Thị trường phân hóa, cổ phiếu lớn “ép” VN-Index đỏ
Độ rộng khá tích cực là điểm sáng nhất trong phiên hôm nay, dù càng về cuối phiên VN-Index càng trượt xuống sâu. Tác động mạnh của các cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB không khiến thị trường quá lo lắng. Dù vậy thanh khoản quá yếu là một vấn đề, thể hiện sự do dự của nhà đầu tư...
Độ rộng khá tích cực là điểm sáng nhất trong phiên hôm nay, dù càng về cuối phiên VN-Index càng trượt xuống sâu. Tác động mạnh của các cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB không khiến thị trường quá lo lắng. Dù vậy thanh khoản quá yếu là một vấn đề, thể hiện sự do dự của nhà đầu tư.
Đỉnh cao nhất VN-Index khoảng gần 10h, tăng 0,26% so với tham chiếu trước khi trượt dốc toàn thời gian còn lại. Chốt phiên sáng chỉ số giảm 1,44 điểm tương đương -0,13%. Biên độ không lớn, nhưng sự suy yếu ở nhóm blue-chips là khá rõ.
Đầu tiên là thanh khoản, nhóm VN30 giao dịch giảm tới 34% so với sáng hôm qua, độ rộng chỉ còn 10 mã tăng/12 mã giảm. Tiền ít phản ánh các dòng tiền lớn đang hạn chế giao dịch. Thứ hai là độ rộng, vốn cũng là một hệ quả của dòng tiền yếu, khi nửa đầu phiên sáng nhóm blue-chips chỉ có SSI, VCB là đỏ, nhưng đến nửa sau thì giảm giá nhỉnh hơn.
VCB sụt giảm 1,67% là cổ phiếu duy nhất trong nhóm VN30 giảm đáng chú ý, các mã còn lại đều nhẹ, đứng thứ 2 là SAB cũng chỉ giảm 0,57%. Tuy chỉ có duy nhất một mã đáng kể, nhưng đó lại là cổ phiếu lớn nhất thị trường. Chỉ riêng VCB đã khiến VN-Index mất hơn 2 điểm. Với VN30-Index, VCB cũng lấy đi gần 1 điểm.
Ảnh hưởng của VCB là rất rõ, đặc biệt khi đứng cạnh mức giảm nhẹ ở các cổ phiếu blue-chips khác. Điều này phần nào giúp tâm lý vững hơn, thị trường giao dịch chậm và giá cổ phiếu phân hóa tốt. Ở thời điểm VN-Index tăng cao nhất, độ rộng ghi nhận 209 mã tăng/110 mã giảm. Đến cuối phiên, độ rộng còn 206 mã tăng/152 mã giảm. Thống kê ở sàn này, khoảng 43% số cổ phiếu có phát sinh giao dịch sáng nay trượt giá với biên độ quá 1% so với mức đỉnh cao nhất ngày.
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết giảm 33% so với sáng hôm qua, đạt 4.692 tỷ đồng, thấp nhất 17 phiên. HoSE giảm 29% với 4.194 tỷ đồng. Mức thanh khoản này thấp nhưng cổ phiếu giữ giá cũng khá ổn. HoSE đang có 8 cổ phiếu thanh khoản vượt 100 tỷ đồng thì duy nhất SSI là giảm 0,39%. Còn KBC, CII, NVL, DXG đều tăng trên 1% với thanh khoản rất tốt trong bối cảnh giao dịch giảm chung. Loạt mã khác đang tăng trên 1% với thanh khoản khá có thể kể tới GVR, NTL, BSI, LPB, IJC, FCN, KMR…
Sau phiên giảm đồng loạt ngày hôm qua, thị trường cân bằng lại là một điểm tốt. Bất chấp thanh khoản có thể nhiều hay ít, quan trọng là áp lực bán có đẩy dao động giảm lên nữa hay không. Thị trường đang bị ảnh hưởng bởi các đợt bán chốt lời, nên áp lực sẽ xuất hiện từng đợt. Thị trường dần tìm điểm cân bằng sau những đợt bán như vậy và quan điểm sẽ thay đổi dần theo mức giá điều chỉnh.
Thanh khoản suy yếu hôm nay đi kèm với mức biến động giảm nhẹ cũng là điều tốt. Cả sàn HoSE hiện chỉ có 40 cổ phiếu giảm quá 1%. Như vậy thanh khoản nhỏ là do áp lực bán giảm xuống, vì nếu áp lực bán vẫn lớn thì biến động giá sẽ còn rộng hơn nhiều. Cầu đỡ yếu có khả năng cân bằng giá ở vùng thấp phải tương xứng với lượng bán cũng giảm đi.
Ngoài ra, các cổ phiếu giảm giá sâu nhất đã không xuất hiện thanh khoản đột biến. Vài giao dịch đáng chú ý là PSH giảm 4,62% với 14,7 tỷ đồng; AAA giảm 1,38% với 21,9 tỷ; CTF giảm 1,33% với 16,9 tỷ. Số còn lại cũng nhiều mã giảm sâu nhưng giao dịch rất nhỏ.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay bán ròng 143,2 tỷ đồng, gây sức ép khá mạnh ở nhiều blue-chips. SSI bị bán ròng 27,7 tỷ đồng, VPB -25,2 tỷ, VCB -22,4 tỷ, VNM -20,1 tỷ, NVL -20 tỷ. Dù mức bán ròng này không lớn nhưng trong điều kiện dòng tiền mua suy giảm thì vẫn gây áp lực nhất định.