Đủ điều kiện hưởng lương hưu, người lao động sẽ không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Người đã nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng; người đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng sẽ không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp, theo đề xuất sửa đổi Luật Việc làm 2013..
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), trong đó cùng với quy định bổ sung một số đối tượng phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan soạn thảo còn đề xuất thay đổi một số nhóm không phải tham gia.
Theo dự thảo, bổ sung một số nhóm tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên; người làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng, hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố.
Nhóm nữa là người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương.
Đồng thời, thêm nhóm không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm: Người lao động đang làm việc theo hợp đồng thử việc; người đã nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng; người đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng; người giúp việc gia đình.
Trong khi đó, luật hiện hành quy định các trường hợp không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình.
Bên cạnh đó, nhằm góp phần mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, ở lần sửa đổi này, cơ quan soạn thảo đã đề xuất thêm quyền lợi cho người lao động thất nghiệp.
Theo khoản 1 Điều 96 dự thảo Luật, các chế độ bảo hiểm thất nghiệp được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất đã được bổ sung thêm 2 chế độ so với quy định hiện hành.
Đó là, hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng người lao động là người khuyết tật.
Như vậy, nếu dự thảo được thông qua thì người lao động thất nghiệp sẽ được hưởng 5 chế độ bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có 3 chế độ hiện hưởng, bổ sung thêm 2 chế độ mới, và bỏ 1 chế độ so với hiện hành.
Theo đó, các chế độ bảo hiểm thất nghiệp gồm: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng người lao động là người khuyết tật.
Căn cứ tình hình kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ quy định việc hỗ trợ tiền mặt, hỗ trợ đóng bảo hiểm thất nghiệp và các hỗ trợ khác trong trường hợp khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
So với Luật Việc làm hiện hành, dự thảo Luật đã bỏ chế độ hỗ trợ học nghề. Thực tế, chính sách này những năm qua chưa thu hút được số lượng lớn lao động tham gia.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2015-2023, cả nước có 256.350 người được hỗ trợ học nghề, bình quân 28.483 người/năm. Chế độ hỗ trợ học nghề theo quy định của Luật Việc làm mới chỉ tập trung giải quyết được nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp, mà chưa có giải pháp hỗ trợ cho người lao động được đào tạo, phát triển kỹ năng nghề hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Vì thế, cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi thành chế độ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến hết tháng 3/2024 số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 14,244 triệu người, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 4 năm 2024, cả nước có 48.821 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 19,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 4 tháng đầu năm, có hơn 208.000 người hưởng chế độ này, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2023.