Thị trường bán lại liệu có hưởng ứng “xa xỉ thầm lặng”?
Nhận thấy tiềm năng của xu hướng “xa xỉ thầm lặng”, các nhà mốt lớn đã kịp thời thích nghi. Điển hình như Celine và Bottega Veneta đã lợi dụng chiến lược “giấu logo” để lọt vào top 10 thương hiệu được tìm kiếm nhiều nhất trong quý vừa qua, ở vị trí thứ 9 và 10…
Theo tạp chí Time, “quiet luxury” (xa xỉ thầm lặng) là một thuật ngữ trong giới thời trang để chỉ sự giàu có và quyền lực được biểu thị một cách tinh tế, không cần phải thể hiện rõ ràng qua các chi tiết như logo, họa tiết hoặc kiểu dáng quá phô trương. Đây được cho chủ nghĩa tối giản trong thời đại mới, khi con người tập trung vào các khoản đầu tư hợp lý và xây dựng thói quen mua sắm có tính toán. Không cầu kỳ, bắt mắt nhưng vẫn có thể phản ánh khả năng tài chính của người mặc chính là những điểm đặc trưng của phong cách này.
Các trang phục “quiet luxury” thường mang tone màu trung tính với thiết kế đơn giản nhưng tinh tế, chất liệu chất lượng cao dưới một quy trình sản xuất chuyên nghiệp, giúp quần áo trường tồn với thời gian. Điều này là làm gia tăng tính bền vững của sản phẩm, trái ngược với những sản phẩm dùng một lần hoặc có tuổi thọ thấp - nguyên nhân của vấn nạn thời trang nhanh.
Nhận xét về tháng của những tuần lễ thời trang Xuân – Hè 2024 vừa qua, tờ Vogue Business nhận định sự chú ý của dư luận hướng tới những nhà thiết kế có sở trường về sản phẩm tinh xảo, được cắt may khéo léo. Kate Benson, giám đốc mua hàng của Net-a-Porter cho biết: “Khách hàng đang hướng tới những món đồ đầu tư sang trọng vượt thời gian và sẽ tồn tại lâu dài trong tủ quần áo của họ. Do đó, những trang phục phom dáng phô trương hay tràn ngập logo đã ít xuất hiện”.
Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng đang không còn cân nhắc mua hàng chỉ dựa trên nhu cầu và mong muốn của bản thân. Bởi họ coi lựa chọn thương hiệu của mình là cơ hội để giảm thiểu các vấn đề toàn cầu như ô nhiễm môi trường, bất bình đẳng và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Cũng vì thế, chi tiêu bền vững trở thành xu hướng tiêu dùng được Gen Z và Millennials ưa chuộng hàng đầu hiện nay.
Từ đó, nhiều "ông lớn" trong thời trang xa xỉ như Gucci, Valentino, Jean Paul Gaultier, Oscar de la Renta… cũng bắt đầu tham gia vào thị trường bán lại (resale) đồ cũ. Cụ thể hơn, thương hiệu thu mua lại hàng cũ của mình, sau đó tự mình bán lại sản phẩm. Trong nhiều trường hợp, thương hiệu còn hợp tác với bên thứ hai để cùng kiểm định chất lượng sản phẩm, tìm nguồn cung ứng và bán hàng thay họ.
Phương pháp này cho phép thương hiệu tiếp tục tăng trưởng mà không cần tăng sản lượng quá mức và khai thác tài nguyên. Tham gia thị trường bán lại là cơ hội quan trọng nhất để thương hiệu thể hiện sự cam kết "xanh" với môi trường và người tiêu dùng.
Theo ông James Reinhart, (đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc của nền tảng bán đồ cũ ThredUp), mặc dù thị trường bán lại đồ cũ chưa thể vượt qua bán lẻ thời trang mới, nhưng có lẽ đang trên con đường đạt được điều này. Trong khi đó, Chủ tịch McKinsey & Company (một công ty tư vấn chiến lược toàn cầu, có chi nhánh ở nhiều quốc gia quốc gia) ước tính thị trường bán lại sẽ chứng kiến mức tăng trưởng hàng năm lên đến 10 - 15%. Điều này cho thấy tiềm năng của thị trường bán lại trên nhiều lĩnh vực, chứ không tính riêng ở thị trường trang phục cao cấp.
