ảnh Reuters.
Thượng viện Mỹ vừa thông qua kế hoạch trị giá 700 tỷ USD giải cứu ngành tài chính nước này.

Thượng viện Mỹ bắt đầu thảo luận về kế hoạch vào buổi chiều ngày 1/10, sau đó hoạt động bỏ phiếu bắt đầu vào lúc 7h30 tối theo giờ Washington, tức sáng nay (2/10) theo giờ Việt Nam.

Kế hoạch này đã được Thượng viện thông qua với 74 phiếu thuận và 25 phiếu chống. Hai thượng nghị sỹ Barack Obama của đảng Dân chủ và John McCain của đảng Cộng hòa, hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, bỏ phiếu thuận.

Theo các trợ lý của lãnh đạo đảng Dân chủ, Hạ viện sẽ bỏ phiếu một lần nữa đối với kế hoạch trên vào thứ Sáu tuần này. "Số phận” cuối cùng của kế hoạch này vẫn nằm ở Hạ viện.

Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, Tổng thống Mỹ Bush đã phát đi một thông điệp mang tính thúc giục: “Việc các thành viên Thượng viện Mỹ đề cao kế hoạch này là điều rất quan trọng. Chúng ta cần phải khơi thông dòng chảy tín dụng trong nền kinh tế”.

Điểm chính trong kế hoạch giải cứu tại Thượng viện Mỹ vẫn là mua lại tài sản xấu của các ngân hàng, nhưng cũng bao gồm thêm một số điều khoản mới nhằm hỗ trợ ngành tiêu dùng - bán lẻ của Mỹ. Những thay đổi này được đưa vào kế hoạch nhằm mục đích thu hút thêm phiếu thuận ở Hạ viện, đặc biệt là từ phía các thành viên đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu lần trước.

Do việc Thượng viện đã bổ sung các điều khoản mới vào trong kế hoạch, chi phí ban đầu cho kế hoạch này sẽ tăng thêm so với mức 700 tỷ USD mà Bộ Tài chính Mỹ sử dụng cho việc mua các tài sản xấu. Tuy nhiên, những người ủng hộ cho rằng, người nộp thuế có khả năng sẽ thu hồi phần nhiều, nếu không muốn nói là toàn bộ, số tiền mà Bộ Tài chính sử dụng, vì số tiền này sẽ được đầu tư vào những tài sản có giá rẻ hơn giá trị thực của nó.

Các điều khoản bổ sung bao gồm:

- Tạm thời tăng thêm trần bảo hiểm tiền gửi của Cục Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đối với các tài khoản tiền gửi từ mức 100.000 USD lên mức 250.000 USD. Các ngân hàng được FDIC bảo hiểm sẽ không phải chi thêm cho phần chi phí bảo hiểm tăng thêm này, mà thay vào đó, kế hoạch cho phép FDIC được vay tiền từ Bộ Tài chính để trang trải những khoản thua lỗ có thể xảy ra do mức phí bảo hiểm cao hơn này.

- 3 điểm mới về vấn đề thuế:

+ Mở rộng chương trình ưu đãi thuế năng lượng tái sinh đối với các cá nhân và doanh nghiệp, bao gồm việc chiết khấu giá mua các tấm pin nhiên liệu mặt trời. Chương trình cắt giảm thuế này có trị giá 17 tỷ USD.

+ Tiếp tục gia hạn thêm một số chương trình cắt giảm thuế đã hết hạn, trong đó có các loại tín dụng thuế nghiên cứu và phát triển dành cho các doanh nghiệp và tín dụng thuế cho cá nhân. Chương trình kéo dài 2 năm này trị giá 42 tỷ USD.

+ Kế hoạch cũng bao  gồm việc thêm 1 năm nữa người Mỹ không phải nộp thuế tối thiểu lựa chọn (AMT), loại thuế mà 24 triệu hộ gia đình ở Mỹ sẽ phải nộp tổng số tiền thuế thu nhập 62 tỷ USD vì sự giàu có của họ.

- Kế hoạch của Thượng viện cho phép Cục Dự trữ Liên bang (FED) trả lãi suất ngay lập tức đối với các cân đối dự trữ, đem lại cho FED một công cụ nữa để quản lý cung tiền quốc gia.

- Kế hoạch này cũng cho phép Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) có thẩm quyền đình chỉ một quy tắc kế toán mà các ngân hàng và các doanh nghiệp cho là đã “thổi phồng” cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Quy tắc có tên tiêu chuẩn giá trị hợp lý (fair-value standard) này yêu cầu các công ty phải rà soát tài sản và báo lỗ nếu giá trị của tài sản giảm. Hiệp hội Các nhà ngân hàng Mỹ và một số công ty, trong đó có AIG đã thúc giục SEC ngừng áp dụng hoặc nới lỏng quy định này vì cho rằng, quy định buộc các doanh nghiệp phải báo lỗ nặng hơn thực tế.

Mặc dù phần kế hoạch về thuế này cũng bao gồm một số biện pháp để thu được nhiều tiền thuế hơn từ phía các công ty dầu khí, theo tính toán của Liên ủy ban về thuế, các điều khoản về thuế trên có thể khiến thu nhập từ thuế của Chính phủ Mỹ giảm 110 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Còn theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội, các điều khoản mới về thuế này sẽ bổ sung thêm 115 tỷ USD vào thâm hụt ngân sách chính phủ Mỹ trong vòng 5 năm tới.

Cũng như kế hoạch ở Hạ viện, Thượng viện cũng chỉ cho phép Bộ Tài chính sử dụng số tiền 700 tỷ USD theo từng giai đoạn. Kế hoạch này cũng bao gồm các điều khoản nhằm mục đích bảo vệ người nộp thuế, một chương trình bảo hiểm, các quy định về hạn chế lương thưởng đối với các lãnh đạo doanh nghiệp bán tài sản xấu cho Chính phủ, đồng thời sẽ có hai ủy ban giám sát chương trình.

Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, nhiều cử tri Mỹ được ghi nhận đã có sự thay đổi thái độ nhanh chóng đối với kế hoạch. Theo Thượng nghị sỹ Rober Bennett của đảng Cộng hòa, việc hơn 1.000 tỷ USD "bốc hơi" trong chốc lát khỏi thị trường chứng khoán Mỹ khi Hạ viện từ chối kế hoạch này trong lần bỏ phiếu trước đã dẫn tới sự thay đổi quan điểm trên.

Trong những ngày qua, các cuộc điện thoại và email của cử tri bang Texas gửi tới văn phòng của đảng Cộng hòa ở bang này đã có tỷ lệ ủng hộ kế hoạch là 70%, thay vì tỷ lệ phản đối áp đảo trước đó.

Kế hoạch này là một trong những lần can thiệp mạnh nhất của Chính phủ Mỹ vào nền kinh tế nước này kể từ giai đoạn Đại suy thoái năm 1929.

Những người ủng hộ kế hoạch cho rằng kế hoạch này là tối quan trọng trong những nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm “phản công” lại cuộc khủng hoảng tài chính đang đe dọa nền kinh tế lớn nhất thế giới và cho phép các ngân hàng ở Mỹ cho vay nhiều hơn.

Những người phản đối thì cho rằng, kế hoạch này chỉ làm lợi cho Phố Wall, nơi đã đưa ra những quyết định sai lầm dẫn tới cuộc khủng hoảng này, tạo gánh nặng cho người nộp thuế và không thể giải quyết được những vấn đề kinh tế thực sự mà người Mỹ đang phải đối mặt.

(Theo CNN, AP, Reuters, Bloomberg)