Thị trường thận trọng sau kỳ nghỉ, thanh khoản yếu, khối ngoại bán ròng mạnh
Những nhà đầu tư trông đợi thị trường bùng nổ sau kỳ nghỉ đã có chút thất vọng trong sáng nay, khi giao dịch rất thận trọng với nền thanh khoản cực thấp. Nhóm cổ phiếu vốn hóa hàng đầu đã không làm tốt nhiệm vụ dẫn dắt mà chỉ có thể duy trì cân bằng yếu, trong khi khối ngoại xả ròng tới 425 tỷ đồng trên HoSE, mức cao nhất trong 7 phiên sáng trở lại đây...
Những nhà đầu tư trông đợi thị trường bùng nổ sau kỳ nghỉ đã có chút thất vọng trong sáng nay, khi giao dịch rất thận trọng với nền thanh khoản cực thấp. Nhóm cổ phiếu vốn hóa hàng đầu đã không làm tốt nhiệm vụ dẫn dắt mà chỉ có thể duy trì cân bằng yếu, trong khi khối ngoại xả ròng tới 425 tỷ đồng trên HoSE, mức cao nhất trong 7 phiên sáng trở lại đây.
VN-Index thậm chí trong vài phút sau khi mở cửa còn bổ nhào xuống dưới tham chiếu trước khi hồi lên. Tuy nhiên đỉnh cao nhất chỉ số đạt được sáng nay cũng chỉ tăng chưa tới 5 điểm so với tham chiếu. Nửa sau phiên sáng thị trường lại quay đầu giảm và chốt phiên VN-Index đang mất 1,57 điểm tương đương -0,13%.
Nhóm cổ phiếu trụ yếu ớt là nguyên nhân chính khiến thị trường rơi vào trạng thái lình xình. Một số mã lớn nhất chỉ xuất hiện nhịp bùng nổ tăng ngắn dẫn chỉ số lên cao, sau đó lại tụt áp. Chẳng hạn VCB đạt đỉnh tăng tới 1,43% so với tham chiếu, nhưng đến cuối phiên chỉ còn tăng 0,22%. GAS cũng có lúc tăng 1,09% trước khi hạ độ cao còn tăng 0,27%. BID thậm chí từ mức tăng 1,01% rơi hẳn qua tham chiếu thành giảm 0,61%... Trong 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ duy nhất FPT là đáng kể với mức tăng 3,33%. Cổ phiếu này đang là trụ mạnh nhất của VN-Index, dù cũng đã tụt xuống khá nhiều, khi tại đỉnh tăng 4,71%.
VCB, GAS và TCB là 3 mã còn lại duy nhất trong Top 10 vốn hóa đang xanh nhưng cũng chỉ tăng nhẹ quanh 0,2%. CTG giảm 1,83%, VIC giảm 1,24%, VPB giảm 1,08% là những mã yếu nhất.
VN30-Index chốt phiên sáng tăng không đáng kể 0,07% so với tham chiếu, độ rộng 14 mã tăng/14 mã giảm. Biên độ trượt là khá nhiều khi tại đỉnh VN30-Index tăng 0,61%. Sức mạnh của FPT, MWG, SHB, POW đang duy trì màu xanh cho chỉ số này, trong khi tác động yếu đến VN-Index.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán đang tiếp tục phản ánh sự thất vọng đối với hệ thống KRX chưa thể triển khai đầu tháng 5. Tới 21 mã của nhóm này đang giảm quá 1% so với tham chiếu, bao gồm nhiều blue-chips như SSI giảm 1,99%, VCI giảm 2,34%, HCM giảm 2,96%, MBS giảm 2,22%, CTS giảm 2,82%... Trong đó SSI, VCI chịu áp lực tương đối mạnh, thanh khoản khá lớn với 260,1 tỷ và 141,1 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường phản ánh sự thận trọng rất rõ. Ban đầu số mã giảm giá vượt trội nhưng đến giữa phiên, bên mua đẩy giá thành công, không chỉ kéo VN-Index đạt đỉnh mà còn đẩy độ rộng tích cực với 230 mã tăng/188 mã giảm. Trong nửa còn lại của phiên sáng, độ rộng co lại dần và chốt phiên còn 194 mã tăng/241 mã giảm. Điểm tích cực là biên độ giảm giá cũng không quá rộng, toàn sàn HoSE có 86 mã giảm quá 1% với thanh khoản chiếm khoảng 33% tổng giao dịch của sàn. Mặt khác, tổng thể thanh khoản sáng nay cũng không cao, giao dịch chỉ nhỉnh hơn phiên cuối cùng trước kỳ nghỉ khoảng 2%, đạt gần 7.803 tỷ đồng.
Hiện tượng giằng co vẫn diễn ra sau loạt thông tin vĩ mô xuất hiện vào những ngày qua. Không chỉ số liệu của Việt Nam, các số liệu của Mỹ và kỳ họp của FED cũng cho thấy sức ép lạm phát vẫn còn cao và khả năng giảm lãi suất còn mờ mịt. Điều này không khuyến khích dòng tiền hoạt động mạnh hơn.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay xả ròng trên cả 3 sàn, trong đó tập trung vào HoSE với -425,6 tỷ đồng. MWG vẫn được mua cực tốt +182,3 tỷ đồng ròng, nhưng chỉ là hiện tượng đơn lẻ. Khối này xả trên diện rộng với rất nhiều mã, trong đó tiêu biểu có SSI -83,6 tỷ, DIG -55,8 tỷ, CTG -39,2 tỷ, VCI -30,5 tỷ, VRE -29,4 tỷ, HPG -23 tỷ, VPB -21,7 tỷ, DGC -21 tỷ, HDB -29,3 tỷ…
Đây là phiên bán ròng thứ 3 liên tục của khối này dù tỷ giá đã có tín hiệu hạ nhiệt khá rõ. Sáng nay giá bán USD của Vietcombank tụt nhẹ tiếp xuống 25.454 VND/USD và là phiên giảm thứ 3 liên tiếp kể từ đỉnh 25.488 VND/USD ngày 23/4 vừa qua.
Đà phục hồi của VN-Index vẫn chưa lấy lại được quán tính sau phiên bùng nổ ngày 24/4, nhưng áp lực bán cũng không quá mạnh. Mặc dù lợi nhuận ngắn hạn là khá tốt, nhà đầu tư vẫn đang có xu hướng giao dịch thận trọng cả hai chiều.