15:45 08/02/2021

Thị trường lại "lật mặt", nội ngoại cùng tháo chạy

Kim Phong

Tình thế bất ngờ xoay như chong chóng, khi mới tuần trước nhà đầu tư hể hả với lãi khủng thì hôm nay lại ngơ ngác khi VN-Index bốc hơi gần 3,9%

Mức giảm hôm nay tương đương với cú sốc tuần cuối tháng 1 vừa qua. Thị trường liên tục xảy ra những phiên biến động cực mạnh và diễn biến trái chiều so với dự đoán của nhiều công ty chứng khoán.

Sau phiên tích cực cuối tuần trước, Vn-Index quay đầu đi xuống vào phiên hôm nay. Ngay từ đầu phiên, chỉ số đã giao dịch dưới tham chiếu và liên tục bị đánh xuống dưới mức này. Thanh khoản hôm nay đột ngột tăng mạnh ngay từ lúc mở màn với đà bán áp đảo 

Ban đầu đà bán vẫn chưa lan rộng đến tất cả các cổ phiếu trong ngành song những cổ phiếu vốn hóa lớn đều bị ảnh hưởng với mức giảm từ đầu phiên khá mạnh như VCB (-2,3%), VIC (-1,4%), vhm (1,31%) , VRE (-3%), VNM (-2%). 

Ngược chiều thị trường, nhóm chứng khoán vẫn tích cực khi số lượng chứng khoán tăng vẫn là chủ đạo, chỉ có một số mã nhỏ sụt giảm như APG, APS, WSS trong khi các mã đầu ngành vẫn tăng tốt.

Lực bán càng lúc càng tăng đưa chỉ số VN30 giảm trên 4%, vượt quá mức giảm của Vn-Index. Loạt cổ phiếu vốn hóa lớn đều giảm giá mạnh. Sắc đỏ loang rộng trên cả hai sàn. 

Đang lúc đà bán dâng cao, sàn HSX bỗng đứt mạch gần 20 phút cho thấy khả năng hệ thống bị nghẽn do lệnh dồn quá nhiều. Sau khi khởi động lại, chỉ số rơi một nhịp thẳng đứng mất 24 điểm, kéo thị trường bay hơn 51 điểm. 

Kỳ lạ hơn, chỉ số nhanh chóng lấy lại hơn 15 điểm chỉ sau vài phút nhờ lực mua đỡ giá trở lại đưa VN-Index không giảm quá sâu trong phiên sáng. Tuy vậy, chỉ số cũng mất 34,2 điểm (-3,03%) về 1.092,71 điểm. Riêng VN30 giảm 3,03%. 

Thị trường lại "lật mặt", nội ngoại cùng tháo chạy - Ảnh 1.

Diễn biến Vn-Index hôm nay

Tới phiên chiều, tình trạng nghẽn hệ thống lại tiếp diễn về giữa phiên trong bối cảnh đà bán tiếp tục tăng mạnh, lượng cổ phiếu giảm gia tăng trên cả hai sàn. 

Phần nhiều lượng hàng giá rẻ ban sáng đã được hấp thụ ở cuối phiên sáng. tới phiên chiều, dòng tiền kéo xả thị trường liên tục, diễn biến tiêu cực trở lại khi loạt mã lớn tiếp tục rớt giá sâu hơn. Phải đến 17/30 mã trong VN30 có nhịp giảm kịch sàn, dù kết thúc phiên nhiều mã vẫn kéo lại được sắc xanh như PDR, REE và SBT. 

Đáy của nhiều mã lớn hôm nay thậm chí còn thấp hơn mức sàn ở phiên giao dịch ngày 28/1 vừa qua như VRE, TCH, KDH… Có thể nói, nếu để đến phiên hôm nay, thành quả bắt đáy phiên 28-29/1 đều đã mất trắng. 

Trong khi đó, ở chiều khối ngoại, khối này cũng "quay xe" với một phiên bán ròng mạnh. Danh mục xả của khối ngoại hôm nay đều là những cổ phiếu trụ như HPG, VRE, MBB, CTG, VHM, SSI, VNM, VCB, HCM, NVL với khối lượng lớn trên 1 triệu đơn vị. HPG bị bán mạnh nhất với 6,7 triệu đơn vị tương đương 271 tỷ đồng. 

Trên HSX, khối ngoại bán ròng hơn 1.423 tỷ đồng, đây là phiên bán ròng mạnh nhất kể từ hồi tháng 5/2020 đến nay. Ngược lại, khối này lại tiếp tục mua ròng trên HNX với 21,2 tỷ đồng, tập trung vào NVB và đánh dấu phiên thứ 4 mua ròng liên tiếp. 

Chốt phiên ngày 8/2, Vn-Index giảm 43,73 điểm tương ứng -3,88% về 1.083,18 điểm. Mức khớp lệnh trên sàn đạt 15.224,26 tỷ đồng trong đó riêng trong phiên ATC chỉ khớp 7 tỷ đồng, khớp lệnh riêng trong phiên sáng đã đạt 11.032 tỷ. Tổng giá trị khớp lệnh trên cả 2 sàn đạt hơn 17.102 tỷ đồng. 

Tưởng chừng như giao dịch trong 2 phiên cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết sẽ khá cầm chừng với thanh khoản thấp nhưng diễn biến thị trường cho thấy đang đi ngược lại với dự báo chung của các công ty chứng khoán.

Dù thông tin về Covid có chiều hướng tiêu cực hơn song đây dường như không phải là lý do đủ thuyết phục để thị trường có một phiên bán mạnh như hôm nay. Một số thông tin cho rằng nhà đầu tư đang phản ứng với thông tin Thông tư 120 có hiệu lực từ ngày 15/2 (tức trước phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán), Thông tư này được xem là cơ sở cho việc đưa vào bán khống và giao dịch T0 thời gian tới. 

Trong khi nói đến việc giao dịch T0, sau phiên nghẽn lệnh liên tục hôm nay, nhiều nhà đầu tư tỏ ra nghi ngại về năng lực của hệ thống sàn sở khó có thể đáp ứng được khối lượng và tần suất giao dịch nếu T0 được áp dụng.