“Thời trang giảm phát” với những thử nghiệm mới mẻ
Với sự nghiệp kinh doanh trải dài từ thời trang cao cấp đến nước hoa trong suốt ba thập kỷ, hai nhà thiết kế Viktor Horsting và Rolf Snoeren dường như đã làm được tất cả những gì họ mơ ước. Nhưng họ chưa dừng lại…

Paris, tháng Bảy tại căn phòng gần như trống trơn phủ nhung đen của thương hiệu Viktor & Rolf, mọi thứ như đang chuẩn bị biến mất. Không có hoa hồng, không có sân khấu, chỉ có một chuỗi hình dáng phi lý lần lượt xuất hiện, bắt đầu từ chiếc váy Haute Couture bồng lên rồi gập lại như gặp một cơn khủng hoảng. Không phải khủng hoảng kinh tế mà là khủng hoảng của chính thời trang.
Viktor Horsting và Rolf Snoeren gọi đây là “chủ nghĩa baroque đã qua sử dụng”: váy khổng lồ nhưng sụp xuống như bong bóng; áo choàng thánh lễ nhưng lật ngược; biểu tượng tôn giáo lắp ghép vào cấu trúc trống rỗng. Bộ sưu tập là một cuộc trình diễn giảm phát, nơi vẻ đẹp mất dần đi sức nặng, và khán giả thì chứng kiến sự "tháo rời" của giá trị. Bộ đôi thiết kế đã tưởng tượng ra những hình bóng đồ sộ, sau đó "loại bỏ" lông thật ra khỏi chúng.
Để hiểu tại sao điều này còn ấn tượng hơn cả tưởng tượng: chúng không phải là lông vũ tự nhiên. Mỗi chiếc được cắt riêng từ vải mỏng như tơ và được tạo hình trông giống hệt lông vũ thật một cách kỳ lạ. Người thợ làm mũ người Anh cũng làm mũ từ vải tuyn hoặc các tấm polymer nhiều màu. Có 11.500 chiếc lông vũ giả được sử dụng trong bộ sưu tập này, chúng được đính kết một cách cẩn thận không chỉ làm tăng tính thẩm mỹ mà còn mang đến hiệu ứng thị giác mạnh mẽ.






Chìa khóa của bộ sưu tập mùa này chính là mong muốn thử nghiệm mới mẻ của bộ đôi thiết kế người Hà Lan với ý tưởng trình diễn cùng một mẫu trang phục hai lần, một hướng đi mà họ đã khám phá lần đầu tiên vào năm 1998 và nhiều lần khác kể từ đó, chưa có cách nào mở ra một cách diễn giải bớt cứng nhắc. Lần này, hai nhà thiết kế với sự sáng tạo táo bạo và phong cách độc đáo, đã một lần nữa khiến thế giới thời trang phải trầm trồ.
Tại Tuần lễ thời trang cao cấp Paris, bộ sưu tập mang tên một trò chơi điện tử “Angry Birds” không chỉ gây ấn tượng mạnh mẽ về hình thức mà còn truyền tải những thông điệp sâu sắc về sự đối lập trong thiết kế và cách thể hiện cái tôi cá nhân.
Bộ sưu tập Haute Couture Thu - Đông 2025 này với 30 mẫu trang phục đem đến một sự pha trộn hoàn hảo giữa những chi tiết cầu kỳ, lộng lẫy và những thiết kế tối giản. Mỗi bộ trang phục đều là một tác phẩm thủ công, được thực hiện bởi những thợ may tay nghề cao, với sự kết hợp hoàn hảo giữa công nghệ hiện đại và kỹ thuật thủ công truyền thống.






