10:03 04/11/2010

Thời tiết khiến xuất khẩu nông sản lỡ cơ hội giá tốt

Anh Quân

Hoạt động xuất khẩu lúa gạo, hồ tiêu, thủy sản, cà phê… đang phải đối mặt với những khó khăn về thiếu hụt nguyên liệu

Nguồn cà phê nhân xô của mùa vụ trước tồn trong dân đã cạn kiệt, trong khi thu hoạch mùa vụ mới vẫn chưa triển khai được.
Nguồn cà phê nhân xô của mùa vụ trước tồn trong dân đã cạn kiệt, trong khi thu hoạch mùa vụ mới vẫn chưa triển khai được.
Chính sách cấm xuất khẩu nông sản được một số quốc gia áp dụng đã làm trầm trọng hơn tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường thế giới, trong khi những yếu tố không thuận của thời tiết lại cản trở các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội giá tốt.

Hoạt động xuất khẩu lúa gạo, hồ tiêu, thủy sản, cà phê… đang phải đối mặt với những khó khăn về thiếu hụt nguyên liệu, bản tin cập nhật dự báo thị trường một số nông sản trong tháng 10/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Xuất khẩu gạo có thể giảm mạnh trong quý 4

Những diễn biến thời tiết bất lợi tại một số nước sản xuất chính thời gian gần đây có thể kéo giảm sản lượng lúa gạo toàn cầu niêm vụ 2010/2011 khoảng 2,1 triệu tấn so với dự báo đưa ra vào tháng trước của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Tương tự, thương mại lúa gạo thế giới năm 2011 có thể giảm 1%; dự trữ niên vụ 2010/2011 giảm 300 nghìn tấn so với dự báo tháng trước.

Diễn biến cung cầu trên thị trường thế giới đang trao lợi thế cho gạo Việt Nam. Theo Hiệp hội Lương thực, khối lượng gạo xuất khẩu đến tháng 10 đạt 5,563 triệu tấn với kim ngạch 2,351 tỷ USD. Mức giá xuất khẩu gạo bình quân 10 tháng năm 2010 đạt 467,3 USD/tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, trong tháng 10, tình hình thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa to trên diện rộng đã làm sản xuất nông nghiệp của các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo các chuyên gia sản lượng vụ mùa của các tỉnh miền Bắc có thể giảm so với năm trước do ảnh hưởng của lũ lụt và sâu bệnh. Trong khi đó, tại các tỉnh miền Nam, tình hình thiếu nước ở một số địa phương đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ gieo cấy hiện nay.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trong quý 4, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam có thể chỉ đạt khoảng 1,04 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với 3 quý đầu năm (quý 1 đạt 1,443 triệu tấn và 2 quý tiếp theo đều đạt gần 2 triệu tấn).

Cũng theo bộ này, dự báo khối lượng gạo xuất khẩu cả năm 2010 ước đạt mức 6,29 triệu tấn.

Thủy sản tiếp tục đối mặt khó khăn nguyên liệu

Thay đổi tỷ giá hối đoái và tác động từ nguồn cung yếu phía Indonesia, thị trường thủy sản Nhật Bản đang có xu hướng tăng lên về giá. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này tại các nước châu Âu tăng mạnh khi dịp Noel đang tới gần, “vấp” phải nguồn cung hạn chế từ các nước xuất khẩu châu Á, khiến việc tăng giá là vấn đề ngày một ngày hai.

Tác động đến trong nước, giá cá tra nguyên liệu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở mức 17.700 đồng/kg, tăng hơn 1.000 đồng/kg so với tháng trước và tăng tới 14% so với cùng kỳ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 10, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủy sản ước đạt trên 4 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2009.

Tuy nhiên, “các nhà chế biến và xuất khẩu thủy sản có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu vào những tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2011”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Tình hình thời tiết mưa bão trên biển và ngập lụt ở miền Trung cộng với lũ về muộn ở đồng bằng sông Cửu Long đã và đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác cũng như nuôi trồng thủy sản tại nhiều địa phương. Sản lượng thủy sản khai thác 10 tháng đầu năm tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2009 nhưng con số này đối với hoạt động nuôi trồng chỉ tăng 3%.  

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo giá trị xuất khẩu thủy sản của năm 2010 ước đạt hơn 4,874 tỷ USD, tăng 14,7% so với năm 2009. Tuy nhiên, từ mức kim ngạch khoảng 500 triệu USD/tháng của tháng 10/2010, đến tháng 11, con số được dự báo chỉ còn chưa đến 450 triệu USD và có thể còn dưới mức 420 triệu USD trong tháng 12 năm nay.

Sản lượng hồ tiêu xuất khẩu giảm dần

Nguồn cung hồ tiêu khan hiếm ở tất cả các nước sản xuất (Việt Nam giảm 20% so với niên vụ trước) do thời tiết xấu, trong khi nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu thế giới liên tục tăng, đã kéo giá hồ tiêu lên cao trong tháng qua.

Theo các nguồn tin thị trường, giá hồ tiêu thế giới trong giai đoạn nửa đầu tháng 10 giảm nhẹ 1-2% so với tháng 9. Tuy nhiên, đến nửa cuối tháng, do nhu cầu hồ tiêu thế giới vẫn tăng mạnh nên giá hồ tiêu xuất khẩu có xu hướng tăng lên. Hồ tiêu B1 của Brazil ngày 21/10 đạt mức giá 4.200 USD/tấn, giá tiêu MG1 của Ấn Độ đạt 4.363 USD/tấn.

Giá hồ tiêu đen nội địa tại Việt Nam đầu tháng 10 dao động ở mức 71.500 đồng/kg. Vào thời điểm cuối tháng 10 do tác động suy yếu của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ nên giá hồ tiêu bình quân tăng nhẹ 1% đạt mức 72,5-73,5 ngàn đồng/kg.

