10:10 26/10/2023

Thời kỳ bùng nổ của thị trường xa xỉ đã kết thúc?

Minh Nguyệt

Doanh số bán hàng xa xỉ cuối cùng cũng phản ánh thực trạng của nền kinh tế. Nhưng các nhà phân tích cho rằng vẫn có lý do để lạc quan, ngay cả ở các thị trường đang suy yếu như Mỹ và Trung Quốc...

Ảnh: Bloomberg
Ảnh: Bloomberg

Trong thời kỳ đại dịch, ngành công nghiệp xa xỉ đã phát triển với tốc độ kỷ lục khi người tiêu dùng vung tay thỏa mãn bản thân, sau thời gian dài ở yên trong nhà, bằng việc “điên cuồng" mua sắm. Nhưng giờ đây, các số liệu tài chính mới nhất của ngành xa xỉ đang xác nhận thực tế rằng người mua sắm trên khắp thế giới đã hạn chế chi tiêu, theo Vogue Business. 

Ngày 24/10 vừa qua, tập đoàn xa xỉ Kering đã báo cáo doanh số bán hàng trong quý 3 đã giảm 9% so với mức 4,46 tỷ euro trong quý 3 năm 2023, thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích về mức giảm 6%. Đặc biệt, doanh số bán hàng đã giảm trên toàn bộ các thương hiệu thời trang của tập đoàn. Doanh thu của Gucci đã giảm 7% xuống còn 2,2 tỷ euro. Doanh số bán hàng của Saint Laurent giảm 12%, doanh số bán lẻ giảm 4% và bán buôn giảm 38%, trong khi doanh số bán hàng của Bottega Veneta giảm 7%.

Bộ phận “Những nhà mốt khác”, bao gồm Balenciaga và Alexander McQueen, giảm 15%. Thomas Chauvet, người đứng đầu bộ phận bán lẻ của ngân hàng Citi, bình luận: “Với việc Gucci bắt đầu một chương mới, kết quả kinh doanh hàng quý yếu kém đã được dự đoán. Trong khi đó Saint Laurent, Bottega Veneta và Balenciaga bị ảnh hưởng bởi nhu cầu suy yếu của người tiêu dùng”.

Doanh thu của Gucci đã giảm 7% xuống còn 2,2 tỷ euro, làm ảnh hưởng đến kết quả tài chính quý 3 của Kering.
Doanh thu của Gucci đã giảm 7% xuống còn 2,2 tỷ euro, làm ảnh hưởng đến kết quả tài chính quý 3 của Kering.

Cùng ngày, doanh số bán hàng của hãng thời trang xa xỉ Hermes được công bố là đã tăng trong quý 3/2023, vượt xa kỳ vọng và các đối thủ khi những khó khăn kinh tế không ngăn được nhóm khách hàng giàu có của hãng này vung tiền mua túi xách Birkin cao cấp. Eric du Halgouet, Phó chủ tịch điều hành mảng tài chính của Hermes, cho biết: “Mặc dù bối cảnh toàn cầu không chắc chắn, triển vọng kinh doanh của chúng tôi vẫn không thay đổi”. Cổ phiếu Hermes tăng 1,5% trong phiên giao dịch giữa buổi sáng 24/10.

Hermes cho biết doanh số bán hàng ở châu Mỹ của hãng tăng 20% trong quý 3 vừa qua, mặc dù mức tăng giá thấp hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Cửa hàng Madison Avenue ở New York, vừa được khai trương vào tháng 10 năm ngoái, cũng đóng góp mạnh mẽ vào kết quả kinh doanh ấn tượng của Hermes. Ở châu Âu, doanh số bán hàng của hãng tăng 18,1% trong quý 3. Ông Du Halgouet nhận thấy không có dấu hiệu nào cho thấy lưu lượng khách du lịch trong khu vực này sẽ chậm lại, kể cả trong những tuần đầu tiên của tháng 10.

Ông Du Halgouet cho biết: “Chúng tôi vẫn rất thận trọng và quan ngại rằng bối cảnh địa chính trị bất ổn có thể ảnh hưởng đến hoạt động du lịch”. Lượng khách đến các cửa hàng Hermes ở Trung Quốc đại lục tiếp tục tăng mạnh, và đặc biệt tăng tốc trong quý 3/2023. Nhà phân tích Luca Solca của Bernstein cho biết: “Đây là một sự phát triển đồng nhất trên tất cả các khu vực địa lý và danh mục sản phẩm của Hermes”. Doanh thu trong ba tháng tính đến cuối tháng 9/2023 của Hermes đạt 3,37 tỷ euro (3,60 tỷ USD), tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái theo tỷ giá hối đoái không đổi.

Lượng khách đến các cửa hàng Hermes ở Trung Quốc đại lục tiếp tục tăng mạnh, và đặc biệt tăng tốc trong quý 3/2023.
Lượng khách đến các cửa hàng Hermes ở Trung Quốc đại lục tiếp tục tăng mạnh, và đặc biệt tăng tốc trong quý 3/2023.

Trước đó, LVMH báo cáo doanh số bán hàng thời trang và đồ da chỉ tăng 9% trong quý 3, hiệu suất khiến giá cổ phiếu của hãng giảm 7%. Doanh số bán Ferragamo giảm 9% trong 9 tháng đầu năm. “Tăng trưởng đang chững lại - sau ba năm bùng nổ - để hướng tới những con số tương đương với mức trung bình trong lịch sử", Giám đốc tài chính LVMH Jean-Jacques Guiony nói với các nhà phân tích trong cuộc họp báo thu nhập của LVMH. “Điều gì xảy ra tiếp theo? Tôi không biết. Không có lý do gì để tin rằng chúng ta sẽ tiếp tục suy giảm, cũng như không có lý do gì để tin rằng chúng ta sẽ quay trở lại mức tăng trưởng 20% mà chúng ta đã đạt được trong khoảng thời gian vừa qua”.

Như vậy, Kering đã hoạt động kém hiệu quả hơn hai đối thủ LVMH và Hermes, và cả ba ông lớn này mới chỉ nhận thấy những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, “hãy coi đây là thời điểm kết thúc thời kỳ bùng nổ của hàng xa xỉ” - Erwan Rambourg, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu bán lẻ và tiêu dùng toàn cầu của HSBC, nói. “Chỉ duy nhất Hermès được hưởng lợi từ tỷ lệ lớn khách hàng trung thành, cao cấp và khả năng tiếp cận nhu cầu khách du lịch ở mức dưới mức trung bình trong ngành. Phần còn lại của ngành hàng xa xỉ cuối cùng cũng bắt kịp thực trạng của nền kinh tế sau vài năm tăng trưởng trên mức trung bình”.

Ông Chauvet từ ngân hàng Citi lưu ý: “Sau thành tích về bán lẻ và tiêu dùng nói chung của Tuần lễ Vàng ở Trung Quốc, mọi con mắt đều đổ dồn vào mùa lễ hội ở Mỹ và Châu Âu – nơi mà áp lực kinh tế vẫn đang tiếp diễn, lạm phát và lãi suất tăng cao cũng như ngân sách tiết kiệm xói mòn, tất cả đều khiến tâm lý người tiêu dùng yếu đi. Thêm vào đó là sự bất ổn gần đây ở Trung Đông và những rủi ro tiềm ẩn đối với dòng khách du lịch vào châu Âu. Tất cả dẫn đến triển vọng nhu cầu trong năm tới là không chắc chắn”.

Có rất nhiều cơ hội mở rộng không gian kinh doanh ở Trung Quốc, đó là điều có thể thúc đẩy sự tăng trưởng trong năm tới.
Có rất nhiều cơ hội mở rộng không gian kinh doanh ở Trung Quốc, đó là điều có thể thúc đẩy sự tăng trưởng trong năm tới.

Mặc dù vậy, vẫn có những phân tích lạc quan. HSBC kỳ vọng mức tăng trưởng 9,3% trong năm tới, được thúc đẩy bởi thị trường Châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản, trong khi Trung Quốc đại lục dự kiến sẽ tăng trưởng 5,5%, Mỹ 7% và Châu Âu chỉ 2%. “Tết Nguyên Đán sẽ là phép thử thực sự để xem liệu người tiêu dùng Trung Quốc có còn ưa thích hàng xa xỉ hay không”, nhà phân tích Rambourg của HSBC vừa trở về sau chuyến đi châu Á, nói. “Không nên đánh giá thấp số lượng dự án khai trương cửa hàng xa xỉ mới sắp ra mắt – Taikoo Li ở Thượng Hải, SKP concept ở Thành Đô, cửa hàng Vuitton và Dior đầu tiên ở Hải Nam… Có rất nhiều cơ hội mở rộng không gian kinh doanh ở Trung Quốc, đó là điều có thể thúc đẩy sự tăng trưởng một chút”.

Trong khi đó, theo bà Joëlle de Montgolfier, Phó Chủ tịch điều hành bán lẻ và hàng xa xỉ tại Bain, kịch bản lạc quan trong năm tới sẽ là mức tăng trưởng 8 - 10%, hoặc 5% trong trường hợp bi quan hơn. Ông Jean Danjou, nhà phân tích hàng xa xỉ tại Oddo, cho rằng “các danh mục xa xỉ cứng như đồ trang sức và đồng hồ sẽ không tăng nhanh bằng các danh mục xa xỉ mềm, bao gồm quần áo, mỹ phẩm và túi xách”.

Hiện các trung tâm thương mại tại Mỹ đã bắt đầu dần điều chỉnh lượng hàng nhập về để đáp ứng nhu cầu suy yếu. “Bất cứ món hàng nào đã từng được yêu thích chỉ vì logo thì hiện đều không bán được”, một người chủ tại một trung tâm mua sắm xa xỉ hàng đầu Bắc Mỹ cho biết. “Một số thương hiệu có số lượng giao dịch giảm 50 - 60% so với năm ngoái. Túi xách tiếp tục tiêu thụ tốt nhưng khách hàng đang tập trung vào những nhãn hiệu "dễ thở" hơn. Các nhà thiết kế cổ điển bao gồm Oscar de la Renta và các nhãn hiệu “xa xỉ thầm lặng” như The Row vẫn đang hoạt động tốt”.