10:46 28/05/2025

Thời trang bền vững tìm thấy “vùng đất mới” ở Đông Nam Á

Minh Nguyệt

Một thế hệ người tiêu dùng mới đang thúc đẩy nhu cầu về thời trang coi trọng đạo đức hơn sự dư thừa. Đông Nam Á, từ lâu được biết đến là trung tâm sản xuất thời trang nhanh, đang hưởng ứng lời kêu gọi này...

Ảnh: 8shades
Ảnh: 8shades

Năm 2024, các báo cáo toàn cầu cho thấy ngành công nghiệp dệt may tạo ra tới 10% lượng khí thải carbon và 20% lượng nước thải. Khi ảnh hưởng đến môi trường của thời trang trở nên không thể bỏ qua, "khách hàng hiện nay trước khi mua sắm sẽ hỏi quần áo của họ được sản xuất ở đâu và như thế nào", Allie Cameron, người sáng lập thương hiệu bền vững Hara (Singapore), nói với tờ Jing Daily.

Từng được coi là điểm yếu của ngành công nghiệp thời trang, Đông Nam Á hiện đang bước vào ánh đèn sân khấu, cho phần còn lại của thế giới thấy tương lai của ngành thời trang có đạo đức, có thể mở rộng quy mô và phong cách sẽ như thế nào.

Tại Singapore, chính phủ và các cơ quan công nghiệp đang tích cực định hình một hệ sinh thái thời trang xanh hơn. Hội đồng thời trang Singapore đang nỗ lực hướng đến mục đích biến hòn đảo này thành "thủ phủ khu vực cho các giải pháp sáng tạo" trong thời trang bền vững. Các sáng kiến ​​chủ chốt như Chương trình Thời trang Bền vững và Sáng kiến ​​Không chất thải thời trang đang tập hợp các bên liên quan để xem xét lại toàn bộ chuỗi cung ứng, từ vật liệu đến tái chế cuối vòng đời.

Zerrin, một thương hiệu thời trang bền vững của Singapore.
Zerrin, một thương hiệu thời trang bền vững của Singapore.

Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore báo cáo ngành công nghiệp thời trang nói chung của quốc đảo này dự báo đạt 2,5 tỷ USD vào năm 2027. Trong đó, 60% người Singapore hiện nay thích mua các thương hiệu bền vững. “Những người tiêu dùng trẻ tuổi dẫn đầu xu hướng. Họ coi trọng sự trung thực và đạo đức cũng như tính thẩm mỹ”, Kimberley Tan, người sáng lập The Mori Club - một nhãn hiệu đồ mặc nhà bền vững của Singapore, cho biết.

Trong khi đó, Thái Lan tự hào có một di sản dệt may phong phú, từ lụa dệt tay đến hàng may mặc công nghiệp xuất khẩu. Trên khắp đất nước, các thương hiệu địa phương đang khám phá lại các kỹ thuật dệt cổ xưa, quy trình nhuộm thủ công và các loại vải đặc trưng của vùng như lụa mudmee và bông kapok.

Các nhãn hiệu mới nổi như Folkcharm, Sasi Knits và Mae Teeta của nước này đang làm việc trực tiếp với các nghệ nhân làng nghề để cùng tạo ra các bộ sưu tập ưu tiên hàng thủ công, vật liệu tự nhiên và sản xuất theo lô nhỏ. Thay vì trở thành đơn vị thuê ngoài cho các nhà máy lớn, các thương hiệu này đang hòa nhập vào cộng đồng địa phương, hồi sinh các nghề thủ công có nguy cơ biến mất và đảm bảo các nghệ nhân được trả lương công bằng.

The Mori Club sản xuất đồ lót tại một xưởng sản xuất quy mô nhỏ, trả lương công bằng và không sử dụng nhựa ở Bali, Indonesia.
The Mori Club sản xuất đồ lót tại một xưởng sản xuất quy mô nhỏ, trả lương công bằng và không sử dụng nhựa ở Bali, Indonesia.

Có thể nói, thời gian gần đây, thời trang chậm đang trở thành một xu hướng kinh doanh hấp dẫn trên khắp châu Á. Dữ liệu toàn cầu năm 2024 thông qua các cuộc khảo sát cho thấy Hàn Quốc và Singapore dẫn đầu thế giới về mức sẵn sàng trả thêm tiền cho thời trang bền vững, với thị trường bán lại toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 56,1% từ năm 2023 đến năm 2027.

Tương tự như vậy, một cuộc khảo sát năm 2025 của Statista nhắm mục tiêu đến những người tiêu dùng giàu có ở châu Á cho thấy khoảng 3% số người được hỏi sẵn sàng trả thêm hơn 25% cho các sản phẩm xa xỉ được sản xuất bền vững.

