Thông tư 68 vừa có hiệu lực, khối ngoại vẫn xả thêm gần 700 tỷ, khi nào dòng tiền này mới "chịu" quay lại?
Tính từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã bán ròng 3 tỷ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thông tư 68 - BTC chính thức có hiệu lực từ ngày 2/11 cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua cổ phiếu không cần ký quỹ 100% và phiên hôm nay là phiên giao dịch đầu tiên, thị trường kỳ vọng khối ngoại sẽ giao dịch tích cực hơn.
Mặc dù vậy, nhóm này vẫn xả ròng 673 tỷ đồng trong phiên đầu tuần trong đó tập trung bán ba cổ phiếu MSN, VHM, FPT. Trước đó trong tháng 10, khối ngoại đã bán ròng 9834.9 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 1040 tỷ đồng. Phía bên bán ròng khớp lệnh của nước ngoài là nhóm Bất động sản. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: HDB, MSB, BID, VRE, KBC, SSI, DGW, KDH, CTG.
Tính từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã bán ròng 3 tỷ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nhận định về dòng vốn ngoại, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty CP Chứng khoán VPBank, cho hay ảnh hưởng của dòng vốn ngoại với thị trường chứng khoán trong thời điểm 9 tháng qua đến từ 2 yếu tố. Thứ nhất là trong khoảng 3 tháng đầu năm, Thái Lan ra thông tin đánh thuế các khoản đầu tư ra nước ngoài khiến dòng vốn có nguồn gốc Thái Lan vào Việt Nam bị rút mạnh. Điều này tạo ra làn sóng bán ròng trong thời điểm từ tháng 1 đến tháng 4.
Yếu tố thứ 2 ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại là chênh lệch lãi suất VND so với USD. Thời điểm căng thẳng là từ tháng 6 cho đến tháng 8, có những giai đoạn tôi thống kê chênh lệch lãi suất giữa VND và USD lên đến 500 điểm cơ bản.
Đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng lẻ tẻ trên thị trường chứng khoán qua đó thu hẹp mức bán ròng. Đây là tín hiệu tích cực đầu tiên. Tín hiệu tích cực tiếp theo trong thời gian qua, theo báo cáo của Bank of America, dòng vốn vào thị trường mới nổi lên mức cao kỷ lục kể từ 2007. Điều này cho thấy có sự dịch chuyển dòng vốn khi Fed và ECB hạ lãi suất. Vấn đề là khi nào dòng vốn đó phân bổ vào Việt Nam.
Theo ông Sơn, câu chuyện nâng hạng sẽ giúp Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại trong 2025 và 2026. Lạc quan hơn, trong ngắn hạn, quỹ diamond ETF hút được khoảng 19 triệu USD. Đây là thông tin tích cực bởi con số này rất lớn trong nhiều tháng trở lại đây, việc giải ngân sẽ diễn ra trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc Quản lý Danh mục đầu tư Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), cho rằng Thông tư 68 có hiệu lực nhưng trong trong quá trình đánh giá lại lần tới, FTSE sẽ làm một việc quan trọng trong quy trình xét duyệt là khảo sát ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài trong việc sử dụng các dịch vụ này.
Nếu các nhà đầu tư nước ngoài trải nghiệm dịch vụ non pre-funding đánh giá là tích cực, cùng những tiêu chí khác được hoàn thiện thì việc nâng hạng sẽ được được thông qua. Ông Duy Anh kỳ vọng nhiều là đến năm 2025, thị trường chứng khoán của chúng ta sẽ được nâng hạng theo tiêu chí của FTSE Russell.
Trên thế giới, rất nhiều quỹ đầu tư nước ngoài hàng ngày họ vẫn đang tìm kiếm các cơ hội ở vòng quanh thế giới và cũng có nhiều nhà đầu tư cũng muốn đón đầu cơ hội nếu thị trường Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Dự kiến sẽ có những quỹ gọi là quỹ đầu tư passive hay là quỹ đầu tư thụ động của nước ngoài, khi họ đầu tư theo các chỉ số, mà chúng ta lại được thêm vào danh sách chỉ số đấy thì chắc chắn họ sẽ phải mua theo.
Vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài họ sẽ đi trước việc việc nâng hạng và sẽ đến Việt Nam trước để đầu tư vào các cổ phiếu trên thị trường Việt Nam trước.
"Kỳ vọng cuối năm nay hoặc đầu năm sau chúng ta có thể thấy được các dòng tiền đó và làm sôi động thêm cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu được thêm vào FTSE, dòng tiền vào sẽ tầm 500 - 600 triệu USD theo dạng đầu tư chỉ số gọi là thụ động chứ chưa tính đến các quỹ đầu tư chủ động và nó đủ mang thêm luồng gió mới đến với thị trường.
Còn nhìn xa hơn, chúng tôi kỳ vọng nhiều hơn vào việc được nâng hạng dưới tiêu chuẩn của MSCI. Nếu MSCI họ nhìn thấy FTSE đã nâng hạng cho Việt Nam rồi và những khách hàng của FTSE họ hài long thì MSCI có thể sẽ đẩy nhanh quá trình nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu thị trường chứng khoán được Việt Nam được nâng hạng theo MSCI, dòng tiền vào có thể lên đến 4-5 tỷ USD, sẽ là một luồng gió rất mạnh đối với thị trường Việt Nam", Giám đốc Quản lý Danh mục đầu tư Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank nhấn mạnh.