Thủ tướng: Chấp nhận có ca nhiễm mới khi chuyển trạng thái, nhưng phải kiểm soát rủi ro
Sáng 20/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, sau hơn 1 tháng cả nước triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh....
Tại phiên họp, các đại biểu cho biết, sau hơn 1 tháng triển khai, Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, phù hợp, đang được các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tích cực thực hiện, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc rõ rệt.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong hơn 1 tháng đầu tiên thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP (từ 11/10-19/11/2021), cả nước ghi nhận 105.543 ca cộng đồng. So với tháng trước đó, số ca cộng đồng cả nước tăng 2,9%, nhưng số ca tử vong giảm 46,3%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 25,3%, số ca nặng, nguy kịch giảm 40,8%.
Đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca bệnh mắc trong cộng đồng đang có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước (trong tuần số ca mắc cộng đồng tăng tại 35 tỉnh, thành phố) do mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan đến người trở về từ vùng dịch.
"Thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nhất là trong điều kiện thời tiết chuyển biến thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus", Bộ trưởng Y tế cho biết.
BƯỚC ĐẦU ĐẠT MỤC TIÊU ĐỀ RA, XONG VẪN CẦN KHẮC PHỤC BẤT CẬP
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ các ý kiến tại cuộc họp đều thống nhất đánh giá, qua hơn 1 tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn chuyên môn theo Quyết định 4800 của Bộ Y tế, nhìn chung chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc, bước đầu đạt mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý trong tuần qua, số ca mắc mới trong cộng đồng tăng so với tuần trước, số ca tử vong và chuyển nặng cũng có chiều hướng tăng, cần chú ý bám sát tình hình, theo dõi, phân tích, đánh giá kỹ. Năng lực y tế cơ sở ở một số nơi còn hạn chế, năng lực y tế dự phòng vẫn là điểm yếu.
Việc ban hành Nghị quyết 128 và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế để chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh được đánh giá là kịp thời, đúng hướng và sát thực tế, mang lại những kết quả cơ bản nói trên.
Một nguyên nhân khác là cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc với sự hưởng ứng, ủng hộ của nhân dân, sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Việc triển khai chiến lược vaccine và chiến dịch tiêm chủng vaccine được đẩy mạnh, việc phân bổ vaccine kịp thời, hợp lý hơn. Các cấp chính quyền vào cuộc tích cực, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và người dân để khôi phục sản xuất, khôi phục thị trường lao động với các biện pháp như: thiết lập trạm y tế lưu động tại khu công nghiệp, khu kinh tế…
Thủ tướng biểu dương nhiều nơi đã chủ động, linh hoạt, vận dụng sáng tạo, hiệu quả Nghị quyết 128.
Về nguyên nhân của các hạn chế và bất cập, Thủ tướng nêu rõ vẫn có tư tưởng chủ quan, lơ là ở một số nơi. Một bộ phận người dân nhận thức chưa đúng về hiệu quả của việc tiêm vaccine. Hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở nhiều nơi, nhiều lúc chưa đáp ứng được khi tình hình diễn biến phức tạp. Việc tiêm chủng vaccine và đáp ứng thuốc chữa bệnh có nơi, có lúc triển khai chậm so với diễn biến tình hình và yêu cầu đặt ra, chưa đạt mục tiêu.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các địa phương trong quản lý việc di chuyển của người dân chưa chặt chẽ, còn bất cập, gây khó khăn cho người dân. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 128 có nơi, có lúc thiếu quyết liệt. Một số nơi chưa thực hiện tốt việc triển khai thu dung, phân loại điều trị kịp thời các ca nhiễm ngay từ cơ sở.
TẤT CẢ ĐỀU PHẢI CÓ KẾ HOẠCH
Dự báo tình hình sắp tới, dù tình hình đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước, nhưng diễn biến dịch bệnh đang có chiều hướng phức tạp. Đồng thời, giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường thế giới, chính sách tiền tệ, tài khóa của các nước có tác động tới Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu công tác nắm tình hình, dự báo phải sát hơn, tích cực hơn, phân tích chính xác hơn để thống nhất về mặt chủ trương, đưa các giải pháp, biện pháp khả thi, hiệu quả, tổ chức thực hiện thật tốt, chủ động ứng phó tình hình.
