10:14 22/02/2022

Thị trường tài chính toàn cầu chao đảo sau động thái của Tổng thống Putin

An Huy

Nhà đầu tư trên toàn cầu đang “chuẩn bị tinh thần” cho những phiên giao dịch có mức độ biến động lớn, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ công nhận độc lập và đưa quân tới hai vùng ly khai khỏi Ukraine...

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Sputnik/Reuters.
Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Sputnik/Reuters.

Trong một bài phát biểu dài trên truyền hình, ông Putin không tiếc lời chỉ trích phương Tây và miêu tả Ukraine là một phần không thể tách rời của lịch sử Nga. Ông cũng nói miền Đông Ukraine là lãnh thổ Nga thời cổ và ông tin tưởng nhân dân Nga sẽ ủng hộ quyết định của ông.

Những hình ảnh từ truyền hình quốc gia Nga cho thấy ông Putin - đứng bên là các thủ lĩnh ly khai đến từ miền Đông Ukraine - ký một sắc lệnh công nhận độc lập của hai vùng ly khai tự xưng là Cộng hoà Nhân dân Donetsk và Cộng hoà Nhân dân Lugansk, đồng thời ký các thoả thuận hợp tác và hữu nghị với hai vùng này.

NHÀ ĐẦU TƯ BÁN THÁO CỔ PHIẾU

Từ trước khi có động thái này của người đứng đầu điện Kremlin, thị trường tài chính toàn cầu đã biến động mạnh từ đầu năm đến nay do lo ngại căng thẳng địa chính trị ở biên giới giữa Nga với Ukraine có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh ở châu Âu.

Việc ông Putin công nhận độc lập và đưa quân vào hai vùng ly khai của Ukraine là một diễn biến bất ngờ, bởi trước đó giới quan sát hy vọng sẽ có một cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông và Tổng thống Mỹ Joe Biden để “tháo ngòi” khủng hoảng. Diễn biến này được dự báo có thể đặt ra áp lực lớn hơn rất nhiều lên giá các tài sản rủi ro tại khắp mọi thị trường.

“Sẽ là chưa đủ khi nói rằng ngày mai sẽ là một ngày tồi tệ của thị trường”, nhà quản lý danh mục Viktor Szabo thuộc công ty Abrdn ở London, nhận định về phiên ngày 22/2. “Tôi đã hy vọng mọi chuyện không đến mức như thế này. Đây là một diễn biến lớn”.

Các tài sản Nga lao dốc mạnh sau khi ông Putin công bố quyết định về Donetsk và Luhansk trên sóng truyền hình. Tỷ giá đồng Rúp Nga có lúc giảm 3,3% so với đồng USD trong phiên ngày 21/2. Thị trường chứng khoán Nga chạm đáy 1 năm, với chỉ số RTS tính theo USD chốt phiên với mức giảm 13,2% và chỉ số MOEX tính theo đồng Rúp mất 10,5%.

Thị trường tài chính châu Âu cũng “đỏ lửa” trong phiên đêm qua. Chỉ số DAX của chứng khoán Đức sụt 2,1%; CAC của Pháp mất hơn 2%; FTSE của Anh giảm 0,4%.

Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản giảm hơn 2% khi vừa mở cửa sáng nay. Shanghai Composite Index của Trung Quốc đại lục giảm 1,2% lúc gần 10h theo giờ Việt Nam. Hang Seng của Hồng Kông giảm 2,4%; Kospi của Hàn Quốc giảm 1,6%; ASX 200 của Australia sụt 1,2%.

Chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Tổng thống (Presidents Day) ngày 21/2, nhưng chỉ số Dow Jones tương lai mất hơn 400 điểm – báo hiệu một phiên “sóng gió” vào ngày 22/2.

Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Biden đã ký sắc lệnh trừng phạt đối với Donetsk và Luhansk. Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ triển khai thêm các biện pháp trừng phạt đối với hai vùng ly khai này.

