14:49 08/02/2025

Thế hệ Millennials có phải là những "quý tộc ngầm"?

Minh Anh

Dữ liệu mới cho thấy thế hệ Millennials giàu có hơn chúng ta tưởng. Nhưng tại sao họ lại không cảm thấy như vậy?

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo một phân tích gần đây dựa trên Khảo sát Tài chính Người tiêu dùng năm 2022 (SCF), thế hệ Millennials hiện nay giàu có hơn so với cha mẹ họ ở cùng độ tuổi.

Các nhà nghiên cứu tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis đã phân tích dữ liệu SCF và phát hiện rằng từ năm 2019 đến 2022, giá trị tài sản ròng trung bình của nhóm Millennials lớn tuổi (sinh trong thập niên 1980) đã tăng gấp đôi, trong khi giá trị tài sản trung bình của nhóm Millennials trẻ hơn (sinh trong thập niên 1990) thậm chí tăng gấp bốn lần.

“Chúng tôi thực sự bất ngờ với dữ liệu này,” bà Ana Hernández Kent, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Bình đẳng Kinh tế thuộc Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis, chia sẻ. Cô và đồng nghiệp Lowell R. Ricketts đã cùng nhau phân tích các con số và nhận thấy sự thay đổi đáng kể so với trước đây.

Thế hệ Millennials có phải là những "quý tộc ngầm"? - Ảnh 1

Trước đó, phân tích dựa trên dữ liệu SCF năm 2019 cho thấy tài sản của thế hệ Millennials lớn tuổi và trẻ tuổi lần lượt thấp hơn 9% và 44% so với kỳ vọng, nếu so sánh với các thế hệ trước ở cùng độ tuổi và đã điều chỉnh theo lạm phát. Nhưng chỉ ba năm sau, vào năm 2022, dữ liệu SCF lại cho thấy tài sản của cả hai nhóm này đã tăng lên đáng kể, đạt mức cao hơn kỳ vọng lần lượt 37% và 39%.

Nhìn vào con số, có vẻ như thế hệ Millennials đang rất thành công. Vậy tại sao nhiều người trong số họ lại không có cảm giác như vậy?

TÀI SẢN CỦA THẾ HỆ MILLENNIALS CHỈ "ĐẸP TRÊN GIẤY TỜ"

Trong phân tích của mình, bà Ana Hernández Ken nhận thấy rằng bất động sản là yếu tố chính thúc đẩy sự gia tăng tài sản của Millennials trong giai đoạn 2019-2022, do vì giá trị nhà đất đã tăng mạnh trong thời gian này.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Nhà ở thuộc Đại học Harvard, giá nhà trên toàn nước Mỹ đã tăng 47% (tương đương 23% sau khi điều chỉnh lạm phát) trong giai đoạn 2020-2024. Điều đó có nghĩa là, nếu bạn may mắn mua được nhà trước đại dịch, thì giá trị căn nhà của bạn—và theo đó là tài sản ròng của bạn—đã tăng đáng kể.

Tuy nhiên, có một sự ngắt kết nối tâm lý giữa việc "giàu có trên giấy tờ" và cảm giác thực sự dư dả trong cuộc sống hàng ngày. Hiện tượng này được gọi là "phantom wealth" (tạm dịch: tài sản ảo). Nghĩa là, dù sở hữu tài sản có giá trị như nhà cửa hay xe hơi có thể làm tăng tổng tài sản ròng, nhưng vì chúng không thể chuyển đổi ngay thành tiền mặt, chúng không giúp ích nhiều trong chi tiêu hàng ngày—chẳng hạn như trả tiền xăng xe hay mua thực phẩm.

Dù sở hữu tài sản có giá trị như nhà cửa hay xe hơi có thể làm tăng tổng tài sản ròng, nhưng chúng không giúp ích nhiều trong chi tiêu hàng ngày.
Dù sở hữu tài sản có giá trị như nhà cửa hay xe hơi có thể làm tăng tổng tài sản ròng, nhưng chúng không giúp ích nhiều trong chi tiêu hàng ngày.

Gia đình anh Thành Vinh - một nhân viên văn phòng 32 tuổi tại Hà Nội - đang chật vật để duy trì chi phí “nuôi” chiếc xe ô tô “hàng hiệu” đắt tiền mới mua được một năm. “Tôi đã đánh giá quá cao khả năng tài chính của mình”, anh Vinh chia sẻ.

“Vợ chồng tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng nên cố gắng để mua một chiếc xe ‘sang’, nhưng chúng tôi không ngờ sau khi sở hữu chiếc xe này thì chi phí chăm sóc, bảo dưỡng, rồi tiền xăng xe lại tốn nhiều đến như vậy. Đây là một bài học khá đắt giá trong quá trình quản lý tài chính của chúng tôi.”

Một đại lý chuyên cung cấp xe hơi “hàng hiệu” cũ giấu tên đã chia sẻ với VnEconomy rằng không ít người đã đến đây rao bán xe chỉ sau khi mua một thời gian ngắn.

“Nhiều người quên mất rằng khi sở hữu một chiếc xe hơn hạng sang, thì các phụ kiện đi kèm, hay chế độ bảo dưỡng của chiếc xe đó cũng vô cùng ‘sang trọng’. Họ mua xe chỉ để ‘khoe’ rằng mình đang sở hữu một khối tài sản lớn, nhưng lại không có đủ khả năng để chăm sóc và duy trì chúng. Thực sự rất đáng tiếc.”

