Thị trường cần bộ quy tắc ứng xử trong thu hồi nợ
Trong khi dư nợ cho vay tiêu dùng sụt giảm, có ngân hàng giảm mạnh 40% song nợ xấu vẫn “leo dốc”, đặc biệt tại nhiều công ty tài chính tiêu dùng. Để gỡ nút thắt trong việc xử lý, thu hồi nợ, nhiều đề xuất được đưa ra về việc mở hành lang pháp lý cho phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ, tạo thuận lợi hơn khi mua bán nợ hay thành lập hệ thống chấm điểm tín dụng công dân...
Chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao tính lành mạnh và hiệu quả của cho vay tiêu dùng và quy định, thực tiễn thu hồi nợ” tổ chức tuần qua, ông Nguyễn Hồng Quân, Thành viên Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng, đồng thời là Phó Tổng giám đốc TPBank, cho biết trong nhiều năm qua chưa bao giờ chứng kiến tín dụng toàn hệ thống thấp như quý 1/2024, kể cả những năm Covid - 19.
Trong khi tín dụng chung bắt đầu tăng trở lại vào tháng 4 thì tín dụng tiêu dùng chưa có tín hiệu tăng trở lại, thậm chí còn giảm khoảng 70.000 tỷ đồng trong quý đầu năm.
CHO VAY SỤT GIẢM NHƯNG NỢ XẤU VẪN TĂNG
Dẫn chứng thực tế từ hoạt động của TPBank, ông Quân cho biết dư nợ cho vay tiêu dùng tại TPBank sụt giảm khá lớn, khoảng 40% so với cuối năm ngoái.
“Trong bối cảnh nhiều diễn biến căng thẳng trên thế giới, gần đây nhất là xung đột lan rộng tại Trung Đông đã ảnh hưởng đến tâm lý của người dân. Khi tâm lý bất ổn, người dân sẽ không chi tiêu, không vay mà đổ tiền vào các tài sản trú ẩn”, ông Quân nói.
Phó Tổng giám đốc TPBank khẳng định tín dụng tiêu dùng là một động lực giúp phục hồi nền kinh tế và vốn mồi cho tín dụng ở lĩnh vực khác. Tín dụng tiêu dùng còn là phương tiện cần thiết để thực hiện chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030, bởi chỉ có hình thức cho vay tín chấp này mới có thể len lỏi tới vùng sâu, vùng xa.
Ở khía cạnh khác, tín dụng tiêu dùng bằng các kênh chính thống ở các ngân hàng thương mại cũng như các công ty tài chính tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm cho vay tín dụng “đen”.
Với tầm quan trọng như vậy nhưng việc tín dụng tiêu dùng đang tăng trưởng thụt lùi, có phải thị trường bão hòa hay gặp nhiều vướng mắc khó tăng trưởng?
Về vấn đề này, lãnh đạo TPBank cho rằng tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam tương ứng 25-27% GDP, nếu so với các nước khu vực như Hàn Quốc, tỷ lệ này là 50-70%. Rõ ràng, dư địa phát triển tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam là rất lớn. Một điểm đáng lưu ý là dù tín dụng cho vay tiêu dùng tăng trưởng âm nhưng nợ xấu lại tăng.
Theo số liệu của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cuối năm 2023, tín dụng cho vay đời sống phục vụ tiêu dùng đạt 3,8% và đến nay nhích lên hơn 4%. Riêng nợ xấu tại các công ty tài chính dù giảm nhẹ từ mức 15% cuối năm 2023 đến nay chỉ còn khoảng 14,63% nhưng vẫn ở mức đáng báo động.
Nêu bốn vướng mắc, khó khăn, liên quan đến hoạt động thu hồi nợ, ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), chỉ rõ một là, sự khó khăn của nền kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trả nợ trên thực tế của nhóm khách hàng mục tiêu.
Hai là, tình trạng khó thu hồi nợ do khoản vay phát sinh từ giả mạo, lừa đảo.
Thời gian qua, xuất hiện tình trạng tội phạm công nghệ cao có hành vi gian lận, giả mạo, lừa đảo để trục lợi từ hoạt động cấp tín dụng của công ty tài chính cũng như chiếm đoạn tài sản. Bên cạnh đó, xuất hiện trường hợp đối tượng thu thập trái phép thông tin, hình ảnh, video clip, giấy tờ tùy thân của khách hàng để giả mạo các khoản vay tại các công ty tài chính.
Vì phát sinh từ mục đích gian lận, giả mạo và lừa đảo, nên khoản vay được cấp không xuất phát từ nhu cầu vay và sử dụng vốn vay trên thực tế, kéo theo khó khăn trong việc xử lý các khoản vay trên thực tế.
Ba là, khách hàng cố tình không trả nợ.
Một số thủ đoạn đang được các đối tượng chia sẻ như: (i) điền những thông tin “ảo” về email, địa chỉ và số điện thoại công ty nơi làm việc; (ii) cố tình thay đổi thông tin liên hệ, nơi sinh sống và nơi làm việc sau giải ngân. Những thủ đoạn nói trên trực tiếp gây khó khăn trong việc đánh giá khách hàng, nhắc nợ và thu hồi nợ.
Bốn là, khó khăn từ chính sách và ảnh hưởng tiêu cực của truyền thông. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng nêu rõ Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực từ đầu năm 2021 cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, trong khi đây thật sự là một nhu cầu thiết yếu đối với việc quản trị hiệu quả khoản vay trong bất cứ giao dịch cho vay nào.
“Việc thiếu phương thức thu hồi nợ thông qua các tổ chức chuyên nghiệp ảnh hưởng đến hiệu quả thu hồi nợ của các công ty tài chính trên thực tế”, ông Ninh nêu rõ bất cập.
KINH NGHIỆM THU HỒI NỢ QUỐC TẾ
Trước những khó khăn trong công tác thu hồi nợ cho vay tiêu dùng, nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng khung khổ pháp lý để hoạt động thu hồi nợ được thực hiện thuận lợi, hiệu quả hơn. Trong đó, việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động thu hồi nợ là điều cần thiết.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Moon Youngson, đại diện Ban vận động thành lập Hiệp hội Kinh doanh mua bán nợ, CEO Công ty TNHH Mua Bán nợ Welcome (Hàn Quốc), cho rằng khi tỷ trọng cho vay tín dụng đối với cá nhân ngày càng tăng, hoạt động thu hồi nợ cũng tăng lên một cách tự nhiên và bây giờ là lúc phải suy nghĩ nghiêm túc về cách kiểm soát nợ một cách hiệu quả, thay vì nhắm mắt làm ngơ. Trong thời gian ngắn, công ty mua được 8 gói nợ tương đương 2.100 tỷ đồng từ ba tổ chức tín dụng và hình thành bộ phận thu hồi nội bộ thuộc sự quản lý trực tiếp của công ty.
Theo ông Moon Youngso, công ty mua bán nợ giúp tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, giảm gánh nặng về̀ vốn, cân bằng tỷ lệ nợ xấu. Công ty tham gia vào giai đoạn cuối của hệ sinh thái tài chính và huy động nguồn vốn từ nước ngoài vào thị trường nợ xấu tại Việt Nam...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 17-2024 phát hành ngày 22/04/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam