Thiên tai gây thiết hại gần 40.000 tỷ đồng trong năm 2020
Trong năm 2020, cả nước đã xuất hiện 16/21 loại hình thiên tai, với 14 cơn bão, trong đó có cơn bão số 9 mạnh nhất trong vòng 20 năm. Tổng thiệt hại về kinh tế trên 39.962 tỷ đồng.
Ngày 27/4/2021 tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai Trung ương tổ chức Hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2021.
THIÊN TAI DỒN DẬP VÀ KHỐC LIỆT
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết năm qua thiên tai diễn ra dồn dập và khốc liệt trên phạm vi cả nước, với những yếu tố dị thường và vượt mức lịch sử.
Trong năm 2020, cả nước đã xuất hiện 16/21 loại hình thiên tai, với 14 cơn bão, trong đó có cơn bão số 9 mạnh nhất trong vòng 20 năm. Cùng với đó là 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn sạt, lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng.
Thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích; 3.429 nhà sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái; trên 198.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52.000 con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tổng thiệt hại về kinh tế trên 39.962 tỷ đồng.
Năm 2020, khu vực miền núi nước ta do mưa đặc biệt lớn kéo dài ngày gây ra tình trạng sạt lở đất, lũ quét đặc biệt nghiêm trọng, vượt quá khả năng dự báo, tính toán của cơ quan phòng chống thiên tai đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân, cán bộ, chiến sỹ và phá hủy nghiêm trọng nhiều cơ sở hạ tầng. Cụ thể, đã xảy ra 109 trận dông, lốc sét kèm theo mưa đá; 56 trận mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất; 74 trận động đất và dư chấn tại khu vực miền núi phía Bắc trong năm vừa qua.
Những tháng đầu năm 2021, khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra một số đợt rét đậm, rét hại, giông lốc, sét, mưa đá… Đặc biệt, mặc dù chưa bước vào mùa mưa, song một số địa phương đã xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản, đây là điều hiếm gặp, báo hiệu một năm thiên tai diễn biến khó lường trong khu vực.
Trong đó, đêm 16/4 đến sáng 17/4/2021, đã xảy ra lũ quét trên địa bàn xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai làm 3 người chết, 36 nhà bị thiệt hại. Rạng sáng ngày 22/4/2021, đã xảy ra lũ ống trên địa bàn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên làm một số nhà dân bị ngập một số công trình giao thông nông thôn, thủy lợi bị sạt lở.
PHẢI CÓ PHƯƠNG ÁN ỨNG PHÓ THEO CẤP ĐỘ RỦI RO
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống thiên tai. Đó là, nhận thức, kỹ năng phòng chống thiên tai của cộng đồng ở một số nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Việc cung cấp và tiếp nhận thông tin về thiên tai đối với người dân ở những nơi có nguy cơ cao nhất là vùng sâu, vùng xa còn chưa được không được thường xuyên, kịp thời.
Công tác dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai tuy đã có những bước cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Hệ thống cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai trong khu vực còn thiếu đồng bộ, khả năng chống chịu hạn chế, một số công trình hư hỏng, xuống cấp...
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, vào các tháng 4, 5 và 8, 9 của năm 2021, lượng mưa tại khu vực Miền núi phía Bắc sẽ lớn hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 10-20%. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét sạt lở đất trong khu vực và có khả năng xuất hiện sớm tại khu vực Tây Bắc và Việt Bắc.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban trường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai trung ương chia sẻ: “Tôi quê ở Đồng Tháp, không có một ngọn núi nào. Tôi đã từng mơ ước quê tôi có một ngọn núi để thu hút khách du lịch. Ra đây, tôi thấy núi bạt ngàn. Nhưng, cũng biết vùng càng nhiều núi thì nguy cơ thiên tai càng cao, với sạt lở và lũ quét thường xuyên xảy ra. Vì vậy, cần phải tỉnh thức về thảm họa”.
Ông Hoan cho rằng, khu vực miền núi phía Bắc cần phải phát triển bền vững, căn cơ hơn, theo phương châm “Thỏa mãn nhu cầu của thế hệ hôm nay, nhưng không làm ảnh hưởng đến thế hệ mai sau”. Chúng ta cùng nhau chống chọi khi thiên tai xảy ra. Nhưng khi thiên tai qua đi rồi, thì việc phòng ngừa phải rất quan trọng.
“Cần giải pháp căn cơ hơn để 5-10 năm sau, con cháu chúng ta không còn phải đối mặt với thiên tai nữa. Những điều này biết là không phải dễ, ngay cả các nước tiên tiến, trình độ kỹ thuật cao vẫn chưa làm hết được. Nhưng nếu chúng ta sớm có giải pháp căn cơ thì sẽ giảm được tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các Bộ ngành, địa phương cần tập trung xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư; Luật Phòng chống thiên tai sửa đổi và các văn bản hướng dẫn; Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ. Phải sớm hoàn thành kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, nhất là các địa phương có nhiều biến động về nhân sự lãnh đạo ở nhiệm kỳ mới.
Phải kiểm tra, rà soát phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai. Đặc biệt chú trọng phương án di dời, sơ tán đảm bảo an toàn cho người và tài sản ở các khu dân cư ven sông, suối; khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Cần chỉ đạo kiểm tra, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập nhất là các hồ đập nhỏ, xung yếu trước mùa mưa lũ, phát hiện, xử lý kịp thời các hư hỏng, sự cố. Đồng thời, giám sát thực hiện quy trình vận hành công trình hồ đập, nhất là trong các tình huống xả lũ khẩn cấp.