09:04 29/07/2024

Thế vận hội của những chiếc huy chương sáng tạo đã bắt đầu

Băng Sơn

Lễ khai mạc Olympic Paris 2024 đã diễn ra từ 0h30 ngày 27/7 theo giờ Hà Nội, kéo dài hơn ba tiếng. Thay vì tổ chức trong một sân vận động như truyền thống, nước Pháp tạo ra một buổi diễu hành trên sông Seine...

Ảnh: EuroNews
Ảnh: EuroNews

Khoảnh khắc ấn tượng nhất chính là khi hàng trăm người người đứng trên cầu Alexandre III, theo dõi chiếc vạc giữ lửa có hình dáng giống như một khinh khí cầu lớn từ từ bay lên trên dòng sông như mặt trời mọc. "Cảnh tượng đó thực sự gây mê hoặc", báo Mỹ New York Times bình luận. "Khí cầu đem theo ngọn lửa Olympic lên bầu trời Paris, xa xa thấp thoáng hình bóng tháp Eiffel. Truyền thông đại chúng sẽ nói nhiều về hình ảnh này trong những ngày tới. Làm tốt lắm, Paris".

Vạc giữ lửa gồm vòng lửa có đường kính 7 m, bên trên là quả cầu cao 30 mét, đường kính 22 mét. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, vạc Olympic là một quả cầu lơ lửng giữa không trung, chứ không cố định trong sân vận động. Đúng như những lời Giám đốc Nghệ thuật Thomas Jolly hứa hẹn trước buổi lễ, mọi tiết mục trong lễ khai mạc cũng như mọi chi tiết trong quá trình tổ chức sẽ đều tôn vinh sự sáng tạo của nước Pháp.

NHỮNG TẤM HUY CHƯƠNG ĐẶC BIỆT

Tới đây, hơn 10.000 vận động viên sẽ tham gia 32 môn thể thao trong 329 sự kiện tranh huy chương trước sự theo dõi của hàng tỷ người xem trên toàn thế giới. "Giành huy chương tại Thế vận hội có thể thay đổi cuộc đời. Mọi vận động viên đều mơ ước điều đó nên việc họ tham gia vào quá trình thiết kế huy chương của Thế vận hội Paris 2024 là điều thích hợp". Do đó, Ủy ban Vận động viên Paris 2024, do Martin Fourcade làm chủ tịch, đã tham gia tìm kiếm ý tưởng tượng trưng cho bản sắc của Thế vận hội cùng các vận động viên.

Olympic Paris 2024 đã chính thức khai mạc.
Olympic Paris 2024 đã chính thức khai mạc.

Cuối cùng, ý tưởng chiến thắng là một lựa chọn độc đáo: kết hợp tượng đài mang tính biểu tượng của Pháp và Paris - Tháp Eiffel - với vật thể danh giá nhất của Thế vận hội: huy chương. Vì vậy các vận động viên có thành tích xuất sắc nhất tại hai Thế vận hội Olympic và Paralympic Paris 2024 sẽ không chỉ được nhận những tấm huy chương vàng, bạc và đồng, mà cả 18 gam sắt được bảo tồn trong quá trình cải tạo ngọn tháp biểu tượng của thủ đô Paris vào những năm 1900.

Đó là một điều vô cùng đặc biệt kỷ niệm tròn 100 năm sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh trở lại với người dân Paris. Những tấm huy chương Thế vận hội Paris 2024 với mảnh hình lục giác ở trung tâm, tượng trưng cho hình dạng của đất liền nước Pháp được thiết kế bởi nhà sản xuất kim hoàn Maison Chaumet 240 tuổi. Điều đặc biệt là mảnh ghép bằng sắt hình lục giác, đặt giữa trung tâm của những chiếc huy chương, được lấy từ chính phần kết cấu nguyên bản của tháp Eiffel.

Các tấm huy chương có đường kính 85mm, dày 9,2mm. Huy chương vàng Olympic nặng 529 gram, thực tế hơn 95,4% là bạc bạc (505 gram). Chi phí bục vinh quang cho một huy chương vàng Olympic 2024 là khoảng 950 USD, vượt qua kỷ lục 708 USD của Thế vận hội London 2012, dựa trên giá giao ngay của vàng, bạc và sắt vào sáng ngày 24/7 và số lượng vật liệu đó được sử dụng để làm huy chương.

Sự kết hợp tượng đài mang tính biểu tượng của Pháp và Paris - Tháp Eiffel - với vật thể danh giá nhất của Thế vận hội: huy chương. 
Sự kết hợp tượng đài mang tính biểu tượng của Pháp và Paris - Tháp Eiffel - với vật thể danh giá nhất của Thế vận hội: huy chương. 

Đây có thể là giá trị cao nhất của bất kỳ huy chương vàng nào trong lịch sử thể thao hiện đại, chủ yếu là do giá vàng hiện ở mức cao kỷ lục. Nếu huy chương vàng được làm bằng vàng nguyên chất, nó sẽ có giá trị khoảng 41.161,50 USD. Đây là lý do tại sao lần cuối cùng huy chương vàng nguyên chất được trao tặng là vào năm 1912.

