08:33 17/10/2023

Kim cương nhân tạo: Cung đã vượt quá cầu?

Minh Nguyệt

Trong những năm gần đây, kim cương sản xuất trong phòng thí nghiệm đã gây mối đe dọa đáng kể cho kim cương tự nhiên khi người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng ở Mỹ, chọn mua đồ trang sức đính kim cương nhân tạo…

Ảnh: WD Lab Grown Diamonds
Ảnh: WD Lab Grown Diamonds

Kim cương nhân tạo có cấu trúc về mặt hóa học giống hệt với kim cương được đào lên từ lòng đất. Theo Paul Zimnisky, nhà phân tích thị trường kim cương độc lập, thị phần của những viên đá quí nhân tạo trên thị trường kim cương toàn cầu đã tăng từ 3,5% vào năm 2018 lên mức dự kiến là 16,5%, tương đương 14,6 tỉ USD vào năm 2023. Trong khi đó, doanh số bán kim cương tự nhiên tính bằng đô la không thay đổi kể từ năm 2015.

Tuy nhiên, các công ty khai thác kim cương tự nhiên, bao gồm cả công ty dẫn đầu ngành De Beers, từ lâu cảnh báo rằng lĩnh vực kim cương nhân tạo sẽ sụp đổ do tình trạng sản xuất quá mức đẩy ngành này vào tình trạng thua lỗ do giá giảm sâu. Giá kim cương nhân tạo sản xuất phòng thí nghiệm tính trên mỗi carat giảm hơn ba lần trong bảy năm qua, khi nguồn cung tràn ngập thị trường.

Năm ngoái, hàng triệu người đang chọn mua đồ trang sức nạm kim cương tổng hợp, không chỉ có thành phần tương tự kim cương tự nhiên mà còn thường ít khiếm khuyết hơn, khiến chúng trông rạng rỡ hơn. Cơn bùng nổ nhu cầu về kim cương tổng hợp đang bắt đầu định hình lại hoàn toàn thị trường trang sức kim cương toàn cầu trị giá 89 tỉ đô la.

Theo ông Ziminsky, giá của một viên kim cương tự nhiên 1 carat đã đánh bóng giảm hơn 1/4 kể từ mức đỉnh năm 2022 xuống còn 5.185 đô la, mức thấp nhất trong 8 năm khi thị trường kim cương tự nhiên đối mặt với một nguồn cạnh tranh mới.

Tuy nhiên giá của kim cương tổng hợp thậm chí còn giảm mạnh hơn nữa, từ hơn 5.000 đô la cho một viên kích cỡ 1 carat vào năm 2016 xuống còn 1.425 đô la hiện nay. Giá giảm nhanh nhờ tính kinh tế khi quy mô sản xuất lớn giúp giảm chi phí, đồng thời do các nhà cung cấp kim cương tổng hợp đổ xô vào thị trường đang bùng nổ, khiền nguồn cung vượt xa nhu cầu.

Thị phần của những viên đá quí nhân tạo trên thị trường kim cương toàn cầu đã tăng từ 3,5% vào năm 2018 lên mức dự kiến là 16,5% năm 2023.
Thị phần của những viên đá quí nhân tạo trên thị trường kim cương toàn cầu đã tăng từ 3,5% vào năm 2018 lên mức dự kiến là 16,5% năm 2023.

Vì thế, ngày càng có nhiều lo ngại rằng sự giảm giá của kim cương tổng hợp sẽ dẫn đến tình trạng phá sản ở các nhà sản xuất và bán lẻ trang sức sử dụng những viên đá quí rẻ tiền hơn này. Al Cook, CEO của De Beers, nhà sản xuất kim cương lớn nhất thế giới tính theo giá trị, cảnh báo sẽ có những tổn thất ngắn hạn do khả năng sinh lời thấp hơn. Theo Financial Times, một số người trong ngành cũng cho rằng thị trường đang trải bước ngoặt quan trọng khi các nhà bán lẻ không còn coi kim cương nhân tạo là một ngành kinh doanh có lợi nhuận cao mà là một ngành kinh doanh thua lỗ do giá giảm quá nhanh.

David Kellie, CEO của Hội đồng kim cương tự nhiên dự báo sẽ xuất hiện “cơn rung chuyển” trên thị trường kim cương tổng hợp vì có quá nhiều nhà sản xuất đang lao vào. Ông nói: “Nhìn chung, tôi nghĩ thị trường kim cương nhân tạo đã đi từ chỗ mới lạ và thú vị đến tình trạng dư cung quá mức”. Trong khi đó, Vishal Mehta, CEO của Công ty kinh doanh kim cương Lumex có trụ sở tại Dubai, thừa nhận nguồn cung kim cương nhân tạo đang dư thừa đáng kể. Ông cảnh báo mức giá thấp gây tổn hại cho các nhà sản xuất kim cương nhân tạo dựa vào vay nợ để kinh doanh.