“Chúng ta chuyển trạng thái thì chấp nhận có ca nhiễm mới nhưng kiểm soát rủi ro, có các biện pháp hiệu quả để giảm tối đa các ca tăng nặng và tử vong, thực hiện bình thường hóa một cách an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng giao Bộ Y tế hướng dẫn đánh giá, tổng kết công tác phòng chống dịch, nhất là đợt bùng phát dịch lần thứ 4; các cấp, các ngành tiếp tục góp ý cho Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế để bổ sung từng bước các biện pháp, quy trình, điều kiện phòng chống dịch.
Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện chiến lược tổng thể phòng chống dịch để trình cấp có thẩm quyền trước ngày 30/11 theo cách tiếp cận toàn dân, lấy cấp cơ sở làm nền tảng.
Trước mắt, cần tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, các địa phương nếu có các biện pháp sáng tạo nhưng trái quy định, nguyên tắc chung thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi thực hiện. Nguyên tắc là thực hiện thống nhất, thông suốt từ Trung ương tới cơ sở, đánh giá chính xác cấp độ dịch và thực hiện nghiêm các biện pháp tương ứng về hành chính, y tế, an sinh xã hội, an ninh trật tự và vận động nhân dân, phương châm “5K+vaccine+thuốc điều trị+công nghệ+các biện pháp khác”…
Thủ tướng lưu ý có kịch bản hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa phương, nhất là khi ở cấp độ 4, một nơi có dịch thì nhiều địa phương cùng tập trung dồn lực kiểm soát, khi cần thiết thì huy động hỗ trợ của lực lượng công an, quân đội, y tế.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị lên kế hoạch đẩy mạnh tiêm vaccine, trong năm 2021 phải cơ bản hoàn thành việc tiêm đủ 2 mũi cho người trên 18 tuổi, tức là vượt kế hoạch đề ra về bao phủ vaccine.
Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh kế hoạch tiêm vacine cho trẻ em để mở cửa trường học trở lại an toàn, hiệu quả; chuẩn bị kế hoạch tiêm mũi 3 cho người đã tiêm đủ 2 mũi. Song song với nhập khẩu, cần thúc đẩy bằng được sản xuất vaccine trong nước. Tăng cường chuẩn bị, phân bổ thuốc điều trị khi thực tế đã chứng minh về tính hiệu quả và an toàn.
"Tất cả đều phải có kế hoạch", người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.
Bộ Y tế nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước để có quy định cách ly, xét nghiệm, trong đó có vấn đề xã hội hóa xét nghiệm phù hợp tình hình và điều kiện đất nước. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội rà soát các chính sách an sinh xã hội đã có, nghiên cứu, bổ sung chính sách mới.
Bộ Tài chính tiếp tục tổng hợp nhu cầu kinh phí mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch của các địa phương, nếu thiếu kinh phí cần tìm nguồn để xử lý kịp thời, nếu vướng mắc quy định thì chủ động xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền.
Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải quy định về xuất nhập cảnh phù hợp tình hình.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương quan tâm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để người dân di chuyển thuận lợi, không bị cản trở về mặt hành chính. Các địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tất cả vì nhân dân để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, không để ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân và doanh nghiệp trong phòng chống dịch, không chủ quan, lơ là, cũng không hoảng hốt, lo sợ trước dịch bệnh mà yên tâm, bình tĩnh để chuyển trạng thái.
Các bộ ngành, các tiểu ban của Ban Chỉ đạo quốc gia, các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để thực hiện thật tốt, thật nghiêm các quy định đã được ban hành và rà soát, bổ sung các quy định nếu cần thiết; kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp phù hợp với tình hình; vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm… trong quá trình này.