Theo Forbes thành phần cấu tạo nên một chiếc huy chương vàng bao gồm 6 gam vàng nguyên chất, dùng làm lớp mạ cho huy chương, và 18 gam sắt. Huy chương bạc nặng 525 gam trong đó có 507 gam làm bằng bạc và 18 gam là sắt. Giá trị của nó dựa trên giá bạc giao ngay ngày 24/7 đối với bạc và sắt là khoảng 486 USD. Huy chương đồng nặng 455 gam, gồm 415,15 gam đồng, 21,85 gam kẽm và 18 gam sắt. Giá trị bục của nó là khoảng 13 USD.

Thiết kế của huy chương thay đổi theo từng kỳ Thế vận hội. Tại Olympic Paris 2024, thanh sắt từ tháp Eiffel được loại bỏ lớp sơn màu phủ bên ngoài, giữ nguyên màu xám đen ban đầu và được đóng dấu biểu tượng của Thế vận hội Paris 2024. Phần viền của huy chương lấy ý tưởng từ những tia sáng rực rỡ, tỏa ra xung quanh, thể hiện rõ danh xưng “Kinh đô ánh sáng” Paris, cũng như tầm ảnh hưởng và những màn trình diễn thể thao đầy ấn tượng của nước Pháp.

Mặt sau của tấm huy chương Paralympic là hình ảnh tháp Eiffel nhìn trực diện từ dưới chân, một góc độ ít được khai thác từ trước tới nay.
Mặt sau của tấm huy chương Paralympic là hình ảnh tháp Eiffel nhìn trực diện từ dưới chân, một góc độ ít được khai thác từ trước tới nay.

VIỆT NAM TREO MỨC THƯỞNG KỶ LỤC

Trong 10 kỳ Olympic gần đây nhất, thể thao Việt Nam mới giành tổng cộng 5 huy chương gồm: 1 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 1 huy chương đồng. Võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân là người "mở hàng" với tấm huy chương bạc hạng cân 57kg nữ tại Olympic Sydney 2000, sau đó lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn giành huy chương bạc hạng 56kg nam ở Olympic Bắc Kinh 2008. Tại Olympic London 2012, lực sĩ cử tạ Trần Lê Quốc Toàn giành huy chương đồng hạng 56kg nam, do được đôn thứ hạng bởi đối thủ xếp trên dính doping.

Thành tích lịch sử thuộc về xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (Quân đội) khi giành 1 huy chương vàng, phá kỷ lục đại hội tại nội dung 10m súng ngắn hơi và 1 huy chương bạc nội dung 50m súng ngắn tại Olympic Rio 2016. Tại Olympic Paris 2024, Việt Nam đặt hy vọng vào các môn bắn súng, bắn cung và cử tạ.

Ở môn bắn súng, Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền cần phải thi đấu xuất thần như Hoàng Xuân Vinh năm 2016 mới có hy vọng. Ở vòng loại Olympic, Thu Vinh xếp hạng 6 chung cuộc nội dung 10m súng ngắn hơi nữ, còn Mộng Tuyền xếp hạng 16 nội dung 10m súng trường hơi nữ.

Trong khi cử tạ không còn nội dung thế mạnh 56kg nên cửa huy chương rất thấp. Lực sĩ Trịnh Văn Vinh ở hạng cân 61kg nam là hy vọng của thể thao Việt Nam. Với môn bắn cung, nữ cung thủ Ánh Nguyệt sẽ phải có màn thi đấu xuất thần trong ngày ra quân. Cô cũng là vận động viên thi đấu đầu tiên của đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024.

Đoàn Thể thao Việt Nam trong lễ xuất quân tham dự Olympic Paris 2024.
Đoàn Thể thao Việt Nam trong lễ xuất quân tham dự Olympic Paris 2024.

Không thể đo lường được giá trị của tấm huy chương đối với một vận động viên đã dành phần lớn cuộc đời mình theo đuổi mục tiêu đứng trên bcj vinh quang. Theo mức thưởng của Nhà nước, vận động viên Việt Nam được thưởng 350 triệu đồng khi giành huy chương vàng Olympic, nếu phá kỷ lục được thưởng thêm 140 triệu đồng. Vận động viên giành huy chương bạc được thưởng 220 triệu đồng, huy chương đồng được thưởng 140 triệu đồng. Tuy nhiên, để khích lệ tinh thần các vận động viên, nhiều tổ chức xã hội, liên đoàn thể thao quốc gia... treo mức thưởng nóng rất cao.

Cụ thể, Quỹ Chiến lược thể thao quốc tế cùng Ủy ban Olympic Việt Nam công bố số tiền thưởng cho các vận động viên Việt Nam giành huy chương vàng Olympic 2024 là 1 triệu USD (khoảng hơn 25 tỷ đồng), 500.000 USD cho 1 huy chương bạc và 200.000 USD cho 1 huy chương đồng. Trước thềm Olympic Paris 2024, mỗi liên đoàn cũng công bố mức thưởng riêng cho các vận động viên của bộ môn mình nếu giành huy chương. Theo đó, mức thưởng cao nhất cho vận động viên Việt Nam giành huy chương vàng Olympic Paris 2024 có thể lên tới hơn 26 tỷ đồng.