Thêm nhiều người có lương hưu khi giảm năm đóng bảo hiểm xã hội
Người lao động có thể chỉ cần tham gia bảo hiểm xã hội đủ 15 năm để nhận được lương hưu thay vì tối thiểu 20 năm như hiện nay, theo đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội…
Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng, cơ quan này tiếp tục đề xuất giảm năm đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm như quy định hiện hành xuống còn 15 năm, để nhiều người có thể tiếp cận chế độ hưu trí.
Dự thảo Luật quy định, khi người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo Bộ Luật lao động năm 2019, có từ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu hàng tháng, thay vì tối thiểu 20 năm như hiện hành. Trường hợp người lao động làm trong một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hầm lò, vùng khó khăn được nghỉ hưu sớm hơn từ 5-10 năm so với tuổi chung.
Đối với người đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để có lương hưu phải 20 năm thay vì 15 năm như những người khác.
Trao đổi về đề xuất này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đánh giá đây là chính sách rất ưu việt, linh hoạt, phù hợp với thị trường lao động, nhất là đối với những người lao động tham gia thị trường lao động có tuổi đời cao được hưởng chế độ hưu trí.
“Việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội là cần thiết, bởi đây là một trong những giải pháp bảo đảm để họ được hưởng chế độ hưu trí, trong khi đây là chính sách an sinh xã hội lâu dài nhất, tốt nhất cho người lao động”, ông Quảng nhấn mạnh.
Nhiều lần chia sẻ về vấn đề này trước đó, ông Quảng cũng cho rằng, quy định đủ 20 năm tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu là thời gian quá dài, từ đó sẽ hạn chế quyền lợi đối với một số người lao động có số năm đóng thấp sẽ rất khó để đủ thời gian hưởng chế độ hưu trí.
Dù ủng hộ đề xuất giảm năm đóng bảo hiểm xã hội, song theo ông Quảng điều băn khoăn là với số năm đóng bảo hiểm xã hội là 15 năm thì tiền lương hưu người lao động nhận được không cao, với những người lao động có tiền lương thấp, mức lương hưu sau này khó đảm bảo mức sống tối thiểu.
Do đó, theo chuyên gia của tổ chức công đoàn, cùng với giảm năm đóng cần tính toán lại theo nguyên tắc tăng cường tính chia sẻ khi hưởng chế độ hưu trí, để người lao động có điều kiện tham gia đủ 20 năm hoặc giảm còn 15 năm, khi hưởng chế độ này vẫn có một khoản tiền nhất định để đảm bảo cuộc sống tối thiểu.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, bà Nguyễn Phương Anh, Chủ tịch Công đoàn Công ty Liên doanh May Plummy cũng cho rằng, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội 20 năm mới được hưởng lương hưu đối với người lao động là quá dài, nhất là với lao động trực tiếp. Chưa kể, với lao động nữ trực tiếp, phần lớn qua tuổi 50 đã có dấu hiệu tuổi già, mắt kém, động tác chậm chạm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Trong khi đó, các doanh nghiệp luôn lấy yếu tố năng suất chất lượng lên hàng đầu. Do đó, theo vị cán bộ công đoàn này, việc đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống còn 15 năm sẽ đã giải quyết được vấn đề đầu tiên của nhiều người lao động.
Với đề xuất này, nhiều chuyên gia trong ngành cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ cần giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí, tạo điều kiện cho người lao động có nhiều cơ hội hưởng lương hưu.
Dù nhiều ý kiến ủng hộ, tuy nhiên, việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm để hưởng lương hưu chỉ mới là đề xuất được đưa ra từ phía cơ quan soạn thảo, việc có thực hiện hay không còn chờ vào quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội trong thời gian tới.
Trước đó, tại cuộc làm việc giữa Ủy ban Xã hội của Quốc hội với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hồi tháng 2 năm nay, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6/2023, và đến tháng 10/2023 sẽ trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật này.