08:05 10/02/2022

Thêm dự báo giá dầu có thể lên 120 USD/thùng nếu Nga tấn công Ukraine

An Huy

Hai chiến lược gia có tiếng cùng đưa ra nhận định rằng giá dầu thô có thể tăng vọt lên 120 USD/thùng trong trường hợp chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ...

Xe quân sự của Ukraine trong một cuộc tập trận ở Pripyat hôm 4/2 - Ảnh: Reuters/CNBC.
Xe quân sự của Ukraine trong một cuộc tập trận ở Pripyat hôm 4/2 - Ảnh: Reuters/CNBC.

Giá dầu “chắc chắn” sẽ đạt mức 120 USD/thùng và nền kinh tế toàn cầu sẽ “thay đổi một cách căn bản” nếu Nga tấn công Ukraine – chiến lược gia kỳ cựu David Roche dự báo. Ngân hàng lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase cũng đưa ra nhận định tương tự.

Nga vẫn một mực phủ nhận cáo buộc của phương Tây cho rằng nước này đang có kế hoạch tấn công Ukraine. Tuy nhiên, sự phủ nhận này không hề giúp giảm bớt căng thẳng giữa Moscow với Kiev và phương Tây trong bối cảnh Nga tập trung khoảng 130.000 quân cùng xe tăng, tên lửa và trang thiết bị quân sự khác ở gần khu vực biên giới với quốc gia láng giềng. Yêu cầu lớn nhất mà Nga đưa ra là Ukraine không được bao giờ trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngoài ra, Nga cũng đề nghị NATO giảm bớt hiện diện ở khu vực Đông Âu.

Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, ông Roche nói rằng việc không ai dám chắc Nga sẽ hành động như thế nào giống như “con ma trong căn phòng” – nhân tố có khả năng gây đảo lộn nghiêm trọng thị trường tài chính toàn cầu.

“Tôi cho rằng nếu Nga tấn công Ukraine và tiếp đó là các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt áp lên Nga, khiến nước này không thể xuất khẩu được hàng hoá cơ bản, gồm cả dầu khí và than. Khi đó, tôi tin chắc giá dầu sẽ lên 120 USD/thùng”, ông Roche nói.

Giá dầu thô giao sau tại thị trường London và New York hiện đang trong khoảng 90-91 USD/thùng, tăng mạnh từ mức dưới 80 USD/thùng vào thời điểm đầu năm.

Cũng theo ông Roche, không chỉ đẩy giá dầu tăng vọt, một cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine còn có thể gây ra những hệ quả kinh tế to lớn khác. Ông cảnh báo rằng nhiều nhà đầu tư đang đánh giá thấp về ảnh hưởng kinh tế tiềm tàng của khủng hoảng Nga-Ukraine.

“Tôi cho là hầu hết các nhà đầu tư đều xem ông Putin là nhạc nền, và ông Putin sẽ không đồng ý với điều này đâu”, ông Roche nói.

Vị chiến lược gia lập luận rằng nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin thực sự làm “một chuyện gì đó lớn với Ukraine”, Mỹ và đồng minh của Mỹ sẽ áp trừng phạt cứng rắn lên Nga. Trong trường hợp như vậy, thị trường chứng khoán châu Âu và nền kinh tế toàn cầu sẽ “thay đổi một cách cơ bản”.

Các nghị sỹ Mỹ đã tuyên bố đang vạch ra những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất có thể nhằm vào Nga, như một cách để bảo vệ Ukraine và “bóp nghẹt nền kinh tế Nga”. Các bộ trưởng của Anh và Đức cũng cảnh báo về hậu quả kinh tế đối với Nga nếu có hành động tấn công Ukraine.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Nga sẵn sàng hứng chịu “tổn thất tài chính thực sự” và dám dấn thân vào một cuộc chiến tổng lực để đạt được những mục tiêu chính trị trong vấn đề Ukraine.

Trong một cuộc khảo sát với sự tham gia của 5.529 người tại 7 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) hồi cuối tháng 1, Hội đồn Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) nhận thấy rằng phần đông những người tham gia khảo sát tin là Nga sẽ tấn công Ukraine. Đa số cũng cho rằng NATO và EU nên bảo vệ Ukraine nếu Nga tấn công.

Chiến lược gia Natasha Kaneva của JPMorgan Chase cũng cho rằng một cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine sẽ đẩy giá dầu vọt lên 120 USD/thùng.

“Bất kỳ sự gián đoạn nào của dòng dầu từ Nga trong bối cảnh công suất dự trữ của các nước sản xuất dầu lớn đang ở mức thấp như hiện nay cũng có thể dễ dàng đưa giá dầu lên 120 USD/thùng”, bà Kaneva nhận định trong một báo cáo.

Theo bà Kaneva, nếu xuất khẩu dầu của Nga giảm một nửa, giá dầu Brent có thể lên 150 USD/thùng. Kỷ lục mọi thời đại của giá dầu được thiết lập vào tháng 7/2008, khi giá dầu Brent đạt 147,5 USD/thùng.

Không chỉ là một nước sản xuất dầu lớn, Nga còn là một nước sản xuất khí đốt hàng đầu thế giới, với khách hàng lớn nhất là châu Âu – nơi người tiêu dùng đang vật lộn với giá khí đốt cao ngất ngưởng trong mùa đông lạnh giá.

“Bất kỳ gián đoạn nào của dòng khí đốt từ Nga đều có thể đặt thế cân bằng của thị trường khí đốt châu Âu vào tình thế nguy hiểm, nhất là khi khu vực này bước vào năm 2022 với lượng khí đốt dự trữ thấp kỷ lục”, báo cáo của JPMorgan Chase nhận định.