“Khi chúng tôi bắt đầu nghĩ về mùa này, hình ảnh một chiếc lông vũ hiện lên trong đầu, tôi không hiểu tại sao,” nhà thiết kế Snoeren chia sẻ sau hậu trường buổi trình diễn thời trang cao cấp mùa thu của họ. “Có lẽ là một chú chim bay, sự tự do... Mà cũng có thể là thôi thúc thử nghiệm với những nét đặc trưng của thời trang cao cấp, chúng tôi chưa từng làm bất cứ điều gì liên quan đến lông vũ.”
Có khoảng 11.500 chiếc lông vũ giả - chưa kể những chiếc mũ lông vũ khác do Stephen Jones thiết kế - được gắn đầy trong tay áo, cổ áo, váy lót và đuôi áo. Chúng dường như nhiều đến mức tràn ra khỏi đường may thành những vòng xoắn đầy màu sắc. Cùng với đó, có tất cả 15 cặp đôi trang phục giống hệt nhau, mỗi cặp trang phục thể hiện một sự tương phản rõ rệt giữa hai phong cách thiết kế.
Khối lượng lông vũ lớn tạo không gian cho các chi tiết nổi bật, giúp vải satin và sequin bắt sáng, biến họa tiết lông vũ và hoa thành chấm bi. Trong khi đó, màu đen làm cho những hình ảnh xẹp xuống trở nên cân đối, hay nói cách khác, chính những chất liệu vải đó được xếp nếp và chuyển động.
Một phiên bản của mỗi cặp trang phục được trang trí cầu kỳ, phủ đầy lông vũ và chi tiết tỉ mỉ, tạo ra hiệu ứng thị giác ấn tượng. Mặt khác, một số phiên bản còn lại mang một hình thức đơn giản hơn, với những đường nét nhẹ nhàng và thanh thoát.






Nhà thiết kế Viktor Horsting và Rolf Snoeren đã chứng minh rằng, không chỉ có sự lộng lẫy mới có thể gây ấn tượng, mà sự tinh tế, giản dị cũng có thể khiến một bộ trang phục trở nên đặc biệt và đáng nhớ. Những chiếc áo khoác opera được biến thành những chiếc váy giản dị và quá khổ. Những lớp vải chồng lên nhau thành những bộ đồ hở vai bất đối xứng và bộ trang phục đầy màu sắc trông như Effie Trinket trong phim "Hunger Games" đã mang đến phong cách punk sành điệu.
Đây không chỉ là một bộ sưu tập thời trang thông thường, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật thể hiện sự sáng tạo vô tận của Viktor & Rolf trong việc chơi đùa với khái niệm về sự hiện diện và vắng mặt. Những cuộc phỏng vấn sau chương trình đã hướng hai nhà thiết kế đến nhiều suy luận khác nhau: Ai đã làm phiền loài chim mà tựa đề bộ sưu tập là "Angry Birds"? Liệu có liên kết nào đến trò chơi điện tử nổi tiếng, hay một bài bình luận về tình hình thế giới?...
Bộ đôi giám đốc sáng tạo trả lời đơn giản rằng hãy cứ để mọi chuyện diễn ra tự nhiên. Trong kinh tế học, giảm phát (deflation) là hiện tượng mất giá liên tục không phải do sản xuất hiệu quả hơn, mà do niềm tin vào giá trị đang sụp đổ. Người tiêu dùng không còn muốn mua, vì họ tin rằng ngày mai món đồ sẽ rẻ hơn.






Áp vào thời trang, Viktor & Rolf tư duy theo thương điều gì sẽ xảy ra khi thời trang không còn được mong chờ? Ngành thời trang có “giảm phát” khi mỗi chiếc váy chỉ là sự lặp lại không cảm xúc? Nhưng mọi chuyện sẽ dễ giải quyết hơn nếu chúng ta thuận theo sự khó khăn của thời cuộc và biến các thách thức trong ngành xa xỉ hiện tại thành động lực phát triển bền vững.
Với bộ sưu tập này, thương hiệu Viktor & Rolf một lần nữa khẳng định vị thế trong lĩnh vực thời trang cao cấp, với cách diễn giải mang đậm dấu ấn cá nhân của hai nhà sáng lập: Bất cứ câu trả lời nào trong thế giới hỗn loạn vì căng thẳng địa chính trị và chiến tranh thương mại này, đều sẽ mang hai nửa của sự thật. Điều chúng ta cần làm là quan sát mọi việc dưới con mắt của một chú chim: đa diện, tự do và trọn vẹn.