Thủ đoạn rửa tiền tinh vi trong vụ khai thác quặng trái phép tại Lào Cai
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai vừa hoàn tất kết luận vụ án vi phạm khai thác tài nguyên, rửa tiền… xảy ra tại Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lilama, Công ty Apatit Việt Nam...
Trong số 15 bị can có 8 người bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Họ gồm: Nguyễn Mạnh Thừa (SN 1959, giám đốc Lilama), Nguyễn Quang Huy (SN 1957, Tổng giám đốc Công ty Apatit Việt Nam), Phạm Cao Khiêm (SN 1955, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam), Nguyễn Ngọc Bích (SN 1957, Chủ tịch HĐTV Công ty Apatit Việt Nam);
Lương Văn Na (SN 1954, Phó Tổng giám đốc, thành viên HĐTV Công ty Apatit Việt Nam), Cao Văn Tham (SN 1957, Phó Trưởng phòng kế hoạch thị trường Công ty Apatit Việt Nam), Nguyễn Văn Bìn (SN 1960, giám đốc Xí nghiệp khai thác 3, thành viên HĐTV Công ty Apatit Việt Nam), Nguyễn Văn Chung (SN 1965, Phó trưởng phòng An toàn – Môi trường, Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam).
Ngoài ra, một số lãnh đạo, cán bộ tỉnh Lào Cai bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
KHAI THÁC HƠN 1,5 TRIỆU TẤN QUẶNG APATIT TRÁI PHÉP
Theo kết luận điều tra, năm 2012, Công ty Lilama được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án khách sạn trên diện tích 3,77 ha thuộc Khai trường 18 thôn 2 xã Đồng Tuyển, TP Lào Cai.
Lợi dụng việc này, từ năm 2013-2015, bị can Nguyễn Mạnh Thừa đã chỉ đạo cán bộ, nhân viên Công ty Lilama đưa máy móc, thiết bị và ký hợp đồng với các doanh nghiệp, cá nhân để tổ chức khai thác trái phép hơn 1,36 triệu tấn quặng apatit các loại trong diện tích 5,99ha (gồm 3,77ha và 2,22 ha là diện tích liền kề dự án mà bị can Thừa đã mua lại của các hộ dân).
Sau đó, Công ty Lilama đã bán lại quặng apatit cho 3 công ty gồm Công ty Apatit Việt Nam, Công ty TNHH Phốt pho vàng Việt Nam và CTCP Hóa chất Đức Giang Lào Cai để thu số tiền hơn 451,3 tỷ đồng.
Số tiền trên được hạch toán vào hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Hồ sơ sổ sách, chứng từ thể hiện, Công ty Lilam đã sử dụng số tiền trên để chi phí bốc xúc, vận chuyển quặng apatit, thuê phương tiện, máy móc; trả tiền lương, thưởng nhân viên; nộp thuế…
Sau khi có kết luận giám định từ các bộ, ngành, cơ quan điều tra xác định, từ năm 2012-2015, Công ty Lilama và Công ty Apatit đã khai thác và tiêu thụ trái phép tổng cộng hơn 1,53 triệu tấn quặng apatit, trị giá hơn 610 tỷ đồng. Hai công ty đã thu lợi bất chính gần 368 tỷ đồng (Công ty Lilama hưởng lời hơn 183,4 tỷ đồng; Công ty Apatit Việt Nam thu hơn 184,5 tỷ đồng).
Hành vi của các bị can đã làm mất nguồn dự trữ tài nguyên kháng sản của quốc gia, gây thiệt hại tài sản của nhà nước, làm ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của tổ chức, cá nhân…
THỦ ĐOẠN RỬA TIỀN TINH VI
Cơ quan điều tra xác định, để hợp thức nguồn tiền thu từ việc khai thác quặng apatit trái phép, bị can Nguyễn Mạnh Thừa đã thỏa thuận với 12 cá nhân mà Công ty Lilama thuê vận chuyển quặng và đất đá để mượn tài khoản ngân hàng của họ.
Theo chỉ đạo của bị can Thừa, kế toán Công ty Lilama đã lập khống các hợp đồng, biên bản nghiệm thu để nâng khống giá cước vận chuyển và khối lượng đất đá. Sau đó, kế toán chuyển tiền thu được từ việc bán quặng apatit vào các tài khoản của 12 cá nhân này với số tiền hơn 182 tỷ đồng. Thực tế, họ chỉ được nhận hơn 5,6 tỷ đồng. Còn lại hơn 177 tỷ đồng là tiền các bị can đã nâng khống giá cước và khối lượng vận chuyển đất đá.
Quá trình thanh toán, các cá nhân này đã rút tiền mặt và trả lại cho nhân viên Lilama để chuyển cho bị can Thừa.
Số tiền thu được, bị can Thừa khai nhận đã chi 2,1 tỷ đồng để mua đất diện tích 465m2 tại phường Bắc Cường, TP Lào Cai và cho con trai đứng tên; chi 7,2 tỷ đồng mua cổ phần tại CTCP Đồng Tả Phời; gửi tiết kiệm do con gái đứng tên; “lót tay” cho một số cán bộ, lãnh đạo UBND tỉnh và những người khác. Tuy nhiên, quá trình điều tra chưa làm rõ lời khai của bị can Thừa về việc đưa tiền cho các lãnh đạo UBND tỉnh, sở ban ngành…
Cơ quan điều tra xác định, hành vi trên của bị can đã thể hiện rõ mục đích nhằm che giấu nguồn gốc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi khai thác khoáng sản trái phép mà có với số tiền hơn 177,1 tỷ đồng.
Hành vi trên đã đủ yếu tố cấu thành tội Rửa tiền theo quy định tại khoản 3, Điều 251 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Đối với Nguyễn Quang Huy là Tổng giám đốc Công ty Apatit Việt Nam (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) biết rõ Công ty Lilama không có giấy phép khai thác quặng nhưng vẫn tổ chức tiêu thụ hơn 1,23 triệu tấn quặng apatit, nhập kho hòa chung với khối lượng quặng cùng loại công ty khai thác. Hiện Công ty Apatit Việt Nam đã nộp lại số tiền thu lợi bất chính hơn 184 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, tại thời điểm xảy ra vụ án, Công ty TNHH Phốt pho Vàng Việt Nam và CTCP Hóa chất Đức Giang Lào Cai không biết việc bị can Nguyễn Mạnh Thừa khai thác quặng trái phép, không biết nguồn gốc quặng apatit là do phạm tội mà có nên không đề cập xử lý.