16:16 12/01/2023

Thủ đoạn mạo danh cán bộ ngân hàng để lừa đảo tinh vi

Đỗ Mến

Đối tượng giới thiệu bản thân có quen biết với nhiều lãnh đạo ngân hàng nên có thể làm được thẻ vay tiêu dùng sử dụng trong thời gian 45 ngày, không tính lãi suất, không cần thế chấp, chỉ phát sinh phí làm thẻ từ 2-5% giá trị của gói vay.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vấn nạn mạo danh nhân viên ngân hàng để chiếm đoạt tiền diễn biến phức tạp thời gian qua.

Ngày 12/1, TAND TP Hà Nội đã xử phạt bị cáo Lê Tú Quang (SN 1992, ở xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) mức án 12 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

LỪA ĐẢO MANG TÍNH CHẤT CHUYÊN NGHIỆP

Cáo trạng thể hiện, Quang không có nghề nghiệp và từng có tiền án về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quang nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của những người có nhu cầu vay tiền của các tổ chức tín dụng.

Để chiếm lòng tin của mọi người, Quang giả danh là nhân viên ngân hàng, có khả năng làm các thủ tục vay vốn mà không cần thế chấp. Thay vào đó, khách hàng phải chi trả 5% giá trị gói vay.

Mặt khác, Quang còn giới thiệu bản thân có quen biết với nhiều lãnh đạo ngân hàng nên có thể làm được thẻ vay tiêu dùng sử dụng trong thời gian 45 ngày, không tính lãi suất, không cần thế chấp, chỉ phát sinh phí làm thẻ từ 2-5% giá trị của gói vay. Quang cũng yêu cầu các bị hại chuyển trước phí làm thẻ, nhưng sau khi nhận tiền, Quang lấy nhiều lý do để kéo dài thời gian.

Quang hầu tòa ngày 12/1.
Quang hầu tòa ngày 12/1.

Quang nói dối các bị hại là lãnh đạo ngân hàng đang chờ xét duyệt khoản vay và tiếp tục yêu cầu bị hại chuyển thêm tiền để đặt mua, thuê máy POS rút tiền… Sau đó, Quang tắt điện thoại, chặn tài khoản Zalo để cắt đứt liên lạc với bị hại.

Bằng thủ đoạn trên, Quang chiếm đoạt hơn 630 triệu đồng của 31 bị hại.

Cụ thể, khoảng đầu năm 2020, thông qua các mối quan hệ xã hội, Quang quen biết bà Phạm Thị Mậu (SN 1968, ở huyện Hoài Đức). quá trình hai bên trao đổi, Quang biết bà Mậu có nhu cầu vay vốn ngân hàng nên nói sẽ giúp. Bà Mậu tin tưởng và nhờ Quang đứng ra làm thủ tục cấp thẻ vay tiêu dùng cho mình và 4 người khác. Tuy nhiên, Quang không làm được thẻ vay tiêu dùng cho bà Mậu.

Tiếp đó, Quang vẫn nói với bà Mậu là bản thân đã bị đuổi việc, không còn là nhân viên ngân hàng nhưng vẫn có quan hệ, quen biết với nhiều lãnh đạo ngân hàng. Quang hứa hẹn sẽ đứng ra giúp bà Mậu làm được thẻ vay tiêu dùng.

Sau khi trao đổi, bà Mậu giúp Quang đứng ra nhận tiền của những người có nhu cầu làm thẻ vay tiêu dùng và tìm thêm được 5 người.

Theo hướng dẫn của Quang, bà Mậu cung cấp số điện thoại của Quang cho mọi người để họ trực tiếp liên hệ. Quang yêu cầu những người này chuyển trước tiền phí làm thẻ ngân hàng để chiếm đoạt tiền.

Đến khoảng đầu tháng 10/2020, Quang tiếp tục nại ra lý do là có quen biết nhân viên ngân hàng có thể giúp bà Mậu làm thẻ vay tiêu dùng. Lần này, Quang mở tài khoản zalo, tài khoản ngân hàng tên là Nguyễn Đình Hoan để đứng ra giao dịch với các bị hại.

Sau khi được bà Mậu giới thiệu, có nhiều người trao đổi với tài khoản zalo Nguyễn Đình Hoan, thực chất là Quang để nhờ làm thẻ. Quang yêu cầu họ chuyển tiền phí làm thẻ để chiếm đoạt.

Với thủ đoạn trên, từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2021, Quang đã chiếm đoạt số tiền gần 400 triệu đồng của 22 người bị hại.

Hội đồng xét xử nhận định hành vi của Quang đã xâm phạm quyền sở hữu tài sản chính đáng của người dân. Bản thân bị cáo thuộc trường hợp tái phạm và có tính chất chuyên nghiệp nên tuyên phạt mức án trên.

CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG DẤU HIỆU BẤT THƯỜNG

 Gần đây nhất, vào cuối tháng 12/2022, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng triệt phát đường dây lừa đảo bằng hình thức giả danh nhân viên ngân hàng cho vay tiền qua mạng Internet.

Các đối tượng sử dụng tài khoản Facebook ảo đăng bài, đăng bình luận quảng cáo, kêu gọi cho vay tiền với lãi suất thấp, không cần thế chấp tài sản, thủ tục nhanh gọn và để lại thông tin số điện thoại rác để khách hàng liên hệ qua Zalo.

Khi khách hàng có nhu cầu vay tiền liên hệ các đối tượng sẽ sử dụng điện thoai có chức năng chuyển đổi giọng nói, giả danh nhân viên ngân hàng tư vấn các gói vay, thời hạn, lãi suất, hình thức vay và đưa ra các thông tin gian dối nhằm tạo lòng tin cho người vay. Đồng thời, yêu cầu người vay phải đóng các khoản phí thẩm định hồ sơ, phí bảo hiểm vay vào tài khoản ngân hàng không chính chủ do đối tượng cung cấp … Khi người khách hàng đã chuyển các khoản phí nêu trên thì các đối tượng chặn thông tin liên lạc và chiếm đoạt tài sản.

Qua đấu tranh, cơ quan Công an cho biết, với thủ đoạn này các đối tượng đã lôi kéo hàng chục đối tượng cùng tham gia vào đường dây và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng trăm bị hại, trong đó có nhiều bị hại ở Hà Tĩnh, chiếm đoạt tổng số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Thông thường, ngân hàng nào cũng có quy trình rõ ràng và chặt chẽ khi xét duyệt và giải ngân khoản vay. Ngân hàng cũng không yêu cầu khách hàng nạp tiền/chuyển khoản/ đưa tiền mặt hay thu phí mở hồ sơ vay vốn cho bất kỳ cá nhân nào, kể cả nhân viên ngân hàng.

Do vậy, khi thấy dấu hiệu bất thường từ các đối tượng yêu cầu chuyển tiền đến tài khoản lạ, người dân phải đặc biệt lưu ý, để tránh sập bẫy các đối tượng lừa đảo.