01:23 08/08/2021

“Không chống dịch cũng chết, không làm kinh tế cũng chết”

Nguyễn Tuyến – Đặng Hương

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường, ,những tình huống chưa có tiền lệ gây ra không ít khó khăn, bỡ ngỡ cho cả cơ quan quản lý, người dân lẫn cộng đồng doanh nghiệp...

Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Giải pháp cấp bách và lâu dài chống đứt gãy chuỗi cung ứng” diễn ra vào tối ngày 7/8/2021.
Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Giải pháp cấp bách và lâu dài chống đứt gãy chuỗi cung ứng” diễn ra vào tối ngày 7/8/2021.

Hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, dừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng. Những doanh nghiệp được phép hoạt động thời gian này cũng đối mặt những gián đoạn nghiêm trọng cũng như nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.

Đối với cấp quản lý, thách thức đặt ra là vừa phải đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, vừa kịp thời tháo gỡ khó khăn và đồng hành cùng doanh nghiệp để duy trì hoạt động kinh tế, từ đó mới có thể đảm bảo sinh kế cho người dân cũng như nguồn lực để tiếp tục chống dịch. Trong khi đó, với cộng đồng doanh nghiệp, bên cạnh việc thích ứng với tình hình, doanh nghiệp đứng trước tình thế khó khăn đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo, để vừa tiếp tục tồn tại, vừa chuẩn bị tốt nhất cho sự phục hồi trở lại trong tương lai.

Với mục tiêu đánh giá thực trạng khó khăn của doanh nghiệp trước tác động của dịch bệnh, đồng thời đánh giá tính hiệu quả và phù hợp của các giải pháp từ cấp nhà nước nhằm đảm bảo “mục tiêu kép” (vừa phòng chống dịch bệnh vừa duy trì kinh tế), Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Giải pháp cấp bách và lâu dài chống đứt gãy chuỗi cung ứng”. Tọa đàm nằm trong chuỗi sự kiện truyền thông của tạp chí nhằm đồng hành cùng chính phủ, bộ ngành, địa phương cũng như sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc chiến đấu và vượt qua đại dịch Covid-19.

Tọa đàm do ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) điều hành. Cùng tham gia có đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp cũng như chuyên gia trong lĩnh vực y tế, kinh doanh, gồm: ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương; ông Trần Anh Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao; PGS.TS. Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam; PGS.TS. Trần Nhuận Kiên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế & Quản trị Kinh doanh, Đại học Thái Nguyên; bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giầy và Túi xách; ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics; ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam; và bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc, Công ty Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu.

Tại buổi tọa đàm, hàng loạt các khó khăn của doanh nghiệp trong tình hình hiện tại đã được đánh giá và phân tích kỹ lưỡng. Trong đó, một trong những khó khăn được nhắc đến nhiều nhất là vấn đề tiếp cận vaccine. Hiện tại, ở nhiều doanh nghiệp, mới chỉ một bộ phận nhỏ người lao động tiêm vaccine hoặc thậm chí toàn bộ người lao động chưa được tiêm.

Một thách thức lớn nữa là ách tắc trong lưu thông hàng hóa, đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào sản xuất. Những khác biệt trong quy định phòng chống dịch giữa các tỉnh, thành phố gây ra tình trạng ách tắc, khiến doanh nghiệp “rối bời”.

Áp lực tài chính cũng là một thách thức lớn khi không ít doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, trong bối cảnh chi phí tăng cao, nguồn thu giảm và dòng tiền cạn kiệt.

Bên cạnh đó, áp lực về vấn đề lao động cũng đè nặng lên vai doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh. Làm sao để vừa đảm bảo an toàn cho người lao động, vừa duy trì sản xuất đồng thời giữ người là bài toán đau đầu đặt ra với nhiều doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại.

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả cũng bàn thảo và đưa ra nhiều kiến nghị về giải pháp trước mắt và lâu dài để duy trì phương án vừa sản xuất, vừa chiến đấu và sống chung với Covid-19. Trong đó, đa số cho rằng các cấp quản lý cần đưa ra giải pháp đồng bộ, tháo gỡ khó khăn trước mắt đồng thời có giải pháp lâu dài. Có ý kiến cho rằng những cải cách thể chế chính là gói hỗ trợ lớn nhất đối với doanh nghiệp trong bối cảnh nguồn lực hỗ trợ tài chính của Nhà nước còn hạn chế. Nếu làm tốt trong giai đoạn này, doanh nghiệp sẽ có sự chuẩn bị tốt nhất để bứt phá sau đại dịch.

