08:23 27/07/2024

Giải pháp nào để “xanh hóa” nhà phố diện tích nhỏ?

Lưu Hà

Khi nhà ở đô thị trở nên đắt đỏ và khan hiếm hơn bao giờ hết, diện tích nhà ở bình quân đầu người ngày càng thu hẹp. Không gian nhỏ gọn, linh hoạt trở thành một thách thức với các kiến trúc sư trong thời đại mọi gia chủ đều ưu tiên tính bền vững…

Ảnh: Archdaily
Ảnh: Archdaily

Nhu cầu nhà ở gia tăng đã tạo nên áp lực đối với môi trường sống của con người. Đây chính là lúc các kiến trúc sư kiến tạo nên các công trình thiết thực mang nhiều ý nghĩa, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đời sống hiện nay. Đầu tiên là việc cải tiến và tìm kiếm giải pháp nhằm giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu thay vì việc tạo ra các sản phẩm chỉ có hình thức đẹp hay tiện lợi. Hay nói cách khác, các kiến trúc sư cần mạnh dạn bước những bước đi xa hơn việc thẩm mỹ đơn thuần.

MAISON KN GIỮA TRUNG TÂM HÀ NỘI

Maison KN là một ngôi nhà riêng biệt nằm trên mảnh đất rộng 69 m² ẩn mình giữa trung tâm Hà Nội, nơi có mật độ xây dựng đô thị dày đặc. Khu vực này đã trải qua quá trình tái thiết nhanh chóng sau chiến tranh, dẫn đến các con hẻm và lối đi chật hẹp, thường thiếu ánh sáng tự nhiên và thông gió đầy đủ.

Được ủy quyền thiết kế lại công trình, các kiến trúc sư của Nghia-Architect bắt đầu từ việc điều chỉnh lại một không gian sống nhằm giảm thiểu những hạn chế của khu dân cư. Ngoài ra, nhu cầu làm việc từ xa của gia chủ đòi hỏi phải sắp xếp cuộc sống ở mức bán tự chủ, gắn bó với gia đình nhưng không hoàn toàn sống chung, đảm bảo mức độ riêng tư. Vì vậy, ngôi nhà được lên ý tưởng như một nơi ở ổn định trong tương lai cho hai gia đình nhỏ riêng của hai anh em ruột.

Giải pháp nào để “xanh hóa” nhà phố diện tích nhỏ? - Ảnh 1
Giải pháp nào để “xanh hóa” nhà phố diện tích nhỏ? - Ảnh 2
 
Giải pháp nào để “xanh hóa” nhà phố diện tích nhỏ? - Ảnh 3
Giải pháp nào để “xanh hóa” nhà phố diện tích nhỏ? - Ảnh 4
 
Giải pháp nào để “xanh hóa” nhà phố diện tích nhỏ? - Ảnh 5
Giải pháp nào để “xanh hóa” nhà phố diện tích nhỏ? - Ảnh 6
 

Gia chủ nêu yêu cầu về một nơi cư trú khép kín, hướng nội, nhưng vẫn đảm bảo sự cởi mở với thiên nhiên và cảm giác thư giãn thoải mái. Vì thế, các kiến trúc sư hướng tới mục tiêu mọi khía cạnh của cuộc sống, làm việc và giải trí đều được tích hợp một cách chu đáo. Hơn nữa, không gian sân vườn ngoài trời được tối đa hóa để hoạt động như một khu bảo tồn sinh thái có khả năng trồng nhiều loại cây xanh khác nhau trong môi trường vi khí hậu độc đáo - một ước muốn xa xỉ trong bối cảnh đô thị của khu vực.

Sau khi hoàn thiện, Maison KN có bản sắc rất rõ ràng từ bên ngoài mặt tiền. Ý tưởng được hình thành từ việc xác định khu vực xung quanh khi nhìn từ trên cao. Nơi mà sự hỗn loạn được tạo ra bởi các đường viền phi tuyến tính của các mái nhà xung quanh, sự ngẫu nhiên này được “phản ánh” bởi các mảng trống và mảng cứng ngẫu nhiên trên mặt tiền của tòa nhà. Từ bên trong, mặt tiền này tạo ra các khung hình khác nhau tùy theo độ cao của mỗi tầng.

Điểm nhấn đặc biệt của không gian nội thất nằm ở sân vườn trên tầng 3, là không gian kết nối bên trong với bên ngoài, đồng thời cũng là không gian đệm đảm bảo thông thoáng nhưng vẫn riêng tư với những ngôi nhà đối diện. Theo nghĩa này, khu vườn nhằm mục đích tạo ra một lối đi nổi trong không gian, kết nối hai tầng của ngôi nhà. Các kiến trúc sư sử dụng khung thép nhưng tạo hình bằng những đường nét mềm mại, uyển chuyển, giống như một dải lụa mỏng. Thép và lưới đục lỗ được chọn để tạo độ trong suốt, khiến mọi thứ có cảm giác nhẹ nhàng hơn nhiều.

