15:47 01/09/2016

Thủ tướng: “Đã đến lúc dân muốn thấy kết quả cụ thể”

Nguyên Hà

“Nếu anh làm không tốt, gây cản trở, không chịu đổi mới, không hướng vào người dân và doanh nghiệp, thì phải thay”

Đề cập đến sự thay đổi trong tư duy điều hành mới của Chính phủ, Thủ tướng nhìn nhận, đã có sự chuyển biến bước đầu trong việc biến “lời nói thành hành động”.<br>
Đề cập đến sự thay đổi trong tư duy điều hành mới của Chính phủ, Thủ tướng nhìn nhận, đã có sự chuyển biến bước đầu trong việc biến “lời nói thành hành động”.<br>
“Chúng ta đã nói nhiều về phương châm hành động của Chính phủ mới. Chúng ta thể hiện ý chí phát triển, khát vọng vươn lên thông qua những chương trình, hành động cụ thể, yêu cầu, chỉ tiêu cụ thể chứ không phải bằng lời nói”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy khi kết luận phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ, ngày 31/8.

Đã có chuyển biến

Đề cập đến sự thay đổi trong tư duy điều hành mới của Chính phủ, Thủ tướng nhìn nhận, đã có sự chuyển biến bước đầu trong việc biến “lời nói thành hành động”.

Điều này thể hiện bằng việc chất lượng các văn bản chính sách được nâng lên, cải cách hành chính có chuyển biến; chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính cũng như trong xã hội, trước hết tập trung vào những vụ việc nóng bỏng, dư luận xã hội quan tâm như ô nhiễm môi trường, phá rừng, vi phạm trật tự xã hội, trật tự đô thị, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai..

Cùng với đó, một số bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực áp dụng những quan điểm mới, cách tư duy, phương pháp mới trong chỉ đạo, điều hành. Nhiều ý kiến của người dân, doanh nghiệp phản hồi tích cực về hoạt động của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Người dân đã nghe chúng ta nói, thấy có chuyển biến trong hành động, tuy nhiên chưa phải đồng bộ và cũng không phải cấp nào, ngành nào, cơ quan nào cũng quyết liệt. Bây giờ, đã đến lúc nhân dân muốn nhìn thấy những kết quả cụ thể, để thấy sự nhất quán nói đi đôi với làm, và làm có kết quả”.

Nêu việc Việt Nam tăng 3 bậc về chỉ tiêu môi trường kinh doanh theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), Thủ tướng cho rằng, vẫn cần cố gắng nhiều hơn bởi còn một số chỉ số giảm bậc như chỉ số thương mại qua biên giới, chỉ số bảo vệ nhà đầu tư giảm 1 bậc.

Theo Thủ tướng, điều đáng mừng và cũng đáng lo là Việt Nam đứng thứ 5 trong ASEAN về môi trường kinh doanh (theo xếp hạng của WB) trong khi chúng ta đang quyết tâm vào top 4 của ASEAN trong bối cảnh các nước cũng đẩy mạnh cải cách.

“Tôi nói thông tin trên để các bộ trưởng cần chỉ đạo tập trung hơn, có đột phá hơn, kể cả giải pháp nhân sự. Nếu anh làm không tốt, gây cản trở, không chịu đổi mới, không hướng vào người dân và doanh nghiệp, thì phải thay”, ông nhấn mạnh.

Công khai thông tin thuế

Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài chính tiếp tục chống thất thu, nợ đọng thuế, tăng thu ngân sách Nhà nước.

Ông nhấn mạnh, cần công khai thông tin nộp thuế của các doanh nghiệp lớn, trong đó có doanh nghiệp FDI. Chỉ đạo lập dự toán ngân sách Nhà nước bảo đảm tiêu chí, định mức rõ ràng, công khai, minh bạch, khả thi về nguồn lực, không có sự mặc cả giữa địa phương với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan về giao dự toán ngân sách. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tránh dồn vào cuối năm.

“TPP quy định thời gian thông quan một lô hàng là 24 giờ. Với thực trạng kinh tế, môi trường kinh doanh và năng lực đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay thì bao giờ chúng ta thực hiện được cam kết này”, Thủ tướng lấy ví dụ và nhấn mạnh xuất khẩu là một kênh tăng trưởng quan trọng nên Bộ Công Thương cần rà lại các chính sách về xuất nhập khẩu.

Riêng đối với việc cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn của Nhà nước, Thủ tướng lưu ý: “Phải làm việc này thật bài bản, để tối đa hóa lợi ích cho Nhà nước, bảo đảm công bằng giữa các nhà đầu tư, tạo niềm tin cho xã hội và để chương trình cổ phần hóa, bán vốn Nhà nước tiếp theo có nề nếp, cứ thế mà làm. Không để xảy ra tình trạng thất thoát do cổ phần hóa. Nguồn vốn thu được từ cổ phần hóa cũng phải sử dụng hiệu quả, không được lãng phí”.