Thị trường đột ngột lao dốc, thanh khoản tăng cao, khối ngoại xả lớn
Chứng khoán Mỹ quay đầu lao dốc nặng đêm qua khi các chỉ số đồng loạt kiểm định đỉnh cao cũ đã khiến thị trường trong nước “cụt hứng” sáng nay. Cổ phiếu giảm giá đồng loạt trong đó nhiều blue-chips giảm sâu khiến VN-Index bốc hơi 1,01% (-12,91 điểm). Dòng tiền bắt đáy hoạt động khá tích cực ở vùng giá thấp giúp thanh khoản tăng nhưng chưa kéo được giá lên bao nhiêu...
Chứng khoán Mỹ quay đầu lao dốc nặng đêm qua khi các chỉ số đồng loạt kiểm định đỉnh cao cũ đã khiến thị trường trong nước “cụt hứng” sáng nay. Cổ phiếu giảm giá đồng loạt trong đó nhiều blue-chips giảm sâu khiến VN-Index bốc hơi 1,01% (-12,91 điểm). Dòng tiền bắt đáy hoạt động khá tích cực ở vùng giá thấp giúp thanh khoản tăng nhưng chưa kéo được giá lên bao nhiêu.
Mặc dù trước và trong kỳ nghỉ lễ dài, kỳ vọng thị trường đột phá đỉnh 1300 điểm vẫn được đánh giá cao hơn, nhưng diễn biến trong phiên đầu tháng 9 lại cho thấy tâm lý vẫn chưa ổn định. VN-Index mở cửa đã giảm 1,19% và kết phiên sáng vẫn giảm 1,01%. Thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE tăng vọt 45% so với phiên cuối tuần trước và lên mức cao nhất trong 3 phiên sáng trở lại đây. Cùng với đó độ rộng chỉ còn 60 mã tăng/342 mã giảm.
Chỉ riêng hai yếu tố thanh khoản và độ rộng cũng cho thấy bên bán hoàn toàn áp đảo. Không có thông tin bất lợi nào đột ngột xuất hiện cả, chỉ có diễn biến của chứng khoán thế giới có phần tiêu cực, khi các chỉ số chứng khoán Mỹ không thể hiện được khả năng bùng nổ vượt đỉnh mà quay đầu giảm mạnh. Trong nước dòng tiền vào tuần trước rất thấp, phần nhiều được cho là do tâm lý chờ đợi kỳ nghỉ lễ, nhưng cũng cho thấy nhà đầu tư cầm tiền chờ đợi tín hiệu bùng nổ mới nhập cuộc.
Mức giảm điểm của chỉ số sáng nay có thể đã sâu hơn nếu không có diễn biến phục hồi của một vài trụ. VHM ban đầu giảm tới 1,2% so với tham chiếu, nhưng sau đó phục hồi mạnh 2,56% để vượt tham chiếu 1,33% lúc chốt phiên. GAS cũng quay đầu phục hồi 1,09% để tăng ngược 0,6% so với tham chiếu. BID phục hồi 1,87% thành tăng 0,31%. VNM phục hồi 1,5% thành tăng 0,41%. Đây là 4 trụ duy nhất xanh được, kéo lại 1,4 điểm cho VN-Index.
Dù vậy phía giảm quá áp đảo. Rổ VN30 đến cuối phiên chỉ có 4 mã tăng nhưng tới 25 mã giảm, trong đó 23 mã giảm quá 1%. Trong top 10 vốn hóa, có VCB giảm 1,2%, FPT giảm 2,08%, CTG giảm 1,57%, VIC giảm 1,13%, TCB giảm 1,71% và HPG giảm 1,18%. Xét về biên độ giảm, GVR rơi thảm nhất, mất 2,97%, SSB giảm 2,6%, HDB giảm 2,53%, PLX giảm 2,26%. Chỉ số VN30-Index kết phiên sáng giảm 1,3%, mạnh nhất trong số các chỉ số nhóm vốn hóa.
Độ rộng toàn thị trường xác nhận áp lực giảm rất mạnh. Số lượng mã đỏ không chỉ gấp gần 6 lần số xanh mà trong đó hơn 47% ghi nhận mức giảm tới hơn 1%, tập trung xấp xỉ 69% tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE. Nhiều mã xuất hiện thanh khoản rất cao như FPT, HPG, MSN, SSI, TCB, MWG, VPB… Có thể thấy nhóm cổ phiếu blue-chips một lần nữa chịu áp lực bán nổi bật, cũng tương tự các lần VN-Index thất bại khi cố gắng vượt đỉnh 1300 điểm.
Trong số tăng, 60 cổ phiếu còn xanh chỉ vào mã thật sự được dòng tiền nâng đỡ rõ rệt. Ngoài VHM, có thể kể tới HHV tăng 2,13% thanh khoản 55,5 tỷ đồng; DGC tăng 1,32% với 322,1 tỷ; IMP tăng 6,61% với 23,9 tỷ, số còn lại thanh khoản quá nhỏ hoặc giá tăng không đáng kể.
Diễn biến giảm giá đột ngột cũng dẫn tới hoạt động bắt đáy năng động hơn. Đây là một phần giúp đẩy thanh khoản sáng nay lên cao, vì nếu không có cầu đỡ phía dưới, áp lực bán lớn sẽ có đẩy biên độ giảm giá rộng hơn nữa. Tuy nhiên nhu cầu bắt đáy đang khá thụ động chờ giá, biểu hiện ra là khả năng kéo giá phục hồi kém. Chưa tới một phần ba (31,6%) tổng số cổ phiếu có phát sinh giao dịch ở HoSE đạt biên độ phục hồi hơn 1% so với mức thấp nhất. Ngoài ra chỉ khoảng 30 mã trong nhóm này phục hồi được vượt tham chiếu.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay cũng bất ngờ tăng vọt quy mô bán trên sàn HoSE lên 1.311 tỷ đồng, mức cao nhất 8 phiên. Bên mua khá thấp với 729,3 tỷ đồng, tương ứng bán ròng hơn 582 tỷ. Không có cổ phiếu nào bị bán tập trung mà khối này xả dàn trải ở rất nhiều mã. Lớn nhất là DGC -103 tỷ, tiếp đó là HPG -76,9 tỷ, MSN -52 tỷ, FPT -48 tỷ, HSG -40,5 tỷ, MWG -34,2 tỷ, VPB -28,2 tỷ. Bên mua có VNM +32,8 tỷ là nhiều nhất. Tính riêng rổ VN30 bị khối ngoại bán ròng 340,4 tỷ đồng.