Giải pháp nào để “xanh hóa” nhà phố diện tích nhỏ? - Ảnh 7
Giải pháp nào để “xanh hóa” nhà phố diện tích nhỏ? - Ảnh 8
 
Giải pháp nào để “xanh hóa” nhà phố diện tích nhỏ? - Ảnh 9
Giải pháp nào để “xanh hóa” nhà phố diện tích nhỏ? - Ảnh 10
 
Giải pháp nào để “xanh hóa” nhà phố diện tích nhỏ? - Ảnh 11
Giải pháp nào để “xanh hóa” nhà phố diện tích nhỏ? - Ảnh 12
 

Thiết kế này mang đến trải nghiệm độc đáo trong không gian nội thất, nơi lối đi lưu thông đồng thời mang nhiều ánh sáng tự nhiên nhất có thể vào khu vườn và xuyên sâu bên dưới, nơi ánh sáng tự nhiên vốn khó tiếp cận từ mặt tiền hẹp của ngôi nhà. Ngôi nhà còn là một không gian xanh và bền vững khi tận dụng tối ưu ánh sáng và thông gió tự nhiên, nước mưa được thu gom và sử dụng để tưới tắm cho cây cối. Hệ thực vật được sinh trưởng và phát triển dựa trên hệ sinh học tuần hoàn, phân hữu cơ được sử dụng hoàn toàn từ thảm thực vật chết hiện có, tạo nên một hệ sinh thái mini ngay trong nhà.

"NHÀ ĐÈN LỒNG" TRONG HẺM TẠI ĐÀ NẴNG

Lantern House nằm trên một khu đất nhỏ 64 m², có trần cao, cửa gỗ lớn và gạch chuyên dụng, lọt thỏm trong một khu dân cư tại Đà Nẵng. Gia chủ là một gia đình ba người mong muốn một không gian sống tối giản, mộc mạc, ấm cúng, ởi mở. Các kiến trúc sư từ Ho Khue Architects cũng được yêu cầu tạo ra một không gian sống có nhiều ánh sáng, có chút ít sân vườn và lưu thông không khí. Ngoài ra, gia đình cần 3 phòng ngủ, một phòng làm việc và những không gian sinh hoạt khác.

Lô đất rộng 64 mét vuông này nằm giữa hai con hẻm nhỏ góc cạnh trong một khu vực dân cư cực kỳ đông đúc. Nhưng sau khi hoàn thiện, ngôi nhà hiện lên như một chiếc đèn lồng được thắp sáng tuyệt đẹp từ mọi phía. Đó là nhờ những ứng dụng thiết kế tuyệt vời đã trở thành giải pháp cho những vấn đề thường được cho là không thể thực hiện được.

Giải pháp nào để “xanh hóa” nhà phố diện tích nhỏ? - Ảnh 13
Giải pháp nào để “xanh hóa” nhà phố diện tích nhỏ? - Ảnh 14
 
Giải pháp nào để “xanh hóa” nhà phố diện tích nhỏ? - Ảnh 15
Giải pháp nào để “xanh hóa” nhà phố diện tích nhỏ? - Ảnh 16
 
Giải pháp nào để “xanh hóa” nhà phố diện tích nhỏ? - Ảnh 17
Giải pháp nào để “xanh hóa” nhà phố diện tích nhỏ? - Ảnh 18
 

Để làm mát ngôi nhà một cách tự nhiên và tạo ra ánh sáng và bóng tối khuếch tán, các bức tường gạch của ngôi nhà được tạo ra bằng cách để lại những khoảng không gian so le, góc cạnh. Một số bức tường đôi khi to và thẳng, trong khi những bức tường khác tạo thành các góc nhỏ, khiến ánh sáng và cấu trúc trở nên thú vị. Không gian sẽ thông gió, nhưng mưa không lọt vào nhà.

Bên cạnh đó còn có 17 cánh cửa gỗ ngoại cỡ lớn, nhiều cửa có hình tròn. Những cánh cửa và những bức tường góc cạnh cùng với hai cầu thang xếp chồng lên nhau song song, đã khiến ngôi nhà trở nên đặc biệt. Giếng trời khổng lồ trên mái nhà, có thể nhìn thấy từ tầng trệt, cho ánh sáng vào ban ngày trong khi ánh sáng màu cam tạo ra “hiệu ứng đèn lồng” vào ban đêm.

Ngôi nhà ba tầng nhỏ gọn được thiết kế tuyệt vời để đáp ứng mọi chức năng thiết yếu, cộng thêm phòng thờ và sân phơi. Các khu vực sinh hoạt, nấu ăn và ăn uống được tích hợp thành một không gian đa chức năng, đóng vai trò là khu vực chung chính cho gia đình. Ở mặt tiền, việc các kiến trúc sư sử dụng gạch nung có lỗ khiến các khu vực chức năng giống như được lắp cửa chớp, cho phép những làn gió mát từ ngõ tràn vào nhà đồng thời tạo sự riêng tư. Theo thời gian, những khoảng trống này sẽ cung cấp một môi trường lý tưởng cho cây leo, bổ sung thêm yếu tố xanh tự nhiên cho ngôi nhà.

Giải pháp nào để “xanh hóa” nhà phố diện tích nhỏ? - Ảnh 19
Giải pháp nào để “xanh hóa” nhà phố diện tích nhỏ? - Ảnh 20
 
Giải pháp nào để “xanh hóa” nhà phố diện tích nhỏ? - Ảnh 21
Giải pháp nào để “xanh hóa” nhà phố diện tích nhỏ? - Ảnh 22
 
Giải pháp nào để “xanh hóa” nhà phố diện tích nhỏ? - Ảnh 23
Giải pháp nào để “xanh hóa” nhà phố diện tích nhỏ? - Ảnh 24
 

Mặc dù có vị trí khiêm tốn và diện tích nhỏ, Lantern House được thiết kế để phục vụ mọi nhu cầu của một gia đình và ưu tiên sự bền vững. Dự án này mong muốn thách thức những nhận thức thông thường và thu hút sự chú ý đến những không gian đô thị nhỏ hẹp thường bị cho là khó có thể biến tấu hay sáng tạo. Bằng ngôn ngữ thiết kế tỉ mỉ, ngôi nhà, thể hiện tiềm năng xây dựng một cuộc sống thư thái hòa hợp với thiên nhiên ngay trong thành phố.