Do giá hồ tiêu xuất khẩu năm nay ở mức cao nên kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2010 đã tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2009, ước đạt 363 triệu USD. “Xu hướng tăng giá dự báo vẫn được giữ vững trong tháng 11 và tháng 12 của năm nay do nguồn cung cạn dần”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận.

Tuy nhiên, nguồn cung nguyên liệu hạn chế là rào cản. Cũng theo nguồn tin từ Bộ trên, dự báo khối lượng hồ tiêu xuất khẩu năm 2010 của Việt Nam chỉ đạt gần 112,3 nghìn tấn thấp hơn so với mức dự báo của tháng trước (113,94 nghìn tấn).

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, khối lượng xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam quý 3/2010 đạt 26 nghìn tấn giảm 40% so với quý 2 và giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng năm 2010, lượng tiêu xuất khẩu của nước ta đạt gần 98 nghìn tấn, giảm 9,4% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, lượng hồ tiêu xuất khẩu có xu hướng giảm liên tục kể từ tháng 7 cho đến tháng 12/2010. Dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, con số này sẽ giảm gần 2/3 trong giai đoạn kể trên, từ trên 12 nghìn tấn vào tháng 7 xuống mức chỉ hơn 4 nghìn tấn vào tháng 12 năm nay.

Cao su xuất khẩu có thể giảm giá trong các tháng tới

Lo ngại về nguồn cung đã khiến cho các khách hàng Trung Quốc mua một khối lượng lớn cao su thiên nhiên trong tháng 10 khiến giá mặt hàng này tiếp tục được đẩy lên cao.

Ngày 26/10, giá cao su SMR20 tại Malaysia đạt mức 3.953 USD/tấn, tăng 13,6% so với mức giá đạt được hồi đầu tháng; giá cao su STR20 tại Bangkok (Thái Lan) đạt mức 3.977 USD/tấn, tăng 14,1%; giá cao su RSS3 tại Bangkok đạt 4.029 USD/tấn và giá cao su RSS4 tại Kottayam (Ấn Độ) đạt 4.249 USD/tấn, tăng lần lượt 11,3% và 13%...

Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc trong quý 4/2010 so với cùng kỳ năm trước được dự báo sẽ tăng 41,5% đối với chủng loại cao su thiên nhiên và tăng 16,3% đối với chủng loại cao su hỗn hợp. Đối chiếu với thông tin dự báo sản lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam năm 2010 có thể đạt 770 nghìn tấn, tăng 6,4% so với năm 2009 là diễn biến hoàn toàn có lợi.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9/2010, nước ta đã xuất khẩu 513 nghìn tấn cao su, đạt kim ngạch 1,42 tỷ USD; tăng 6,1 % về lượng nhưng tăng tới 95,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009. Giá cao su xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm đạt gần 2.770 USD/tấn, tăng trên 84% so cùng kỳ năm ngoái. Hiện giá cao su RSS3 bình quân tháng 10 đạt 3.681 USD/tấn.

Tuy nhiên, “giá cao su có khả năng điều chỉnh giảm do nguồn cung tăng trong giai đoạn cuối năm”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa nhận định. Cũng theo nguồn tin này, khối lượng cao su xuất khẩu năm 2010 có thể đạt hơn 750 nghìn tấn với với kim ngạch là 2,1 tỷ USD.

Thời tiết xấu ảnh hưởng nguồn cung cà phê

Dự trữ cà phê đầu niên vụ 2010/2011 tại các quốc gia sản xuất có thể giảm xuống dưới 12 triệu bao, mức thấp kỷ lục trong lịch sử, dẫn đến khan hiếm cà phê trên thị trường thế giới.

Dưới tác động của giá USD suy giảm và tâm lý lo ngại nguồn cung yếu, xu hướng tăng giá cà phê tiếp tục được duy trì trong tháng qua. Trên thị trường New York, giá cà phê Arabica ngày 26/10 đóng cửa ở mức cao nhất trong vòng 13 năm qua. Giá cà phê giao kỳ hạn tháng 12 đạt mức 201,75 US cent/lb, tăng 11,4% so với mức giá hồi đầu tháng 10 bởi sức mua của các quỹ đầu cơ tăng.

Trên thị trường London, giá cà phê Robusta đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/10 ở mức 1.910 USD/tấn đối với kỳ hạn tháng 11/2010 và 1.935 USD/tấn đối với kỳ hạn tháng 1/2011, tăng 3% so với phiên trước đó và tăng 10,7% so với mức giá hồi đầu tháng.

Tác động đến thị trường trong nước, giá cà phê tại Đắc Lắc ngày 27/10 đã lên tới 33.600 đồng/kg, tăng 11,3% so với mức giá hồi đầu tháng và là mức cao nhất trong vòng hơn 2 năm qua. Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam (FOB HCM) ngày 27/10 đạt 1.810 USD/tấn, tăng 3,1% so với mức giá ngày 26/10 và tăng 10% so với mức giá xuất khẩu hồi đầu tháng.

Tuy nhiên, thời tiết ẩm ướt đang cản trở hoạt động thu hoạch cà phê ở những vùng chín sớm, ngoài ra còn có những lo ngại mưa sẽ kéo dài tại các vùng trồng cà phê chủ lực. Tại Tây Nguyên, thu hoạch mùa vụ mới vẫn chưa triển khai được vì đang có mưa trên diện rộng. Thời tiết bất lợi sẽ ảnh hưởng xấu đến nguồn cung cà phê trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận.

“Nguồn cà phê nhân xô của mùa vụ trước tồn trong dân đã cạn kiệt, trong khi thu hoạch mùa vụ mới vẫn chưa triển khai được”, cũng nguồn tin trên cho biết.