Thay thế kịp thời cán bộ, công chức tham nhũng
Quốc hội giao ngành nội vụ trong năm 2020, sơ kết, đánh giá đề án thí điểm thi tuyển vào các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng để sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện
Trước khi bế mạc kỳ họp thứ 8, chiều 27/11 Quốc hội thông qua nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp này.
Ban hành quy định mới về bổ nhiệm cán bộ
Với lĩnh vực nội vụ, Quốc hội yêu cầu tiếp tục thực hiện theo lộ trình việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm trong hệ thống cơ quan nhà nước, làm cơ sở sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, tinh giản biên chế và thực hiện cải cách tiền lương.
Đáng chú ý, nghị quyết yêu cầu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, phân loại đánh giá đối với cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với các nội dung theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Rà soát, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện về văn bằng, chứng chỉ, nhất là quy định về trình độ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng, thi, xét nâng ngạch, thăng hạng viên chức, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại nhằm bảo đảm đánh giá đúng trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức và phù hợp với thực tiễn, gắn với vị trí việc làm.
Quốc hội cũng giao ngành nội vụ trong năm 2020, sơ kết, đánh giá đề án thí điểm thi tuyển vào các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng để sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật trong công tác cán bộ, xử lý nghiêm các sai phạm, xem xét thay thế kịp thời cán bộ, công chức, viên chức tham nhũng, vi phạm các quy định trong thực thi công vụ, không đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.
Trong năm 2019, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục; có phương án, lộ trình bố trí, sắp xếp và bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức diện dôi dư, nghị quyết nêu rõ.
Xử lý nghiêm việc lợi dụng, giả mạo xuất xứ Việt Nam
Trong lĩnh vực Công Thương, Quốc hội yêu cầu tiếp tục đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Đẩy nhanh việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hạn chế tình trạng phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.
Yêu cầu tiếp theo với ngành công thương là khẩn trương ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Cạnh tranh, rà soát, tổng kết, đánh giá, hoàn thiện pháp luật về quản lý thị trường, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sớm ban hành quy định về cách xác định hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, giám sát chặt chẽ việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, xử lý nghiêm việc lợi dụng, giả mạo xuất xứ Việt Nam, Quốc hội yêu cầu.
Về hoạt động của lực lượng quản lý thị trường, yêu cầu được nêu tại nghị quyết là tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, tiếp tay cho gian lận thương mại. phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa có nội dung vi phạm chủ quyền quốc gia; quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng hàng hóa kinh doanh trên mạng, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Ngành công thương cũng được giao hoàn thiện chính sách, pháp luật về thương mại điện tử, xây dựng hệ sinh thái cho thương mại điện tử và kinh tế số, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của thị trường thương mại điện tử Việt Nam.
Năm 2020, ban hành kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, nghị quyết nêu thời gian cụ thể.
Cũng trong năm 2020, ngành công thương phải hoàn thành quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Năm 2021, hoàn thành quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Điện lực, bảo đảm phát triển cân đối nguồn điện giữa các vùng, miền, giữa nguồn và lưới điện.
Quốc hội cũng yêu cầu khẩn trương rà soát, xử lý những bất cập trong quy hoạch, đầu tư và vận hành các dự án điện, đặc biệt là các dự án điện mặt trời. Đề xuất cơ chế, giải pháp để sớm đưa vào vận hành các dự án điện trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 bị chậm tiến độ, bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong năm 2020 và các năm tiếp theo, không để xảy ra thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.
Năm 2020, mở rộng thị trường bán buôn điện cạnh tranh, thí điểm để chủ đầu tư các nhà máy điện gió và điện mặt trời bán điện trực tiếp cho khách hàng, tiến tới hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2023.
Yêu cầu của Quốc hội còn là khẩn trương kiểm tra, đánh giá để có cơ sở nghiên cứu sửa đổi quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý, nghiên cứu, sửa đổi quy trình bán điện mặt trời đối với các hộ ở vùng nông thôn; tiếp tục huy động nguồn lực triển khai chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo.