07:00 10/01/2023

Thị trường bất động sản bán lẻ phục hồi tích cực

Thanh Xuân

Theo báo cáo thị trường bất động sản năm 2022 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản bán lẻ đã có một năm phục hồi tích cực...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ tăng so với năm 2021, tỷ lệ lấp đầy mặt bằng kinh doanh tại trung tâm thương mại và siêu thị lớn vượt mức 90%. Đặc biệt, thị trường bán lẻ phát triển mạnh trong quý 4/2022 với nhiều nhà bán lẻ nước ngoài mở rộng thị trường, tăng quy mô cửa hàng tại Việt Nam. Điển hình như Uniqlo khai trương 4 cửa hàng mới ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, còn MUJI khai trương cửa hàng mới tại TP.Hồ Chí Minh...

Bên cạnh đó ở Hà Nội, giá thuê mặt bằng các trung tâm thương mại ngoài trung tâm đạt mức 30 USD/m2/ tháng; tại khu vực trung tâm là hơn 100 USD/m2/tháng. Mặt bằng bán lẻ trong các ngõ cũng tăng mạnh cả về giá thuê và lượng khách tìm thuê. Còn TP.Hồ Chí Minh, giá thuê mặt bằng trung tâm thương mại ngoài trung tâm đạt hơn 40 USD/m2/tháng; giá thuê ở khu vực trung tâm khoảng 130 USD/m2/tháng. Dự kiến, giá thuê sẽ tăng liên tục giữa bối cảnh diện tích mặt bằng hạn chế trong các trung tâm thương mại chất lượng.

Lý giải về những chuyển biến này, Công ty Colliers đã có đánh giá, chính hoạt động du lịch sôi nổi trở lại là một nguyên nhân tác động đến hoạt động bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam. Qua số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2022 khách quốc tế đến nước ta đạt 3.661,2 nghìn lượt người, gấp 23,3 lần so với năm trước. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước.

Với kỳ vọng sự hồi phục nhanh chóng của thị trường bán lẻ thời gian tới, nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước lẫn quốc tế vẫn luôn tìm kiếm các mặt bằng thích hợp tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội để mở rộng hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, địa bàn truyền thống phát triển mạnh về bán lẻ và dịch vụ trên các thị trường lân cận như Hải Phòng, Cần Thơ và các tỉnh khu vực miền Trung cũng thu hút sự quan tâm từ các doanh nghiệp này, điển hình như Trung tâm thương mại Aeon Mall tại TP. Huế, được xác định là công trình mang tính trọng điểm của địa phương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho khu vực.

Mặc dầu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng tiềm năng không đồng nghĩa với thành công cho tất cả. Đối với nhà bán lẻ, gia nhập cuộc chơi và lớn mạnh trên thị trường Việt Nam không hề dễ dàng, đòi hỏi họ phải không ngừng học hỏi để tồn tại, dù đôi khi mỗi phép thử có thể đánh đổi bằng cái giá rất lớn.

Khi phân tích về cách doanh nghiệp nội địa và nước ngoài đang áp dụng chiến lược khác nhau để tăng trưởng, chuyên gia nhận định thị trường bán lẻ Việt Nam có tính cạnh tranh cao và biến động. Điều này thấy được khi các thương hiệu luôn luôn so kè với nhau về giá, phương thức tiếp thị và bán hàng nhằm thu hút khách hàng mới, đồng thời giữ chân khách hàng hiện hữu. Thị trường cũng phụ thuộc nhiều yếu tố từ ngắn hạn như: chi phí tăng, nhu cầu tiêu dùng thay đổi, đến dài hạn như: uy tín, độ phủ của nhà bán lẻ, khẩu vị mua sắm giữa các thế hệ.

Ngoài ra, áp lực thay đổi hay bị đào thải càng cao hơn khi việc mở rộng bị hạn chế bởi giá đất, giá thuê mặt bằng và khan hiếm quỹ đất lớn, nhất là ở hai đại đô thị TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Do đó, việc phát triển các mô hình bán lẻ quy mô khác nhau (trung tâm thương mại, đại siêu thị) tại các thành phố này không dễ dàng. Dưới góc nhìn tích cực, những thách thức đó vô hình chung giúp Việt Nam trở thành một trong số thị trường bán lẻ năng động nhất châu Á khi nhìn lại chiến lược mở rộng thú vị vào năm 2022.

Cụ thể, mô hình nhượng quyền (franchise) được xem là cách ưu việt mà các thương hiệu cửa hàng tiện lợi áp dụng để nhân rộng số lượng cửa hàng. Lợi thế của chiến lược này là chi phí đầu tư vừa sức, tính linh hoạt cao. Mặt khác, đa dạng hóa danh mục sản phẩm và tối ưu hệ sinh thái bán lẻ sẵn có cũng là cách doanh nghiệp bắt tay với nhau để tăng độ phủ thương hiệu. Bên cạnh sự sôi động của khối nội, các ông lớn nước ngoài tham vọng không kém, dù dưới vai trò khách thuê - nhà phát triển/chủ đất hay bên bán - bên mua, nhưng việc tìm đối tác có thế mạnh phù hợp đang là một chiến lược mở rộng khôn ngoan và có tầm nhìn dài hạn.