12:02 18/09/2019

Thỏa thuận Mỹ-Trung, nếu có, chỉ là giải pháp bề nổi?

Kiều Oanh

Thương chiến Mỹ-Trung đã trở thành một cuộc đấu chính trị và ý thức hệ sâu rộng hơn nhiều so với việc áp thuế quan

Ảnh minh họa - Ảnh: AP.
Ảnh minh họa - Ảnh: AP.

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ được nối lại trong tuần này ở cấp thứ trưởng và vào đầu tháng 10 ở cấp cao. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng bất kỳ thỏa thuận nào, nếu có, giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng chỉ giải quyết được bề nổi của vấn đề.

Theo hãng tin Reuters, không chỉ các chuyên gia, mà giới lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức Mỹ-Trung đều cho rằng thương chiến Mỹ-Trung đã trở thành một cuộc đấu chính trị và ý thức hệ sâu rộng hơn nhiều so với việc hai bên áp thuế quan lên hàng hóa của nhau.

Khó có chuyện Trung Quốc chấp nhận những yêu cầu của Mỹ đòi nước này thay đổi căn bản cách thức vận hành nền kinh tế. Cũng khó có chuyện Mỹ rút lại "nhãn" nguy cơ an ninh quốc gia đã dán lên một số công ty Trung Quốc.

Xung đột Mỹ-Trung có thể phải mất cả thập kỷ để giải quyết, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cảnh báo hôm 6/9. Ông Yu Yongding, một cựu cố vấn chính sách rất có ảnh hưởng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) nói với Reuters rằng nước này không vội đi đến một thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Hai bên cùng "rắn"

Tháng 10 này, rất có thể Mỹ và Trung Quốc sẽ đi đến một thỏa thuận thương mại tạm thời để trấn an thị trường và cũng để tuyên bố thắng lợi chính trị.

Tuy nhiên, cho dù Washington và Bắc Kinh có đạt một thỏa thuận cuối cùng, thì thỏa thuận đó "vẫn khó có thể giải quyết thực sự các vấn đề cơ cấu của Trung Quốc" như Mỹ và nhiều quốc gia khác mong muốn, theo ông Meiman Hock, một cựu quan chức thương mại Mỹ hiện làm việc tại công ty tư vấn chính sách và chính phủ McLarty Associates.

Giới thạo tin tiết lộ rằng cho tới nay, các nhà đàm phán Mỹ-Trung chưa hề đạt được một tiến bộ rõ ràng nào trong loạt bất đồng kể từ khi đàm phán đổ vỡ hồi tháng 5. Bắc Kinh không muốn thay đổi việc hỗ trợ các công ty nhà nước và trợ cấp cho sản phẩm của các doanh nghiệp này. Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục xem hãng công nghệ Trung Quốc Huawei là nguy cơ an ninh quốc gia và dọa áp thêm thuế quan mới lên hàng hóa Trung Quốc.

"Kết quả cuối cùng của đàm phán phải là xóa toàn bộ thuế quan", chuyên gia cấp cao He Weiwen thuộc Học viện Tài chính Chongyang, Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận xét.

"Đây là mục tiêu cản bản của Trung Quốc", ông He nói thêm và cho biết không lấy làm lạc quan về triển vọng đàm phán.

Không chỉ giữ nguyên lập trường, kể từ khi đàm phán đổ vỡ vào tháng 5, Mỹ và Trung Quốc còn nhiều lần phá vỡ lời hứa và công khai chỉ trích mạnh lẫn nhau. Gần đây, hai bên có một số động thái nhượng bộ, giúp thị trường tài chính toàn cầu yên tâm hơn. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng chỉ cần một dòng trạng thái (tweet) của ông Trump trên mạng xã hội Twitter, sóng gió sẽ lại nổi lên.

"Mỹ và Trung Quốc đang bị mắc kẹt trong một tình thế không mấy dễ chịu. Không bên nào có thể tin vào những gì bên kia nói", chuyên gia William Reinsch thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington phát biểu.

Lập trường cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc đã dẫn tới lối nghĩ mới về Bắc Kinh ở Washington. Cho dù có sự chia rẽ sâu sắc trong hầu hết các vấn đề, hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội Mỹ đồng tình với sự cần thiết phải có cải cách cơ cấu ở Trung Quốc.

Các ứng cử viên Dân chủ tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đều có chủ trương sẽ mạnh tay với Trung Quốc nếu trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng. Trong một cuộc tranh luận vào hôm 12/9, các ứng viên tổng thống của phe Dân chủ đã sử dụng những từ ngữ gay gắt để nói về hoạt động thương mại của Trung Quốc.

"Đang có một sự dịch chuyển mạnh mẽ", ông Warren Maruyama, một cựu luật sư của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) hiện công tác tại công ty luật Hogan Lovells, nhận xét. "Giờ không còn ý tưởng cho rằng Trung Quốc đang trong quá trình cải cách thị trường tự do nữa. Cả hai chính đảng của Mỹ đều ủng hộ chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc".

Phân ly kinh tế manh nha

Các nghị sỹ Mỹ đang thể hiện điều này bằng cách đưa ra một loạt dự luật chống Trung Quốc, trong các vấn đề từ người Hồi giáo ở Tân Cương cho tới biểu tình ở Hồng Kông. Ngoài ra, Đạo luật Thẩm quyền quốc phòng (NDAA) 2020 của Mỹ có thể bao gồm nhiều điều khoản nhằm vào Trung Quốc trong các vấn đề từ chuyển giao công nghệ cho tới chất opioid tổng hợp.

Ông Trump hiện đang phải đối mặt với một nền kinh tế Mỹ đi xuống và nỗi lo suy thoái, một phần do chính thuế quan mà ông áp lên hàng hóa Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự ủng hộ của cử tri Mỹ dành cho ông không hề giảm mạnh. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh sẽ mắc phải sai lầm nếu cho rằng thương chiến làm suy yếu sự ủng hộ chính trị dành cho ông Trump.

Về phần mình, Trung Quốc cũng đang đương đầu với một nền kinh tế tăng trưởng yếu đi, giữa lúc nước này chuẩn bị kỷ niệm 70 năm quốc khánh. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia tin rằng cách ông Trump đối xử với Trung Quốc giúp nước này có thể nói rằng Mỹ là nguyên nhân giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, thay vì các chính sách của Bắc Kinh.

Trong một bài phát biểu tại Trường Đảng Trung ương Trung Quốc mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi quyết tâm chống lại bất kỳ rủi ro và thách thức nào đối với sự lãnh đạo của Đảng, chủ quyền và an ninh quốc gia, cũng như bất kỳ điều gì đe dọa lợi ích cốt lõi của đất nước.

Trong một dấu hiệu cho thấy sự phân ly (decoupling) kinh tế đang manh nha giữa Mỹ và Trung Quốc, lượng vốn đầu tư giữa hai nước trong 6 tháng đầu năm nay giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm, theo dữ liệu của công ty nghiên cứu Rhodium Group. Theo đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các thương vụ đầu tư mạo hiểm giữa hai nước giảm còn 13 tỷ USD trong 6 tháng, hạ 49% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Craig Allen, một cựu quan chức cấp cao Bộ Thương mại Mỹ, hiện đứng đầu Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung Quốc, cho rằng lĩnh vực công nghệ cao của hai nước có thể phân ly vĩnh viễn vì những lo ngại của Mỹ cho rằng Trung Quốc có những hoạt động như nghe lén, tấn công mạng và đánh cắp tài sản trí tuệ.