Không phân biệt giàu hay nghèo, nhiều khách hàng trẻ tuổi thực sự có ý thức hơn về tác động của môi trường tới các quyết định mua, đồng thời có nhiều khả năng mua hàng từ thương hiệu phù hợp với giá trị cá nhân của họ. Theo một nghiên cứu của Nielsen, 73% số người thuộc thế hệ Gen Z và Millennials trả lời họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho một sản phẩm nếu chúng đến từ thương hiệu bền vững hoặc có tính xã hội.
Ông Kunal Kapoor, Giám đốc điều hành của Luxury Closet (một nền tảng chuyên bán lại đồ hiệu xa xỉ) nói: "Gần 70% vấn đề ô nhiễm môi trường liên quan đến ngành may mặc xảy ra trong quá trình sản xuất. Do đó, việc mua lại các mặt hàng đã qua sử dụng có thể giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, đồng thời hạn chế lượng khí thải carbon được hình thành trong quá trình vận chuyển hàng hoá đến các khu vực".
Và thực tế là xu hướng “xa xỉ thầm lặng” cũng đã lan tỏa tới thị trường bán lại. Noelle Sciacca, lãnh đạo cấp cao về thời trang nữ và quan hệ đối tác chiến lược của The RealReal đã cho biết: “Chúng tôi luôn tin rằng xa xỉ thầm lặng là cốt lõi cơ bản trong ngành thời trang vì rất nhiều thương hiệu theo đuổi những giá trị vượt thời gian. Chúng là những sản phẩm tiêu biểu trong nền kinh tế tuần hoàn. Ngày nay, mọi người, đặc biệt là Gen Z và Y, có xu hướng thích mua một chiếc áo khoác len cashmere để mặc và sau đó bán lại. Chúng luôn chất lượng và hoàn toàn không bao giờ lỗi mốt”.
Gen Z, những bạn trẻ sẽ định nghĩa lại thị trường bán lại trong thời đại mới, đang càng ngày càng phát triển. Họ được dự đoán sẽ tiếp tục theo đuổi xu hướng xa xỉ thầm lặng với lượt tìm kiếm các thương hiệu theo phong cách này tăng 29% so với năm ngoái.
Trong một báo cáo khác, thế hệ này đã chi nhiều hơn 40% cho các mẫu túi xách cổ điển vượt thời gian đến từ các hãng Fendi (Baguette), Celine (Macadam), Bottega Veneta (Intrecciato) và Louis Vuitton (Speedy) hay Classic Flap của Chanel. Bên cạnh đó, Loewe đã có mức tăng trưởng đáng kể về tổng thể khi lượt tìm kiếm cao hơn 59% trên nền tảng The RealReal vào năm nay, cùng với Loro Piana (36%) và Miu Miu (22%).
Sự trở lại của những chiếc túi cổ điển đã chiếm được cảm tình của khách hàng trong vài năm qua khi nhu cầu tăng 300% kể từ năm 2020. Niềm đam mê với phong cách cổ điển được mô tả trong những bộ trang phục mới. Những năm 1990 cho đến nay, số lượt tìm kiếm về những thiết kế cổ điển đã tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, sự quan tâm đến các nhà thiết kế tiên phong gốc Nhật trong thập niên 90 cũng đã tăng lên bao gồm những tên gọi nhưu Matsuda (70%), Yohji Yamamoto (51%), Issey Miyake (45%) và Comme des Garçons (26%).
Có một xu hướng mà The RealReal muốn lưu ý rằng người tiêu dùng đang mua hàng ít hơn nhưng giá cả của từng sản phẩm lại đắt hơn. Giá trị đơn hàng trung bình đã tăng qua các thế hệ, từ 14% của những người thuộc thế hệ Baby Boomers lên 18% đối với Thế hệ Z. Trong khi đó, thế hệ Millennials ưa chuộng những món đồ bền và chất lượng tốt, thay vì những sản phẩm có “tuổi đời ngắn” – hành vi mua sắm này đã tăng 265%. Và xu hướng ký gửi hoặc bán lại đã tăng ngót nghét 24% theo báo cáo Reselling của The RealReal.
Theo Fortune, với phong cách "xa xỉ thầm lặng", giới siêu giàu muốn bản thân là tấm gương cho con cháu mình. Kể cả khi mua một món đồ, họ cũng muốn đứa trẻ trong gia đình nhận thức được đó chỉ là niềm vui nhất thời hay là một vật hữu ích. Bằng cách này, họ đang xây dựng nhận thức xã hội về tiền bạc cho trẻ, thay vì phụ thuộc và tìm cách khoa trương nó.