“Xin được nói rõ rằng các biện pháp này nằm ngoài và giữ vai trò bổ sung cho các biện pháp kinh tế tức thì và khắc nghiệt mà chúng tôi đang chuẩn bị cùng với các đồng minh và đối tác để áp lên Nga nếu Nga có thêm hành động tấn công Ukraine”, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói trong một tuyên bố về sắc lệnh của ông Biden.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh trừng phạt hai vùng ly khai của Ukraine là Donetsk và Luhansk ngày 21/2 - Ảnh: Nhà Trắng/Reuters.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh trừng phạt hai vùng ly khai của Ukraine là Donetsk và Luhansk ngày 21/2 - Ảnh: Nhà Trắng/Reuters.

Các nhà phân tích thuộc ngân hàng Commonwealth Bank of Australia cảnh báo các nhà giao dịch về một phiên nhiều rủi ro ngày 22/2. Báo cáo của ngân hàng này nói rằng động thái của ông Putin rõ ràng làm phức tạp thêm căng thẳng địa chính trị vốn dĩ đã ở mức cao.

“Thị trường đang chờ phản ứng từ phía Mỹ và châu Âu”, báo cáo viết.

Đỉnh điểm của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây có thể áp lên Nga sẽ là loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và cấm hoàn toàn vốn đầu tư từ EU, Anh và Mỹ rót vào trái phiếu chính phủ Nga.

GIÁ DẦU TĂNG VỌT VÀ CÚ SỐC NIỀM TIN

Giới phân tích không loại trừ khả năng Nga sẽ dùng năng lượng làm “vũ khí” đáp trả lại lệnh trừng phạt của phương Tây. Trong trường hợp đó, giá dầu và giá khí đốt có thể tăng bùng nổ, sau khi giá dầu Brent giao sau tại thị trường London đã tăng gần 23% từ đầu năm đến nay do căng thẳng Nga-Ukraine và sự thiếu hụt nguồn cung.

Lúc gần 10h theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent tăng 1,48 USD/thùng so với đóng cửa phiên liền trước, tương đương tăng hơn 1,6%, giao dịch ở mức 96,78 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York cùng thời điểm tăng 2,74 USD/thùng, tương đương tăng 3%, giao dịch ở 93,81 USD/thùng.

Giá khí đốt tại thị trường châu Âu tăng tới 8% - theo dữ liệu từ trang MarketWatch.

“Chúng tôi nhất trí rằng Anh và EU sẽ phối hợp để đưa ra biện pháp trừng phạt quyết liệt đối với chính thể của ông Putin và sẽ sát cánh với Ukraine”, Ngoại trưởng Anh Liz Truss viết trên mạng xã hội Twitter sau một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng EU Josep Borell.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Nga kỳ hạn 10 năm được dự báo sẽ tiếp tục tăng sau khi lên 10,6% trong phiên ngày thứ Hai. Nga là một trong những nước có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, đạt 630 tỷ USD, nhưng chi phí bảo lãnh rủi ro vỡ nợ đối với trái phiếu chính phủ Nga hiện đang ở ngưỡng cao nhất kể từ đầu năm 2016.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng địa chính trị Nga-Ukraine có thể gây ra một cú sốc niềm tin trên thị trường toàn cầu.

“Những diễn biến này rõ ràng đang làm gia tăng sự bấp bênh, và do đó đặt ra sức ép mất giá đối với các tài sản rủi ro trên toàn cầu”, chiến lược gia Manik Narain thuộc UBS nhận định.

“Chúng ta sẽ chứng kiến những phản ứng tiêu cực. Chỉ số S&P 500 sẽ thử thách mức đáy 4.220 điểm thiết lập hôm 24/1”, nhà tư vấn Ken Polcari thuộc Kace Capital Advisors nhận định.

Chốt phiên thứ Sáu tuần trước, S&P 500 dừng ở mức 4.350 điểm.