Thêm một sự kiện quốc tế của Năm Du lịch quốc gia 2022
Hội nghị lần thứ 57 Ủy ban Văn hóa-Thông tin ASEAN là một sự kiện quốc tế đặc trưng trong chuỗi các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2022, nhằm nâng cao hơn nữa vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng...
Lễ khai mạc chính thức Hội nghị lần thứ 57 Ủy ban Văn hóa-Thông tin ASEAN đã diễn ra sáng ngày 24/11/2022 do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương chủ trì, cùng sự tham dự của đại diện Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, đoàn đại biểu lãnh đạo Bộ, cơ quan các nước ASEAN phụ trách văn hóa, thông tin, đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam.
Ban tổ chức Hội nghị lần thứ 57 Uỷ ban Văn hóa-Thông tin, cho biết trên cơ sở sáng kiến của Việt Nam đưa ra chủ đề “Chuyển đổi số: Cơ hội tiếp cận cho mọi người”, Hội nghị tập trung thảo luận nhằm tiếp tục có những định hướng, đề ra các biện pháp gắn kết chuyển đổi số trong hợp tác văn hóa, thông tin ASEAN. Hội nghị lần thứ 57 Uỷ ban Văn hóa-Thông tin cũng xem xét và thông qua các dự án hợp tác triển khai trong năm 2023 về lĩnh vực văn hóa, thông tin ASEAN do Tiểu ban Văn hóa ASEAN và Tiểu ban Thông tin ASEAN trình lên, được tập trung vào dự án về hội thảo, tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, đồng sản xuất và phổ biến các ấn phẩm trong lĩnh vực văn hóa - thông tin, bảo tồn và phát huy di sản văn hoá, số hoá, hỗ trợ các doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số đối với lĩnh vực văn hóa, thông tin, báo chí truyền thông và hợp tác phòng chống tin giả trong ASEAN…
Phát biểu chào mừng tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng Hội nghị lần thứ 57 Ủy ban Văn hóa-Thông tin ASEAN là một sự kiện quốc tế đặc trưng trong chuỗi các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2022 với chủ đề: “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”.
Đây không chỉ là cơ hội rất quý để tăng cường xúc tiến, quảng bá, giới hiệu các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, mới lạ đến với bạn bè, du khách gần xa; mà còn là dịp may hiếm có để đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch, nâng cao hơn nữa vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng.
Theo ông Quang, với chủ đề của hội nghị lần này, chúng ta thấy cần phải tăng cường truyền thông về ASEAN trên môi trường số, quảng bá bản sắc ASEAN, thúc đẩy sự đoàn kết giữa nhân dân các nước trong khu vực. Chuyển đổi số trở thành trọng tâm chiến lược của ASEAN để thúc đẩy hồi phục kinh tế và xây dựng lại mạnh mẽ hơn sau đại dịch Covid-19; đồng thời, cũng là hướng đi để các nước trong khu vực cùng xây dựng một Cộng đồng ASEAN bền vững “gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và sẻ chia trách nhiệm xã hội”; các nền tảng số giúp người dân ASEAN duy trì kết nối, hợp tác và giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động.
“Với trách nhiệm của mình, tỉnh Quảng Nam sẽ tích cực phối hợp với các bên liên quan để Hội nghị diễn ra thành công tốt đẹp”, ông Quang khẳng định.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết thêm: Hội nghị lần này nhằm thực hiện trách nhiệm thành viên ASEAN của Việt Nam trong cơ chế hợp tác chuyên ngành, triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) đến năm 2025, Chương trình hành động của Chính phủ về tuyên truyền quảng bá ASEAN tầm nhìn 2030.
Đặc biệt hơn, Hội nghị được tổ chức trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2022 tại tỉnh Quảng Nam đã góp phần quảng bá văn hóa, tiềm năng du lịch Việt Nam, giới thiệu hình ảnh đất Việt Nam phát triển ổn định thời kỳ hậu Covid-19, đồng thời, tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau trong Cộng đồng ASEAN, nâng cao nhận thức về bản sắc ASEAN trong cộng đồng quốc tế.
Quảng Nam, một mảnh đất có bề dày truyền thống, lịch sử, văn hóa và cách mạng với 02 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn; có khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm; có Nghệ thuật Bài chòi được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; có địa chỉ đỏ: Tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng vô cùng kỳ vĩ và trang nghiêm; có 125 km bờ biển xanh ngát, cát trắng, nắng vàng tuyệt đẹp; có núi rừng Trường Sơn đại ngàn, đầy thơ mộng và nhiều Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng khác.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam nằm ở trung điểm của Việt Nam, cửa ngõ kết nối với các nước trong Tiểu vùng Mê Công và ASEAN, nằm trên trục Hành lang kinh tế Đông Tây. Cùng với lợi thế về kết nối giao thông cả đường bộ, đường thuỷ lẫn đường hàng không với các nước trong khu vực, Quảng Nam thực sự đã trở thành là trung tâm du lịch lớn của cả nước, là điểm đến lý tưởng cho du khách đến tham quan và thưởng thức các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, khám phá thêm kho báu du lịch và ẩm thực nơi đây để hiểu rõ hơn về vùng đất và con người Xứ Quảng thân thiện, mến khách.
Được biết, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 57 Ủy ban Văn hóa - Thông tin ASEAN, trước đó các đại biểu từ các Bộ, cơ quan phụ trách văn hóa, nghệ thuật cũng đã tham dự Cuộc họp Tiểu ban Văn hóa ASEAN nhằm rà soát các nội dung hợp tác văn hóa, nghệ thuật, xem xét, đề xuất định hướng triển khai và thống nhất một số chương trình, dự án về các hoạt động giao lưu biểu diễn nghệ thuật, hội thảo, các sự kiện giao lưu… trình Hội nghị lần thứ 57 Ủy ban Văn hóa-Thông tin ASEAN phê duyệt.
Điển hình như chương trình, dự án liên quan đến biểu diễn nghệ thuật ASEAN, tổ chức dàn nhạc cụ đồng của ASEAN, diễn đàn ASEAN về doanh nghiệp văn hóa xanh, hồi phục các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại Đông Nam Á hậu Covid-19, hội thảo ASEAN về đóng gói ẩm thực truyền thống và quảng bá sản phẩm trên thị trường”, quảng bá văn hóa nói không với đồ nhựa…
Song song đó, là Cuộc họp Tiểu ban Thông tin ASEAN cũng đã tập trung rà soát và trao đổi nội dung về hợp tác thông tin ASEAN, thống nhất một số chương trình, dự án thông tin liên quan đến thúc đẩy chuyển đổi số đối với lĩnh vực thông tin, báo chí truyền thông và hợp tác phòng chống tin giả trong ASEAN… trình Hội nghị lần thứ 57 Ủy ban Văn hóa-Thông tin ASEAN phê duyệt để triển khai trong năm 2023.