15:20 29/05/2007

Thời của cổ phiếu “hiếm”

Theo giới quan sát, phương pháp đẩy giá lên cao theo kiểu “găm giữ” đang tỏ ra khá hiệu quả

Một số cổ phiếu nếu thực sự chứa đựng yếu tố “làm giá”, nhưng do chịu tác động của thị trường chung nên vẫn phát triển tốt - Ảnh: TP.
Một số cổ phiếu nếu thực sự chứa đựng yếu tố “làm giá”, nhưng do chịu tác động của thị trường chung nên vẫn phát triển tốt - Ảnh: TP.
Gần đây, số cổ phiếu liên tục tăng giá trần xuất hiện ngày một nhiều trên sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM, đang tạo ra trào lưu găm giữ hàng “hot” từ các nhà đầu tư.

BMC, SJS, SGH, LBM… là những cổ phiếu thuộc nhóm này. Mỗi “anh tài” có một “dáng vẻ” và thời gian toả sáng riêng, song lại có cùng điểm chung là chỉ số P/E đều ở ngưỡng cao và có một chu trình tăng giá phi mã.

Hiện BMC đang đứng đầu trong bảng xếp hạng những cổ phiếu có mức bán ra ít nhất, dù giá đã ở trên “chín tầng mây”. Trong phiên giao dịch ngày 25/5, chỉ có 30 cổ phiếu BMC được bán ra và giá tiếp tục tăng kịch trần. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, đây là những lô cổ phiếu mang nặng tính chất của quá trình “làm giá” bởi khối lượng quá ít và thời gian xuất hiện muộn màng (đợt 3 của phiên giao dịch).

Điều đáng nói là hiện tượng này không còn lạ lẫm gì với nhà đầu tư và họ chấp nhận nó như “chuyện thường ngày”. Với mong muốn được nắm giữ cổ phiếu của một đơn vị có mức lợi nhuận cao (quý I/2007, lợi nhuận của BMC tăng gần gấp ba so với quý I/2006) và giá cổ phiếu đang trên đà tăng, nhiều nhà đầu tư vẫn kiên trì đặt lệnh mua BMC khiến khối lượng dư mua ở giá trần trong ngày 25/5 đạt tới 128.220 cổ phiếu.

Cổ phiếu LBM cũng đang thả sức tung hoành, giá tăng mạnh một phần là nhờ “chiêu” găm giữ cổ phiếu. Nếu so sánh bản chất của “cặp bài trùng” trong khai thác khoáng sản này (BMC khai thác titan, LBM khai thác boutanit) thì LBM có phần trội hơn. Khối lượng dư mua tại giá trần trong phiên giao dịch ngày 25/5 của LBM đạt gần 700.000 cổ phiếu sau khi đã có một quá trình tăng trần 20 phiên liên tiếp với khối lượng cổ phiếu bán ra cực ít.

Nhìn lại quá trình tăng giá của LBM trong thời gian qua, không ít nhà đầu tư đã e ngại về cổ phiếu này, nhất là khi yếu tố quan trọng thúc đẩy giá LBM tăng có thể do sự ngộ nhận từ việc LBM được Thủ tướng Chính phủ cho phép khai thác sét boutanit thành được phép khai thác mỏ boxit có trữ lượng lớn ở Lâm Đồng.

Do đó, họ đã kỳ vọng vào lợi nhuận doanh nghiệp sẽ đạt được tương đương với BMC - đơn vị khai thác khoáng sản, khiến nhu cầu mua cổ phiếu LBM tăng nhanh và kéo theo hiện tượng găm giữ cổ phiếu liên tục trong 20 phiên. Cũng có thể, sức mạnh tâm lý bầy đàn đối với cổ phiếu này quá mạnh, nhà đầu tư vẫn thiếu sự chuyên nghiệp.

Theo một số chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang trong xu hướng phát triển tốt. Nhiều cổ phiếu mang tính chiếu lược của nền kinh tế sắp lên sàn vào cuối năm nay sẽ đem lại tính khả thi cho nhận định này. Vì thế, một số cổ phiếu nếu thực sự chứa đựng yếu tố “làm giá”, nhưng do chịu tác động của thị trường chung nên vẫn phát triển tốt.

Thực tế, đầu năm 2007 có hai trường hợp đáng quan tâm là SJS và SGH. Nhiều nhà đầu tư đã “xót ruột” khi SJS dù đã tăng giá liên tục, đạt 728.000 đồng/cổ phiếu, nhưng sau khi tiến hành thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 1:3, cổ phiếu này vẫn tiếp tục tăng trần tới 15 phiên sau đó.

Còn SGH thì tăng từ mức giá “đầu 4” lên tới “đầu 10”, nhiều nhà đầu tư mới chịu buông hàng ra bán. Theo giới quan sát, phương pháp đẩy giá lên cao theo kiểu “găm giữ” đang tỏ ra khá hiệu quả.

Hiện nhóm cổ phiếu như BMC, LBM, TCT… sẽ có mức giá cao và ổn định ở mức nào đang là câu hỏi của nhiều nhà đầu tư. Theo một chuyên viên tư vấn của Công ty Chứng khoán SSI, chỉ khi kỳ vọng của nhà đầu tư đã được thoả mãn thì tình trạng găm giữ cổ phiếu mới tạm thời kết thúc vì quyền bán thuộc về họ, nhưng những người chưa được sở hữu những “con gà đẻ trứng vàng” này thì vẫn sẵn sàng để có nó trong danh mục đầu tư của mình.

Nhờ tâm lý này mà thị trường chứng khoán sôi động và hấp dẫn hơn chăng?