Và những dấu hiệu đầu tiên đã xuất hiện. Hôm 12/10 vừa qua, hãng WD có trụ sở tại Washington đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 7 của Luật phá sản Mỹ tại tòa án phá sản ở bang Delaware. Điều này có nghĩa là công ty có ý định thanh lý tài sản. WD đang có tổng nợ phải trả là 44 triệu đô la Mỹ nhưng tổng tài sản chỉ là 3 triệu đô la.

Được thành lập vào năm 2008, WD là công ty đạt doanh thu đến 33 triệu đô la vào năm ngoái. Nhà phân tích Paul Zimnisky cho biết, WD từng là “người đại diện” cho ngành công nghiệp kim cương nhân tạo ở phương Tây. Cú sụp đổ của công ty cho thấy rất khó để cạnh tranh với các nhà sản xuất kim cương trong phòng thí nghiệm ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Kim cương nhân tạo có cấu trúc về mặt hóa học giống hệt với kim cương được đào lên từ lòng đất.
Kim cương nhân tạo có cấu trúc về mặt hóa học giống hệt với kim cương được đào lên từ lòng đất.

Tương tự, De Beers đã tung ra dòng sản phẩm kim cương sản xuất phòng thí nghiệm với thương hiệu Lightbox. Tuy nhiên, tháng trước, công ty tuyên bố dừng bán nhẫn đính hôn đính kim cương nhân tạo do giá giảm. Diamond Foundry, một nhà sản xuất kim cương nhân tạo lớn khác ở Mỹ, đang tìm kiếm triển vọng tăng trưởng bên ngoài lĩnh vực trang sức. Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Martin Roscheisen, CEO của Diamond Foundry, cho biết với chi phí sản xuất ngày càng giảm, công ty sẽ cung cấp tấm nền kim cương cho ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Nhà phân tích Zimnisky dự đoán với tờ Financial Times, giá kim cương nhân tạo sẽ giảm tiếp giống như công nghệ đang phát triển khác như điện thoại di động và tivi màn hình phẳng. “Công nghệ này đang phát triển rất nhanh dẫn đến việc tạo ra nhiều viên kim cương lớn hơn, chất lượng cao hơn từ phòng thí nghiệm với chi phí sản xuất thấp hơn”, ông nói.

Trung Quốc hiện là nhà sản xuất kim cương tổng hợp lớn nhất thế giới với hơn 600 công ty hoạt động trong ngành. Các nhà máy này sản xuất tới 400 triệu carat kim cương nhân tạo hàng năm. Tại tỉnh Hà Nam – nơi được coi là thủ phủ của kim cương nhân tạo, những viên kim cương nhân tạo có hình thức đẹp đẽ không thua kém gì hàng tự nhiên mà còn có phần vượt trội về chất lượng, chỉ số khúc xạ và độ tán sắc. Điều quan trọng là giá của chúng “rẻ như bèo”, chỉ bằng 20% so với hàng tự nhiên.

Giới chuyên gia cảnh báo rằng lĩnh vực kim cương nhân tạo sẽ sụp đổ do tình trạng sản xuất quá mức đẩy ngành này vào tình trạng thua lỗ do giá giảm sâu.
Giới chuyên gia cảnh báo rằng lĩnh vực kim cương nhân tạo sẽ sụp đổ do tình trạng sản xuất quá mức đẩy ngành này vào tình trạng thua lỗ do giá giảm sâu.

Năm 2021, sản lượng kim cương nhân tạo toàn cầu là 9 triệu carat, riêng huyện Giá Thành, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã góp vào con số này tới 4 triệu carat. Nhờ lợi nhuận khổng lồ từ kim cương nhân tạo, huyện này đã có hai công ty kim cương nhân tạo lên sàn là Liliang Diamond vào năm 2021 và Huifeng Dianmond vào năm 2022. Với sự sẵn có của một nhóm các nhà sản xuất kim cương tổng hợp trong nước, các thương hiệu bán lẻ nội địa Trung Quốc cũng đã phát triển kinh doanh trong lĩnh vực kim cương tổng hợp, Bain & Co cho biết.

Theo một báo cáo nghiên cứu của Guosen Securities, đến năm 2025, sản lượng kim cương bán thành phẩm, được tổng hợp trong phòng thí nghiệm trên toàn thế giới dự kiến đạt 18 triệu carat, tổng giá trị có thể lên tới 38 tỷ NDT (5,4 tỷ USD).