23:46 30/05/2013

Thống đốc: “Chúng tôi không đơn độc”

Anh Minh

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói ông hài lòng về các công việc đã làm được

Thống đốc Nguyễn Văn Bình (trái) và đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thanh bên hành lang Quốc hội ngày 30/5 - Ảnh: Tuổi Trẻ.<br>
Thống đốc Nguyễn Văn Bình (trái) và đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thanh bên hành lang Quốc hội ngày 30/5 - Ảnh: Tuổi Trẻ.<br>
Đăng đàn tại Quốc hội chiều 30/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói ông hài lòng về các công việc đã làm được, đồng thời chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến các vấn đề nổi bật trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay.

Về thị trường vàng, Thống đốc cho rằng trong thời gian triển khai các quy định mới của pháp luật về quản lý thị trường vàng, đã đạt được những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ, thể hiện đúng mục tiêu đã đặt ra.

“Một năm qua thị trường vàng tiếp tục ổn định trên  nền tảng chúng ta đảm bảo quyền sở hữu hợp pháp, quyền mua bán tích trữ vàng của người dân. Vàng không còn ảnh hưởng mạnh đến thị trường ngoại hối, không còn ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô của đất nước. Tỷ giá được ổn định do vậy góp phần vào tăng dự trữ ngoại hối của nhà nước và trật tự kỉ cương trên thị trường vàng đã từng bước được lập lại”, ông Bình khẳng định.

Về nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói đến hai nhóm giải pháp quan trọng đã được tiến hành.

Thứ nhất, nhóm các giải pháp có thể liên quan trực tiếp đến nỗ lực của hệ thống ngân hàng đó là hệ thống ngân hàng  đã tích cực tham gia vào việc cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp. Sau gần một năm thực hiện, từ tháng 4 năm ngoái đến năm nay, tổng số nợ ngân hàng  đã cơ cấu lại cho nền kinh tế và cho các doanh nghiệp đã lên tới 284 nghìn tỷ đồng, chiếm tới xấp xỉ 10% của tổng dư nợ.

Thứ hai, hệ thống ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro. Năm 2012, tổng số nợ xấu được xử lý bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro là xấp xỉ 70 nghìn tỷ đông. Trong 4 tháng đầu năm nay đã tiếp tục xử lý bằng nguồn này là được 7,5 ngàn tỷ đồng và tiếp tục trích lập dự phòng được 68 nghìn tỷ để đến cuối năm tiếp tục xử lý nợ xấu bằng nguồn này.

“Như vậy, với những nỗ lực của hệ thống ngân hàng, chúng ta đã tháo gỡ được một phần rất lớn nợ xấu. Do vậy, đã kiềm chế được tốc độ gia tăng của nợ xấu trong thời gian qua khi điều kiện kinh tế vĩ mô chưa được cải thiện nhiều”, Thống đốc khẳng định.

Cũng về nợ xấu, ông Bình nói Ngân hàng Nhà nước đã “tích cực tìm ra các giải pháp khác để góp phần tháo gỡ cho xử lý hàng tồn đọng cũng như xử lý nợ xấu nói chung”.

Đề án xử lý nợ xấu đã được Bộ Chính trị phê duyệt vào đầu tháng 3 của năm nay, và Chính phủ đã chính thức thông qua nghị định thành lập công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam vào đầu tháng 5. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang tích cực triển khai các bước tiếp theo để sớm đưa công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam vào hoạt động.

Theo dự kiến, trong năm nay công ty này sẽ có thể góp phần vào việc giải quyết nợ xấu từ 40.000 - 70.000 tỷ đồng, góp phần giải quyết thêm nợ xấu của nền kinh tế.

Về gói tín dụng 30 nghìn tỷ hỗ trợ cho người có thu nhập thấp, người có thu nhập trung bình mua nhà ở xã hội, Thống đốc nói với sự vào cuộc phối hợp chặt chẽ của các bộ, các ngành và các cấp chính quyền địa phương thì trong năm nay “sẽ cố gắng phấn đấu để có thể giải ngân được ít nhất là từ 15.000 - 20.000 tỷ”, qua đó góp phần vào việc giải quyết khó khăn.

“Chúng tôi rất cảm động khi Chủ tịch Quốc hội đã nói là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước không còn đơn độc nữa, và đến nay chúng tôi cũng đã thấy là chúng tôi không còn đơn độc. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để cùng với hệ thống ngân hàng xử lý nợ xấu, và chúng tôi tin rằng với tinh thần quyết tâm chung đó thì trong năm nay chúng ta cũng sẽ có một bước chuyển biến tốt trong vấn đề xử lý nợ xấu”, ông Bình nói.

Về vấn đề tiếp cận vốn vay, một vấn đề “muôn thuở” của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho rằng mức lãi suất hiện nay cũng tương đương với mức lãi suất của những năm trước năm 2007, nhưng tín dụng vẫn chưa ra được nhiều, thể hiện sức cầu, tổng cầu của nền kinh tế còn đang rất yếu.

“Vừa rồi Hội đồng Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cũng có nhiều giải pháp kiến nghị với Chính phủ. Chúng tôi tin chắc rằng trong chương trình làm việc sắp tới của Chính phủ sẽ có nhiều đề xuất để xin phép Quốc hội cho phép có nhiều giải pháp mang tính chất đột phá để xử lý những vấn đề cấp bách trong giai đoạn hiện nay”, ông Bình cho biết.