14:27 01/06/2023

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ rõ 3 nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng thấp

Phan Linh

Tại phiên họp sáng 1/6 của Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã giải trình một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp; tình trạng lãi suất cao diễn ra vào nửa cuối năm 2022; điều hành hạn mức (room) tín dụng và tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém…

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời một số vấn đề đại biểu quan tâm.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Sáng 1/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

BA LÝ DO KHIẾN TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG THẤP

Quốc hội đánh giá cao động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay. Song, bài toán nan giải hiện nay là khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Một số ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, năm 2023, mọi cơ chế và chính sách cho vay vẫn giữ nguyên nhưng 5 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ khoảng trên 5%, thấp hơn một nửa so với cùng kỳ 2022.

Nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng chậm không phải do chính sách, bởi lẽ, trong 5 tháng đầu năm, dư địa (room) tín dụng của các ngân hàng rất rộng rãi; thanh khoản hệ thống được Ngân hàng Nhà nước duy trì ở mức dư thừa. Về phía các ngân hàng, không có lý do gì để các ngân hàng huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền mà lại không muốn cho doanh nghiệp vay.

Do đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề xuất cần có các khảo sát toàn diện, tổng thể, mổ xẻ kỹ tình trạng khó khăn của doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Liên quan đến tiếp cận tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ ra 3 thực trạng.

Thứ nhất, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay không có đầu ra, không có đơn hàng.

Minh chứng là chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index (PMI) ngành Sản xuất của Việt Nam do S&P Global công bố đã giảm xuống 45,3 trong tháng 5 so với 46,7 trong tháng 4. Suy giảm PMI tháng 5 của Việt Nam là mạnh nhất kể từ tháng 9/2021.

Trong bối cảnh xuất khẩu sụt giảm mạnh, doanh nghiệp không có đơn hàng thì nhu cầu vay vốn thấp.

Để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này, cần nhanh chóng tìm các giải pháp đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa với 100 triệu dân để thay thế thị trường xuất khẩu.  

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) gặp khó khăn sau đại dịch Covid-19 nên không đủ điều kiện vay vốn. Để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này, có thể thông qua chính sách bảo lãnh vay vốn cho SMEs…; Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo, định hướng các tổ chức tín dụng cho vay doanh nghiệp SMEs trên cơ sở phương án kinh doanh khả thi chứ không cần tài sản đảm bảo. 

 

“Tại báo cáo PCI 2022, VCCI lựa chọn 82.500 doanh nghiệp để điều tra, trong khi nền kinh tế có 800 đến 900 nghìn doanh nghiệp. Như vậy, số doanh nghiệp được khảo sát là rất nhỏ. Trong số 82.500 doanh nghiệp được lựa chọn, VCCI  chỉ liên hệ thành công được với hơn 43.903 doanh nghiệp, mời trả lời trực tuyến. Kết quả cuối cùng chỉ có 8.478 doanh nghiệp phản hồi hợp lệ trong số 43.903 doanh nghiệp. Vậy kết quả này có phản ánh đầy đủ bức tranh tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp hay không?”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đặt vấn đề.

Thứ ba là tín dụng bất động sản tăng chậm, mặc dù vẫn là lĩnh vực có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất. Đối với lĩnh vực bất động sản, 70% khó khăn vướng mắc đến từ pháp lý nên cần tháo gỡ pháp lý cho doanh nghiệp để rút ngắn thời gian, tiết giảm chi phí, sớm mở bán dự án mới có dòng tiền. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần có các giải pháp giảm giá sản phẩm, phát triển các phân khúc phù hợp nhu cầu thực của người dân.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cũng đang nỗ lực cắt giảm các thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong quá trình nghiên cứu về những khó khăn của doanh nghiệp, Thống đốc cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm đến thông tin trong báo cáo PCI 2022 do VCCI thực hiện, cho biết phần lớn doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận tín dụng.

