14:45 16/08/2024

Thu hút FDI chất lượng từ phát triển khu công nghiệp thông minh bền vững

Nguyệt Hà

Phát triển hạ tầng thông minh bền vững chính là yếu tố then chốt mang lại sức hút cho các Khu công nghiệp Việt Nam khi muốn “dọn tổ” đón làn sóng đầu FDI mới do những dịch chuyển của chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu...

Nhiều Chủ đầu tư Khu công nghiệp quan tâm giải pháp chuyển đổi thông minh bền vững. Ảnh: VNeconomy
Nhiều Chủ đầu tư Khu công nghiệp quan tâm giải pháp chuyển đổi thông minh bền vững. Ảnh: VNeconomy

Chiều 15/8, tại TPHCM, đã diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy thông minh, bền vững hướng đến Net Zero, nhằm thu hút các Dự án FDI chất lượng, có giá trị cả về kinh doanh và công nghệ một cách bền vững cả về môi trường và mục tiêu kinh doanh

KHU CÔNG NGHIỆP PHẢI THÔNG MINH BỀN VỮNG VỀ CẢ MÔI TRƯỜNG VÀ KINH DOANH

Hội nghị đã thu hút gần 40 chủ đầu tư, lãnh đạo đang quản lý hơn 100 khu công nghiệp trên cả nước như: VSIP, Hiệp Phước, Cát Lái, Hòa Phú (Vĩnh Long), Sonadezi, IDICO, KBC, Saigontel, Protrade, Đồng Tâm, Long Hậu, Thành Thành Công, Amata, Hòa Bình – Long An, Tân Đông Hiệp...

Hơn 150 nhà cung cấp các dịch vụ hạ tầng cho Khu công nghiệp trong các lĩnh vực thiết kế - xây dựng công trình cung cấp vật liệu bền vững, hạ tầng viễn thông  và phần mềm quản trị vận hành thông minh, giải pháp tổng thể về cung ứng... đã đến tham dự.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Khánh, Tổng Giám đốc Cổng Thông tin khu công nghiệp Việt Nam, tính đến hết tháng 8/2024, cả nước có 425 khu công nghiệp đã thành lập bao gồm 299 khu công nghiệp đang hoạt động và 126 khu công nghiệp đang thực hiện các thủ tục đầu tư, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 130 nghìn héc-ta.

Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn héc-ta. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các khu công nghiệp cả nước đạt khoảng 51,3 nghìn héc-ta. Nếu tính riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 81,2%.

Theo tính toán của Cổng thông tin Khu công nghiệp Việt Nam, đến 2030 cả nước sẽ có khoảng 500 khu công nghiệp và 2000 cụm công nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 210 nghìn héc-ta.

Mục tiêu phát triển công nghiệp quốc gia là phát triển các ngành công nghiệp gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, năng lượng; giảm dần những ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động tay chân, mà thay vào đó tăng cường thu hút những nhà đầu tư tên tuổi, chất lượng cao, công nghệ hiện đại, quy mô đầu tư lớn, bảo vệ môi trường và sản xuất – kinh doanh bền vững.

Những định hướng của Chính phủ về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, kinh tế số, cách mạng công nghiệp lần thứ 4… đang là cơ sở vững vàng cho phát triển khu công nghiệp thông minh bền vững.

Có thể nói, mục tiêu chiến lược quốc gia cũng như những cam kết của Việt Nam với quốc tế trong các vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững chính là động lực mạnh mẽ của phát triển Hạ tầng công nghiệp thông minh bền vững tại Việt Nam trong thời gian tới.

Mô hình khu công nghiệp thông minh bền vững được coi là giải pháp không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm chất thải, giảm lãng phí tài nguyên, giảm thiểu rủi ro, mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tăng khả năng cạnh tranh.

“Các lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường thu được từ khu công nghiệp thông minh bền vững là rất đáng kể, đa dạng và vượt xa các lợi ích kinh doanh thông thường. Để đầu tư xây dựng thành công mô hình khu công nghiệp này, cần phải bắt đầu từ định hướng chiến lược và có tầm nhìn về Khu công nghiệp thông minh bền vững, tiếp đó là công tác lập quy hoạch, thiết kế tổng thể đảm bảo vừa đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia về xây dựng vừa tích hợp được các giải pháp công nghệ đi kèm hạ tầng để sẵn hàng hạ tầng chất lượng cao, thông minh cho các nhà đầu tư chất lượng”, Founder của VIZ ông Phạm Văn Nam chia sẻ.

"TẤC ĐẤT TẤC VÀNG" CÔNG NGHIỆP CẦN KHAI THÁC CHIỀU SÂU

Nhìn nhận về yêu cầu phải chuyển đổi công nghiệp truyền thống thành thông minh bền vững, ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp, khu công nghiệp TPHCM, cho biết vấn đề phát triển bền vững đối với các doanh nghiệp sản xuất nói chung và các khu công nghiệp nói riêng không phải là việc một khẩu hiệu nữa mà đã trở thành một xu thế tất yếu, một yêu cầu tất yếu của thời đại. 

Ông Đức cho hay hiện nay các doanh nghiệp sản xuất ở các khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã và đang tiếp bước theo định hướng trên. Riêng tại TPHCM đã triển khai một đề án Tái cấu trúc các khu chế xuất khu công nghiệp. Đây là dịp để TPHCM nhìn nhận lại mô hình phát triển của các khu công nghiệp trong vòng 30 năm qua. 

"TPHCM mong muốn "tấc đất, tấc vàng" phải đi vào chiều sâu, thu hút được những ngành đi theo chiến lược phát triển thông minh, bền vững trong tương lai", ông Đào Xuân Đức nhấn mạnh.

Còn theo ông Hà Duy Tín, Tổng Giám đốc khu công nghiệp Hòa Phú, hơn 90% doanh nghiệp đang sản xuất trong khu công nghiệp Hòa Phú là doanh nghiệp xuất khẩu. Do đó, chuyển đổi hạ tầng, dịch vụ Khu công nghiệp theo hướng bền vững không chỉ là mong muốn của chủ đầu tư khu công nghiệp mà còn là đòi hỏi từ chính các nhà sản suất đang hoạt động tại khu công nghiệp Hòa Phú.