Bên cạnh đó, cùng với nhu cầu về tính bền vững là kỳ vọng ngày càng tăng về tính minh bạch. Phương tiện truyền thông xã hội và nền tảng kỹ thuật số tại các nước Đông Nam Á đã đặt các thương hiệu dưới sự giám sát ngày càng chặt chẽ. Từ đó, thương hiệu nào chia sẻ câu chuyện sản xuất trung thực, có trách nhiệm không chỉ giành được sự chú ý mà còn có được lòng trung thành lâu dài của người tiêu dùng.

Vì thế, các thương hiệu thời trang chậm trong khu vực thường bắt đầu bằng tính minh bạch như một nguyên tắc cốt lõi — chia sẻ hình ảnh hậu trường tại xưởng của họ, giới thiệu tên thợ may hoặc thợ dệt, và tiết lộ công lao động và nguồn cung ứng.

“Thực tế là thời trang nhanh tồn tại vì tính dễ tiếp cận — giá cả phải chăng, tốc độ sản xuất và sự đa dạng — những điều cũng rất quan trọng. Nhưng những gì một thương hiệu bền vững có thể cung cấp là mối liên hệ sâu sắc hơn với sản phẩm, quy trình và con người”, bà Tan nói.

Thương hiệu Folkcharm Thái Lan hợp tác với những người nông dân trồng bông tự nhiên và thợ thủ công địa phương.
Thương hiệu Folkcharm Thái Lan hợp tác với những người nông dân trồng bông tự nhiên và thợ thủ công địa phương.

Trên thị trường toàn cầu, “Made in Bangladesh” hay “Made in China” thường đồng nghĩa với sản xuất hàng loạt. Nhưng Đông Nam Á đang tạo ra một bản sắc riêng biệt. Thay vì cố gắng hạ giá thành, nhiều thương hiệu trong khu vực đang cạnh tranh thông qua sự sáng tạo trong thiết kế và đạo đức. Bà Tan lưu ý rằng: “Đã có sự cải thiện đáng kể về tay nghề thủ công và năng lực sản xuất trên khắp Đông Nam Á, giúp các thương hiệu nhỏ có thể xây dựng chuỗi cung ứng công bằng và minh bạch hơn mà không ảnh hưởng đến chất lượng”.

Sản xuất với số lượng hạn chế cho phép các thương hiệu tham gia chặt chẽ vào mọi khía cạnh của quá trình sản xuất, từ tìm nguồn nguyên liệu và giám sát khâu hoàn thiện cho đến sáng tạo tái sử dụng các phần thừa thành hàng hóa nhỏ hơn. Điều đó có nghĩa là biến vải thừa khi sản xuất một chiếc xà rông thành một chiếc scrunchie buộc tóc, hoặc biến những mảnh vải tre nhỏ lẻ thành khẩu trang hay khăn tay.

Vậy khu vực Đông Nam Á có thể dẫn đầu về thời trang đạo đức không? Thực tế, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hiện chiếm 33% thị trường thời trang đạo đức của thế giới, thị phần lớn nhất của bất kỳ khu vực nào. Dự báo thị trường của GMI mới đây chỉ ra rằng thị trường may mặc bền vững ở Châu Á sẽ tăng gần gấp ba lần trong thập kỷ tới, tăng từ khoảng 3,9 tỷ USD vào năm 2025 lên 9,4 tỷ USD vào năm 2034.

Vải lụa với họa tiết thêu tay lấy cảm hứng từ men gốm Bát Tràng của NTK Vũ Việt Hà, Việt Nam.
Vải lụa với họa tiết thêu tay lấy cảm hứng từ men gốm Bát Tràng của NTK Vũ Việt Hà, Việt Nam.

Và các nước Đông Nam Á đang chuẩn bị chiếm một phần lớn của chiếc bánh đó. “Chúng tôi có tài năng sáng tạo, khả năng sản xuất và ngày càng có nhiều cơ sở người tiêu dùng để dẫn đầu theo phạm vi khu vực”, bà Tan nói. “Về mặt văn hóa, nhiều quốc gia có lịch sử lâu đời về nghề thủ công và truyền thống tôn trọng thiên nhiên — mảnh đất màu mỡ cho một phong trào phát triển bền vững mang tính chân thực hơn là du nhập”.

Trong bối cảnh đó, các thương hiệu cần xây dựng mối quan hệ bền chặt với các nhà cung cấp và tập trung vào tác động lâu dài, không phải lợi ích ngắn hạn. Sự hợp tác và minh bạch sẽ là chìa khóa, để từ đó kiến thức sản xuất và bản sắc văn hóa của Đông Nam Á có thể mang lại những gì ngành thời trang toàn cầu thực sự cần để chuyển đổi xanh.