“Tại báo cáo PCI 2022, VCCI lựa chọn 82.500 doanh nghiệp để điều tra, trong khi nền kinh tế có 800 đến 900 nghìn doanh nghiệp. Như vậy, số doanh nghiệp được khảo sát là rất nhỏ. Trong số 82.500 doanh nghiệp được lựa chọn, VCCI  chỉ liên hệ thành công được với hơn 43.903 doanh nghiệp, mời trả lời trực tuyến. Kết quả cuối cùng chỉ có 8.478 doanh nghiệp phản hồi hợp lệ trong số 43.903 doanh nghiệp. Vậy kết quả này có phản ánh đầy đủ bức tranh tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp hay không?”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đặt vấn đề.

ĐIỀU HÀNH LÃI SUẤT LINH HOẠT TRÊN CƠ SỞ KIỂM SOÁT LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH TỶ GIÁ, ĐẢM BẢO AN TOÀN HỆ THỐNG

Về điều hành lãi suất và tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tình hình có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn thách thức, các nhiệm vụ khó có thể đạt được cùng lúc. Ngân hàng Nhà nước đã kiên trì giữ đại cục, ổn định kinh tế vĩ mô tiền tệ, theo dõi sát diễn biến, tình hình để quyết định những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng thời điểm để ứng phó linh hoạt. 

Với điều hành lãi suất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhu cầu giảm lãi suất là mong muốn của doanh nghiệp khi vay vốn từ trước tới nay. Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước cũng rất mong muốn, quan tâm nội dung này. Tuy nhiên, điều hành lãi suất cần được thực hiện trong tổng thể điều hành chính sách kinh tế vĩ mô về đảm bảo đại cục về kinh tế vĩ mô ổn định, bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng. 

Năm 2022, có 2 lý do khiến chúng ta phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao. Đó là các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất nhanh và mạnh, trong nước lạm phát vẫn ở mức cao hơn so với năm 2021. Lạm phát cơ bản có lúc ở mức 5%.

Bên cạnh đó, áp lực mất giá của VND rất là lớn khi các nước thắt chặt chính sách tiền tệ và đồng USD tăng giá mạnh. Nếu để VND mất giá quá lớn thì doanh nghiệp không chịu nổi. Bởi vì, các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu nguyên vật liệu từ bên ngoài. Nếu tỷ giá tăng mạnh kết hợp với mặt bằng giá nguyên vật liệu tăng cao thì rất khó khăn cho doanh nghiệp, chắc chắn lạm phát sẽ tăng cao. Chưa kể doanh nghiệp Việt Nam vay một lượng lớn vốn nước ngoài. Nếu tỷ giá không ổn định thì áp lực trả nợ sẽ tăng mạnh.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cần có giải pháp linh hoạt, đồng bộ để giải quyết những khó khăn này, tránh mất giá đồng tiền, khiến chi phí đầu vào tăng cao, lạm phát tăng cao. Khi ổn định được tỷ giá trở lại, với điều kiện lạm phát tăng chậm lại, trong những tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã rất quyết liệt, điều chỉnh 3 lần mức điều hành lãi suất, đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm 0,9% bình quân so với năm 2021.

Với việc điều hành tín dụng, Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần giao tổng room từ đầu năm và điều hành trên cơ sở kế hoạch được lập ra bởi sự thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng, tránh tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc là bị siết lại một cách đột ngột như năm 2022.

Trả lời đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết tháng 10 năm ngoái đã diễn ra sự kiện rút tiền hàng loạt ở ngân hàng SCB, gây nguy cơ tác động lan truyền tới hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung ưu tiên vừa ổn định thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo chi trả cho người dân. Vì vậy, không thể điều chỉnh room tín dụng vào thời điểm đó, sau khi thanh khoản ổn định trở lại thì Ngân hàng Nhà nước mới điều chỉnh tăng trưởng tín dụng. 

Với những biến động của các ngân hàng Mỹ trong thời gian vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, ưu tiên đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ là lựa chọn đúng đắn. Những giải pháp, liều lượng và thời điểm của chính sách đã được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc kỹ lưỡng để tập trung hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.