CHÊNH LỆCH GIỮA THU NHẬP VÀ CHI PHÍ SỐNG CAO

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, dù về mặt lý thuyết thế hệ Millennials đang dần bắt kịp về tài chính, nhưng khoảng cách giàu nghèo trong thế hệ này lại lớn hơn bất kỳ thế hệ nào trước đó.

Theo nhà xã hội học định lượng Rob J. Gruijters tại Đại học Bristol (Anh) – tác giả chính của nghiên cứu: “Sự phân bổ tài sản trong thế hệ Millennials là vô cùng bất bình đẳng. 10% những người giàu nhất nắm giữ gần 70% tổng tài sản của cả thế hệ, trong khi 50% nhóm thu nhập thấp nhất chỉ sở hữu chưa đến 2%”.  

Thế hệ Millennials đang đối mặt với giá nhà đất leo thang, chi phí chăm sóc con cái và y tế đắt đỏ, cùng với mức lương thấp trong ngành dịch vụ. Để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, ông Rob J. Gruijters nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách hỗ trợ từ chính phủ, chẳng hạn như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người trẻ sở hữu nhà, giúp họ có cơ hội tích lũy tài sản từ sớm.

Thế hệ Millennials có phải là những "quý tộc ngầm"? - Ảnh 2

Tại Việt Nam, mức chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập bình quân ngày càng cao. Theo báo cáo mới nhất được công bố về chênh lệch giá nhà và thu nhập bình quân đầu người tại các thành phố lớn thuộc khu vực châu Á của công ty nghiên cứu thị trường CBRE, hai thành phố lớn nhất của Việt Nam là Hà Nội và TP. HCM đều thuộc nhóm thành phố có tỷ lệ chênh lệch giá nhà và thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp. Đồng nghĩa người dân tại hai thành phố này sẽ khó sở hữu nhà ở với thu nhập hiện tại.

Tại Hà Nội, mức giá căn hộ ở mức 2.600 USD/m2 (khoảng 66 triệu đồng/m2) và GDP bình quân đầu người khoảng 6.300 USD/năm. Trong khi đó, tại TP. HCM, giá căn hộ hiện ở mức 2.800 USD (khoảng 71 triệu đồng/m2), còn GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD/năm.

Tỷ lệ giữa thu nhập bình quân đầu người và đơn giá căn hộ theo m2 tại Hà Nội và TP. HCM lần lượt là 2,4 và 2,7 và Hà Nội hiện cũng được xem khó mua nhà ở hơn so với TP. HCM. Tỷ lệ này càng thấp thì người dân thành phố đó càng khó mua nhà.

Thế hệ Millennials có phải là những "quý tộc ngầm"? - Ảnh 3

Một nghiên cứu mới đây từ Batdongsan.com cũng cho thấy Hà Nội và TP. HCM thuộc nhóm thành phố có mức chênh lệch lớn nhất Đông Nam Á giữa giá nhà và thu nhập bình quân của người lao động. Cụ thể, trung bình một người dân Hà Nội cần khoảng 50 năm thu nhập để mua nhà riêng và 23 năm để sở hữu một căn hộ chung cư.

Con số này tại TP. HCM thậm chí còn cao hơn, lần lượt là 53 năm và 24 năm. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giá nhà chỉ được coi là hợp lý nếu không vượt quá 30 năm thu nhập của một hộ gia đình.

Chênh lệch giữa các mức thu nhập tại Việt Nam cũng thể hiện sự phân hoá giàu nghèo rõ rệt. Theo Niên giám thống kê 2023 được công bố bởi Tổng cục Thống kê vào cuối tháng 12/2024, thu nhập bình quân đầu người một tháng của nhóm 20% số hộ có thu nhập bình quân đầu người cao nhất tại Việt Nam đạt 10,86 triệu đồng, gấp 7,5 lần nhóm 20% số hộ có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất (1,45 triệu đồng). 

Chênh lệch thu nhập giữa nhóm thu nhập cao nhất với nhóm có thu nhập thấp nhất ngày càng cao ở các thành phố lớn tại Việt Nam. Tại Hà Nội, nhóm người có thu nhập bình quân cao nhất khoảng 14,46 triệu đồng/tháng, trong khi nhóm người có thu nhập bình quân thấp nhất khoảng 2,19 triệu đồng/tháng, mức chênh lệch là 6,8 lần.

Tại TP. HCM, nhóm người có thu nhập bình quân cao nhất khoảng 13,26 triệu đồng/tháng, trong khi nhóm người có thu nhập bình quân thấp nhất khoảng 2,94 triệu đồng/tháng, chênh lệch 4,5 lần.

Chênh lệch thu nhập giữa nhóm thu nhập cao nhất với nhóm có thu nhập thấp nhất ngày càng cao ở các thành phố lớn tại Việt Nam.
Chênh lệch thu nhập giữa nhóm thu nhập cao nhất với nhóm có thu nhập thấp nhất ngày càng cao ở các thành phố lớn tại Việt Nam.

Vậy, liệu thế hệ Millennials có thực sự khá giả hơn thế hệ cha mẹ họ? Câu trả lời không hề đơn giản. Tổng tài sản của thế hệ này đúng là đã tăng lên, nhưng lại được phân bổ không đồng đều hơn bao giờ hết. Vì vậy, nếu bạn không cảm thấy mình dư dả, bạn chắc chắn không phải là trường hợp cá biệt.  

Quan trọng hơn, số liệu thống kê không phải lúc nào cũng phản ánh đầy đủ thực tế cuộc sống. Chuyên gia Ana Hernández Kent nhận định: “Đôi khi những gì dữ liệu thể hiện và trải nghiệm thực tế không hoàn toàn trùng khớp”.