Thị trường nội thất Việt nhiều tiềm năng
Trên nền tảng chuỗi cung ứng của ngành, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đãchủ động nâng cao năng lực để khai thác tốt hơn các giá trị. Trong đó, khâu thiết kế vốn là điểm yếutrong nhiều năm liền thì nay đã được chú trọng đầu tư...
Tổ chức Mordor Intelligence nhận định, quy mô thị trường nội thất Việt Nam ước tính đạt 1,47 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 1,92 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 5,33% trong giai đoạn dự báo (2024-2029). Còn theo Statista, chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường nội thất là phân khúc nội thất phòng khách, dự kiến đạt quy mô thị trường 462,90 triệu USD vào năm 2024.
“SÂN CHƠI” THIẾT KẾ RỘNG MỞ
Thực tế, sự phát triển của thương mại điện tử đã thay đổi lớn cách người tiêu dùng Việt Nam mua sắm, bao gồm cả nội thất. Các nền tảng trực tuyến giờ đây cung cấp rất nhiều sản phẩm nội thất, với giá cả cạnh tranh và tùy chọn giao hàng tiện lợi. Với sự gia tăng của việc sử dụng internet và điện thoại thông minh, ngày càng nhiều khách hàng chọn mua nội thất trực tuyến. Các nhà bán lẻ nội thất cũng đang đầu tư vào sự hiện diện online và mở rộng sang các sàn thương mại điện tử để đáp ứng nhu cầu đang tăng trưởng mạnh của người tiêu dùng Việt.
Tại “sân chơi” quốc tế, tháng 4/2024, gian hàng Vietnam Pavilion tại Milan Design Week đã tuyển chọn và trưng bày các sản phẩm nội thất gỗ và mỹ nghệ đặc sắc từ 35 doanh nghiệp Việt Nam. Mang đầy màu sắc văn hóa, các mặt hàng được giới thiệu đã nêu bật sự sáng tạo trên nền các vật liệu tự nhiên cùng thông điệp bền vững. Tiếp đó, tháng 9/2024, khoảng 15 doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ ngoại thất, đồ gỗ và mỹ nghệ sân vườn (Source Garden) diễn ra tại Vương quốc Anh, thu hút rất đông khách ngay ngày đầu tiên của hội chợ.
Tham gia triển lãm tại Milan, ông Nguyễn Văn Duy, Giám đốc Kinh doanh Landco Corporation, cho biết gian hàng Việt Nam quy tụ những sản phẩm đạt giải thưởng cao từ Giải thưởng thiết kế Đồ gỗ Hoa Mai 2023 - 2024, các bộ sưu tập nội thất được tuyển chọn cùng với những sản phẩm mỹ nghệ được làm thủ công từ bàn tay của những nghệ nhân Việt Nam. Đại diện thương hiệu GOA cũng cho biết, gian hàng Việt Nam không chỉ mang lại trải nghiệm hưởng thụ sang trọng hiện đại mà còn kết nối tới tương lai thông qua tác động tích cực giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ nghề thủ công và bản sắc dân tộc...
Dù vậy, theo PGS.TS. TKS Vũ Hồng Cương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nội thất Việt Nam, thị trường trong nước đến nay vẫn vắng bóng thiết kế lẫn thương hiệu nội địa lớn, để lại dấu ấn riêng, dù tiềm năng cao. Phân khúc sản phẩm cao cấp chủ yếu vẫn đang nhập khẩu từ châu Âu. Nhóm đồ nội thất trung và bình dân vẫn loay hoay giữa việc đáp ứng nguồn cung và phong cách. “Chúng tôi rất muốn tiến tới xây dựng một phong cách nội thất mang đậm bản sắc Việt Nam, thứ mà hiện tại còn khá mờ nhạt. Chính vì tính thẩm mỹ của sản phẩm nội địa chưa cao, nên thị hiếu thích hàng nhập khẩu vẫn còn lớn đối với người tiêu dùng”, ông Cương nhấn mạnh.
Mới đây, Hội Nội thất Việt Nam cũng đã chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội Thiết kế nội thất châu Á - Thái Bình Dương, thiết lập nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai đơn vị. Đặt ra những lộ trình rất rõ ràng, nhận được sự hỗ trợ đồng hành của các hội nội thất nước bạn và Hiệp hội Thiết kế nội thất châu Á - Thái Bình Dương, Hội Nội thất Việt Nam hướng tới chuẩn hóa, nâng cao chất lượng ngành, tương lai trở thành một trong những ngành nghề hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả.
Theo tính toán của các Hiệp hội ngành gỗ, chỉ riêng đồ gỗ nội thất, nhu cầu tiêu thụ bình quân ở Việt Nam là trên 20 USD/người/năm. Dù vậy, thị trường không chỉ có sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, mà còn phải đối đầu với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, vốn có lợi thế về giá cả, mẫu mã, chất lượng, dịch vụ...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 44-2024 phát hành ngày 28/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam