Thủ tướng: Các nhà khoa học là tài sản quốc gia quý báu
"Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phải thực sự trở thành một bộ phận tham mưu tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhất là đối với công tác vận động, khơi dậy tinh thần cống hiến của đội ngũ trí thức"
Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2020-2025) vào sáng 25/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là nơi hội tụ những trí tuệ được kết tinh bằng cả đời lao động, khát khao được tiếp tục góp sức, chung tay đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới, xây dựng nền tảng trí thức.
Đầu tư cho đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển
Thủ tướng khẳng định, hơn 75 năm qua kể từ khi đất nước giành lại được độc lập, đến nay, đội ngũ trí thức Việt Nam không ngừng lớn mạnh, luôn miệt mài lao động sáng tạo và có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được Đảng, Nhà nước, toàn xã hội ghi nhận và trân trọng. Học tập tư tưởng của Bác Hồ trong việc trọng dụng người tài đức, Nghị quyết số 27 của Trung ương Khóa X đã khẳng định xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững.
Thủ tướng nêu rõ, từ khi ra đời đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng là hạt nhân tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Việt Nam trong nước và ngoài nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia, phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.
Thủ tướng nêu rõ, hàng ngàn nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong hệ thống của Liên hiệp Hội là tài sản quốc gia quý báu. Tất cả chúng ta sẽ là những "viên gạch" nhỏ hoặc những "công trình" đồ sộ để đóng góp xây dựng Tổ quốc.
Liên hiệp là nòng cốt trong xây dựng đội ngũ trí thức
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số vấn đề. Đó là phải làm cho khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực quan trọng nhất phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, sức mạnh của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thực sự là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam, tập hợp, đoàn kết trí thức ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng để đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nhận thức sâu sắc trách nhiệm đối với đất nước.
Phát huy tinh thần yêu nước, các giá trị cốt lõi tốt đẹp của dân tộc. Chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của người trí thức, nhất là trí thức trẻ.
Trọng dụng, tôn vinh những người có đóng góp thiết thực và hiệu quả. Làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ gắn bó giữa trí thức với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Tập hợp đội ngũ, tập trung nguồn lực để đề xuất tham mưu cho Đảng, Nhà nước những vấn đề quan trọng về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển của đất nước.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phải thực sự trở thành một bộ phận tham mưu tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhất là đối với công tác vận động, khơi dậy tinh thần cống hiến của đội ngũ trí thức. Tiếp tục chủ động thực hiện hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Tổ chức tốt các diễn đàn khoa học.
Chủ động tham mưu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát huy hiệu quả tiềm lực của đội ngũ trí thức nước nhà.
Phấn đấu xây dựng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thành một tổ chức chính trị-xã hội vững mạnh, giữ vững vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết và xây dựng, phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức, đại diện cho tiếng nói của đội ngũ những người làm khoa học và công nghệ cả nước.
Xây dựng và phát triển Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam không chỉ là trách nhiệm của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ mà còn là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong hệ thống chính trị.
Thủ tướng tin tưởng với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, phát triển, Đại hội lần thứ VIII của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam sẽ truyền đi một tinh thần mới khơi dậy trách nhiệm và khát vọng của các hội viên cả nước, tạo động lực phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, tiếp tục đóng góp quan trọng cho đất nước ta.
Sau thời gian làm việc, Đại hội đã bầu ra Đoàn Chủ tịch gồm 26 thành viên. Ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, giữ chức Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khóa VIII.
Hai ông Phạm Quang Thao và Nguyễn Hồng Diên là Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội; ông Nguyễn Quyết Chiến là Tổng Thư ký Liên hiệp Hội. Ông Đặng Vũ Minh được bầu là Chủ tịch danh dự Liên hiệp Hội.
Trước đó, phát biểu khai mạc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam khóa VII Đặng Vũ Minh cho biết, Đại hội sẽ nghe, thảo luận và biểu quyết thông qua Báo cáo chính trị "Phát huy tinh thần đoàn kết và sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động và phát triển Liên hiệp Hội Việt Nam vững mạnh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"; sẽ bầu các chức danh lãnh đạo của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam trong nhiệm kỳ tới.
Đến cuối nhiệm kỳ, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam có 152 hội thành viên (tăng 12 hội ngành thành viên so với đầu nhiệm kỳ). Toàn hệ thống Liên hiệp Hội có một nhà xuất bản; một Quỹ hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - Vifotec; 113 cơ quan báo chí (tăng 9 cơ quan báo chí so với đầu nhiệm kỳ).
Trong giai đoạn 2015-2020, các Liên hiệp hội địa phương và hội ngành thành viên thực hiện trên 2.000 đề tài/dự án cấp cơ sở, trên 300 đề tài/dự án cấp bộ/tỉnh, hàng chục đề tài/dự án cấp nhà nước.
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương và các hội ngành thành viên đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật. Đồng thời, góp phần thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển kinh tế-xã hội. Hoạt động này đã và đang trở thành một kênh thông tin đáng tin cậy giúp Đảng và Nhà nước khi xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.