Về phía doanh nghiệp, các ý kiến thống nhất rằng bên cạnh sự đồng hành cùng Nhà nước trong công tác phòng chống dịch, doanh nghiệp cần linh hoạt, sáng tạo để thích ứng với tình hình. Các diễn giả cũng đặt vấn đề về vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong việc làm cầu nối, chia lửa với các doanh nghiệp hội viên cũng như các cấp quản lý.

“Không chống dịch cũng chết, không làm kinh tế cũng chết” là khẳng định của PGS.TS. Trần Đắc Phu, chuyên gia y tế duy nhất tham gia tọa đàm. Theo đó, “mục tiêu kép” không thể chỉ có sự tham gia và nỗ lực của một phía mà cần sự phối hợp và đồng hành của các cấp quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, nhằm đưa đất nước vượt qua đại dịch nguy hiểm.

 

 Thời gian qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cũng như định hướng nhằm giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn quốc. Mô hình “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ) đã được đưa vào áp dụng từ tháng 5/2021, khi dịch bệnh tấn công vào các khu công nghiệp - thành trì của nền kinh tế. Cùng với đó là đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 điểm đến”. Gần đây hơn, trước tình trạng ách tắc lưu thông hàng hóa giữa các địa phương thực hiện giãn cách, hàng loạt “luồng xanh” đã được Bộ Giao thông vận tải hình thành để đảm bảo lưu thông lương thực, thực phẩm, nông sản, thiết bị, vật liệu xây dựng… Mới đây, Bộ Công thương cũng thành lập Tổ công tác đặc biệt đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ  duy sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương miền Bắc và miền Trung. Song song với đó, Bộ Y tế đẩy mạnh triển khai chiến lược vaccine Covid-19 với những ưu tiên có lực lượng chống dịch tuyến đầu cũng như các đối tượng tham gia chuỗi cung ứng. Các giải pháp được đưa ra trên tinh thần “ bám sát thực tiễn, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội” theo quán triệt của Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính.

 

Cần quy trình chuẩn để địa phương, doanh nghiệp cùng thực hiện

Ông Phan Đức , Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình
Ông Phan Đức , Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình

Doanh nghiệp có nhiều đề nghị rất khả thi, có thể thực hiện ngay. Như cho phép doanh nghiệp mua bộ kít xét nghiệm Covid-19 để tự xét nghiệm cho người lao động. Việc này sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp, cũng như giảm tải cho các cơ sở xét nghiệm đang rất đông, nhiều khi không tuân thủ đúng yêu cầu giãn cách. Hay cho phép doanh nghiệp tự lên phương án sản xuất, phương án đưa đón người lao động phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp và tâm lý của người lao động.

Tất nhiên, để doanh nghiệp chủ động được, ngành y tế phải công bố công khai quy trình chuẩn trong phòng chống dịch bệnh ở các doanh nghiệp, các loại kít xét nghiệm được công nhận... để các địa phương, doanh nghiệp cùng thực hiện.

Nguyên tắc lưu thông hàng hóa cũng phải được công khai theo hướng không kiểm soát hàng hóa, chỉ kiểm tra y tế với người vận chuyển...  Việc kiểm tra y tế trên đường thực hiện theo tiêu chuẩn của ngành y tế, nhưng áp dụng công nghệ thông tin, hạn chế tối đa tiếp xúc...

Đặc biệt, việc ưu tiên vaccine cho người lao động trong các khu công nghiệp, các địa bàn đang có dịch, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu cũng cần được thực hiện ngay. Rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng dành chi phí, phối hợp với các cơ sở y tế của nhà nước, của tư nhân để tổ chức tiêm tại chỗ cho người lao động để hạn chế rủi ro khi người lao động phải di chuyển đến nơi tiêm tập trung. Tuy nhiên, họ cần thông điệp nhất quán từ Chính phủ, chính quyền địa phương để doanh nghiệp tuân thủ.

 

Hãy để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Dịch Covid-19 dự kiến còn kéo dài nên Chính phủ cần để doanh nghiệp hoạt động bình thường, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở đảm bảo an toàn phòng dịch. Như vậy, mỗi doanh nghiệp sẽ linh hoạt lựa chọn mô hình “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”.

Ngoài ra,, tôi kiến nghị bỏ tất cả quy định danh mục hàng thiết yếu như hiện nay đang áp dụng. Bởi điều này không chỉ làm khó doanh nghiệp mà còn gây lúng túng cho cơ quan quản lý.

Vấn đề quan trọng hơn, cấp thiết hơn là đảm bảo an toàn cho tài xế để không truyền bệnh sang người khác. Theo đó, chúng ta cần áp dụng thống nhất về phương pháp xét nghiệm, thời hạn xét nghiệm. Hãy để doanh nghiệp có vai trò tự chủ nhiều hơn trong đảm bảo an toàn dịch bệnh cho mình.